Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đừng để ‘tháng Giêng’ làm... ‘nghiêng bồ thóc’!
Thứ tư: 08:34 ngày 13/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trong kho tàng văn học dân gian, ông bà ta có câu tục ngữ: “Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc” với hàm ý đây là quãng thời gian “tiêu tốn” nhiều vật lực, sức lực của con người và qua đó cũng nhắn nhủ ta dừng để “tháng Giêng” làm… nghiêng bồ thóc.

Trong câu tục ngữ này, “tháng Giêng” hàm chỉ là “tháng đầu tiên của năm âm lịch” theo cách tính thời g gian cổ truyền của dân gian ta (Một, Chạp, Giêng, Hai - tháng 11, 12 của năm cũ, tháng đầu tiên và tháng thứ 2 của năm mới). Tháng Giêng cũng là khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với người Việt, vì những lễ tết lớn nhất của dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu... đều diễn ra trong tháng này. Mọi người, dù đang làm ăn sinh sống ở đâu, trên mọi miền đất nước hay ở nơi xa xứ, đều cố gắng tìm cách trở về hay hướng về với cội nguồn tổ tiên trong những ngày thiêng liêng này.

“Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc” có nghĩa là vào thời gian quãng tháng Giêng hằng năm, người ta có cảm giác là ăn uống tiêu pha tốn kém nhiều, nhất là lương thực. Bồ thóc ở đây là biểu trưng cho kho lương thực dự trữ quan trọng trong mỗi nếp nhà nông dân ở nông thôn Việt Nam xưa (bồ thóc, cót thóc, chum thóc... cũng là một. Thóc đầy bồ, lúa đầy kho tượng trưng cho sự no đủ. Còn khi nói ăn đến “nghiêng bồ thóc” tức là đã ăn đến mức cạn, đã gần hết rồi đấy. Mà thóc gạo thì đâu phải tự nhiên sinh ra và đâu có dễ kiếm?

Thế nhưng, chả lẽ dân gian ta chỉ ăn uống tiêu tốn vào tháng Giêng thôi sao? Quanh năm, lúc nào mà con người chả cần ăn mặc, sinh hoạt để duy trì cuộc sống, chứ kể gì tháng Giêng? Nói như vậy không sai nhưng chưa hết nhẽ.

Tháng Giêng được coi là tháng của các ngày tết lớn nhưng cũng là một thời điểm mà dân ta - những người xưa kia đa phần sống bằng nghề nông - được phép nghỉ ngơi. Lúc này mùa màng, lúa má, rau màu... thu hoạch đã xong. Những chân ruộng cần cấy sớm cũng đã được cấy trước tết. Thời tiết lúc này cũng vào trà rét đậm, nếu tiếp tục triển khai công việc đồng áng cũng không thật thuận lợi. Vì vậy, cùng với việc sắm sanh lo liệu tết nhất, thăm viếng, hỏi han và chúc tụng nhau, người ta cũng tổ chức các lễ hội cho vui vẻ, cho bõ những tháng ngày làm lụng vất vả suốt năm. 

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà! Thôi thì có đủ các lễ hội, nhiều màu sắc, tùy theo phong tục, văn hoá, tín ngưỡng của mỗi vùng. Ta thấy các lễ hội từ ngàn xưa đến nay vẫn còn tấp nập: Hội chùa Hương, Hội Phủ Giầy, Hội chùa Thầy, Lễ Bà Chúa Kho, Hội Lim, Hội Gióng, hội đâm trâu, hội đua ghe ngo, hội vật... bắt đầu mở màn và sôi động từ ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến tận tháng Hai, tháng Ba âm lịch…

Đã đành là phong tục, tập quán lâu đời nhưng ai cũng thấy hội hè đình đám như vậy sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền của vì lẽ thường, nghỉ ngơi ăn chơi bao giờ cũng tốn kém hơn lúc làm lụng, lao động nói chung. Như vậy câu tục ngữ “Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc” là câu nói không chỉ nhằm miêu tả một sự tình. Đó không chỉ nhằm nói về sự vơi cạn lương thực quá mức bình thường mà qua đó, dân gian ta còn gửi gắm một hàm ý nhắc nhở mọi người về một trách nhiệm cần phải thực hiện. Bởi lẽ, bất luận việc gì, kể cả việc vui chơi cũng cần phải có ngưỡng, có độ. Đi quá đà sẽ làm mất cân bằng và ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật.

Ta cũng thấy nhiều gia đình căn cơ biết tính toán, bao giờ họ cũng thu xếp để ăn một cái tết vui vẻ nhưng vừa đủ, vừa hợp lí. Sau rằm tháng Giêng, cuộc sống đã trở lại ổn định và bắt đầu một nhịp sống mới. Đối với nhà nông là hội xuống đồng, đối với thợ thuyền, người buôn bán là ngày khai trương, ngày mở hàng... Mọi việc lại tuần tự, nhịp nhàng như cũ. Vì thế, câu ca dao “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè” rõ ràng là không phù hợp với logic tích cực của cuộc sống lao động hôm nay.

Nhịp độ khẩn trương, biết tranh thủ và tiết kiệm thời gian trong thời đại mới càng không cho phép chúng ta dềnh dàng, lãng phí thời giờ, tiền của vào các cuộc chơi kéo dài. Nếu cứ thế, tháng Giêng không chỉ còn “ăn nghiêng bồ thóc” nữa, mà không khéo còn “ăn nghiêng” cả cơ nghiệp, hoài bão của chúng ta nữa đấy.

Câu tục ngữ của cha ông nhắc khéo chúng ta về một thái độ, một trách nhiệm rất đáng suy ngẫm trong năm  Kỷ Hợi 2019 đầy sôi động và ý nghĩa trên đất nước ta!

Nguồn Chinhphu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục