Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sáp nhập hàng chục đơn vị trường học:
Đừng chạy theo chỉ tiêu
Thứ ba: 23:33 ngày 04/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để không tạo ra “tác dụng phụ”, chủ trương, kế hoạch sáp nhập trường cần được tính toán thận trọng, khoa học và điều đặc biệt quan trọng là không nên chạy theo chỉ tiêu.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương Đảng và UBND tỉnh, ngành Giáo dục đã, đang và sẽ bố trí, sắp xếp lại các đơn vị trường học. Trong thời gian không xa nữa, hàng chục trường học trên địa bàn tỉnh sẽ được sáp nhập, tổ chức lại để tiết kiệm nguồn lực, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Theo tinh thần đó, Sở Giáo dục và Đào tạo với hiện trạng cơ cấu bộ máy gồm 10 phòng chuyên môn, 34 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sẽ được tổ chức, sắp xếp lại. Theo kế hoạch, Sở sẽ hợp nhất Phòng Chính trị, tư tưởng, Phòng Giáo dục trung học và Phòng Giáo dục thường xuyên - chuyên nghiệp thành Phòng Giáo dục trung học - Chuyên nghiệp.

Số trường trung học phổ thông (THPT) sẽ giảm từ 30 xuống còn 25. Các trường sau đây sẽ sáp nhập: Trần Quốc Đại và Quang Trung (dự kiến thời gian sáp nhập năm học 2018-2019); Lê Duẩn và THPT Tân Châu (dự kiến sáp nhập năm học 2019-2020); Nguyễn An Ninh và Trần Phú trên địa bàn huyện Tân Biên (dự kiến sáp nhập năm học 2019-2020); THPT Châu Thành và Hoàng Văn Thụ (dự kiến sáp nhập năm học 2020-2021); Nguyễn Đình Chiểu và THPT Dương Minh Châu (dự kiến sáp nhập năm học 2020-2021).

Sau khi sắp xếp, Sở GD-ĐT còn lại 8 phòng chuyên môn, 29 đơn vị sự nghiệp trực thuộc (giảm 2 phòng chuyên môn và 5 trường THPT). Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở bao gồm 25 trường phổ thông, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, Trường phổ thông Dân tộc nội trú, Trường Khuyết tật và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh.

Tại các địa phương, kế hoạch sáp nhập trường học cũng đã được các cơ quan liên quan xây dựng và cấp thẩm quyền phê duyệt.

Huyện Trảng Bàng sẽ sáp nhập Trường tiểu học An Phú Khương vào Trường tiểu học An Thành; Trường tiểu học Vàm Trảng vào Trường tiểu học An Hội; Trường tiểu học Phước Giang vào Trường tiểu học Phước Lưu; Trường tiểu học Bời Lời 3 vào Trường tiểu học Bời Lời 1; Trường tiểu học Chánh Vĩnh Phước vào Trường tiểu học An Bình Thành. Ở cấp THCS, sáp nhập Trường THCS An Thới vào Trường THCS An Hoà.

Huyện Gò Dầu sáp nhập Trường tiểu học Phước Tây vào Trường tiểu học Phước Hội thành Trường tiểu học Phước Hội; Trường tiểu học Bàu Đưng vào Trường tiểu học Bến Rộng thành Trường tiểu học Bến Rộng; Trường tiểu học Bông Trang vào Trường tiểu học Bến Đình thành Trường tiểu học Bến Đình; Trường tiểu học Cây Trắc vào Trường tiểu học Suối Cao thành Trường tiểu học Suối Cao; Trường tiểu học Tầm Lanh vào Trường tiểu học Xóm Bố thành Trường tiểu học Xóm Bố; Trường THCS Thị trấn vào Trường THCS Lê Văn Thới thành Trường THCS Lê Văn Thới.

Trên địa bàn huyện Tân Biên, Trường tiểu học Hoà Đông sáp nhập vào Trường tiểu học Hoà Đông A; Trường tiểu học Thạnh Tây B vào Trường tiểu học Thạnh Tây A; Trường tiểu học Thạnh Phước sáp nhập vào Trường tiểu học Thạnh Bình B; Trường tiểu học Thạnh Bình C, Thạnh An sáp nhập vào Trường tiểu học Thạnh Bình A; Trường mầm non Hoa Sen sáp nhập vào Trường MG 2.9; Trường tiểu học Thanh An sáp nhập vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu; Trường tiểu học Tân Phong A, Tân Phong C sáp nhập vào Trường tiểu học Tân Phong; Trường tiểu học Thạnh Trung sáp nhập vào Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.

Cũng tại Tân Biên, năm 2018, địa phương này thành lập 2 trường mầm non theo đề án hỗ trợ cho trẻ em ở vùng nông thôn của Uỷ ban nhân dân tỉnh, gồm Trường mầm non Trà Hiệp, xã Trà Vong và Trường mầm non Hướng Dương, xã Tân Phong.

Đối với Tân Châu, việc sáp nhập sẽ tiến hành ở Trường tiểu học Tân Hội C vào Trường tiểu học Tân Hội B; Trường tiểu học Tân Hoà B vào Trường tiểu học Bưng Bàng; Trường mầm non Tân Hưng vào Trường mẫu giáo Tân Hưng; Trường mầm non Hiệp Đức vào Trường mầm non Tân Hiệp; Trường tiểu học Tân Hoà C vào Trường tiểu học Tân Hoà A; Trường mầm non Trảng Trai vào Trường mầm non Tân Hoà.

Các trường nêu trên sẽ thực hiện việc sáp nhập trong năm 2019. Riêng Trường tiểu học Thạnh Đông B sáp nhập vào Trường tiểu học Thạnh Đông A thực hiện trong năm 2021.

Còn ở Bến Cầu, sáp nhập Trường tiểu học Long Phước và Trường THCS Long Phước thành Trường tiểu học, THCS Long Phước; Trường tiểu học Long Giang A sáp nhập vào Trường tiểu học Long Giang B thành Trường tiểu học Long Giang; Trường tiểu học Lợi Thuận A vào Trường tiểu học Lợi Thuận B thành Trường tiểu học Lợi Thuận; Trường tiểu học An Thạnh A vào Trường tiểu học An Thạnh B thành Trường tiểu học An Thạnh. Việc sáp nhập được thực hiện trong năm 2018 và hoàn thành năm 2019.

Châu Thành: sáp nhập Trường tiểu học Bố Lớn vào Trường tiểu học Hoà Hội; hai trường tiểu học Biên Giới A và tiểu học Biên Giới B thành Trường tiểu học Biên Giới;  Trường tiểu học Phạm Văn Nô và Trường tiểu học Hoà Thạnh thành Trường tiểu học Phạm Văn Nô; Trường tiểu học Bến Trường và Trường tiểu học Bình Lợi thành Trường tiểu học Hảo Đước A; Trường tiểu học Thanh An và Trường tiểu học Đỗ Tấn Nhiên thành Trường tiểu học Đỗ Tấn Nhiên; Trường tiểu học Gò Nổi và Trường tiểu học Trà Sim thành Trường tiểu học Ninh Điền; Trường tiểu học Phước Hoà và Trường tiểu học Phước Vinh thành Trường tiểu học Phước Vinh A; Trường tiểu học Phước Lộc và Trường tiểu học Phước Thạnh thành Trường tiểu học Phước Vinh B; Trường tiểu học Hoàng Lê Kha và Trường tiểu học Suối Dộp thành Trường tiểu học Hoàng Lê Kha. Những trường nêu trên sẽ thực hiện sáp nhập trong năm 2020. Các trường còn lại: Trường tiểu học  Ngô Thất Sơn và Trường tiểu học Thành Bắc thành Trường tiểu học Ngô Thất Sơn; Trường tiểu học Bàu Sen và Trường tiểu học Cầu Trường thành Trường tiểu học Hảo Đước B; Trường tiểu học Sa Nghe và Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi thành Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; Trường tiểu học Đồng Khởi và Trường tiểu học Bùi Xuân Quyên thành Trường tiểu học Bùi Xuân Quyên, thực hiện trong năm 2021.

Huyện Dương Minh Châu cũng sẽ sáp nhập Trường tiểu học Thuận Tân vào Trường tiểu học Thuận An; Trường tiểu học Bến Củi vào Trường trung học cơ sở Bến Củi (thực hiện trong năm 2019); Trường tiểu học Xã Phan vào Trường trung học cơ sở Xã Phan (thực hiện trong năm 2020).

Huyện Hoà Thành sáp nhập Trường tiểu học Long Thành Nam vào Trường tiểu học Lê Lai (thực hiện trong năm 2019); Trường tiểu học Long Hoa vào Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu; Trường tiểu học Trường Tây D vào Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (thực hiện trong năm 2020); Trường mẫu giáo 30.4 vào Trường mầm non Thị trấn; Trường tiểu học Hiệp Tân vào Trường THCS Trưng Vương (thực hiện trong năm 2021).

TP. Tây Ninh sáp nhập Trường tiểu học Lê Anh Xuân vào Trường tiểu học Nguyễn Khuyến; Trường mầm non Hoa Anh Đào vào Trường mầm non Hoa Sen; Trường tiểu học Hùng Vương vào Trường tiểu học - trung học cơ sở Nguyễn Hiền; Trường tiểu học Vừ A Dính vào Trường tiểu học Lê Văn Tám. Số trường này thực hiện sáp nhập trong năm 2020. Trường tiểu học Lương Thế Vinh vào Trường tiểu học Tôn Thất Tùng; Trường mẫu giáo Hoàng Yến vào Trường mẫu giáo Vành Khuyên (thực hiện trong năm 2021).

Theo đánh giá của UBND tỉnh: “Một số trường, điểm trường chưa được sắp xếp kịp thời gây lãng phí về kinh phí và nguồn nhân lực. Việc sáp nhập trường học hiện nay chỉ mới thực hiện về mặt cơ học, giảm đầu mối, các trường vẫn hoạt động trên cơ sở điểm trường do cơ sở vật chất vẫn chưa đảm bảo cho công tác sáp nhập về một trường”.

Với những thông tin, con số vừa nêu ở trên, chỉ trong khoảng hai năm nữa, số lượng trường học trong toàn tỉnh sẽ giảm ít hàng chục trường. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chủ trương, chính sách, đặc điểm dân cư, địa lý cho đến phong tục tập quán, số lượng trường học, đặc biệt là trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, trong một thời gian dài đã được xây dựng với mật độ hơi dày.

Ở khu vực nông thôn, gần như mỗi ấp đều có một trường tiểu học, mỗi xã thường có 3-4 ấp, thậm chí nhiều hơn số đó. Số lượng trường tiểu học quá nhiều, khoảng cách giữa các trường do đó không xa, điều này dẫn đến lãng phí trong đầu tư.

Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng xã nông thôn mới, theo quy định, tại xã nông thôn mới, trường học phải đạt chuẩn quốc gia. Những bất cập đã bộc lộ ngay sau đó. Rất may, ở Tây Ninh, ngành Giáo dục cũng như chính quyền đã sớm nhận ra điều này nên kịp thời điều chỉnh, hạn chế lãng phí.

Một vấn đề nữa, hiện nay, do chính sách dân số cộng với một số nguyên nhân khác, học sinh tiểu học đã và đang giảm rất mạnh, có trường chỉ mấy chục em. Vì thế, sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại mạng lưới, quy mô trường học là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, để không tạo ra “tác dụng phụ”, chủ trương, kế hoạch sáp nhập trường cần được tính toán thận trọng, khoa học và điều đặc biệt quan trọng là không nên chạy theo chỉ tiêu.

Sau khi kế hoạch sắp xếp lại trường lớp được công bố, đã có ý kiến cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng chuyện sáp nhập một số trường, ví dụ sáp nhập giữa trường tiểu học với trung học cơ sở (mặc dù trước đây mô hình này đã từng tồn tại).

Hoặc chuyện sáp nhập một số trường THPT, ví dụ sáp nhập Trường THPT Châu Thành vào Trường THPT Hoàng Văn Thụ cũng nên được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Một số vấn đề liên quan như tinh giản biên chế, bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý, đưa toàn bộ học sinh của từng cặp trường được sáp nhập về học tại một trường… không phải không có những câu chuyện nảy sinh. Do vậy, để việc sắp xếp có hiệu quả, sau sáp nhập đơn vị hoạt động ổn định, cần nhiều thời gian.

 Đồng Viết Thắng

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục