Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giải quyết lấn chiếm vỉa hè:
Được không?
Chủ nhật: 23:29 ngày 05/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhiều hộ dân phản ánh, tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường tại khu vực cửa Hoà Viện và cửa số 2 Toà thánh Tây Ninh ngày càng diễn biến phức tạp. Điều đáng nói, đây cũng là thực trạng chung đang diễn ra nhiều nơi ở thành phố Tây Ninh.

Một kiểu lấn chiếm toàn bộ vỉa hè trên đường Cánh Mạng Tháng Tám.

Thi nhau chiếm vỉa hè

Dựa vào thế khu vực giáp ranh giữa nhiều địa phương như phường Hiệp Ninh, Ninh Thạnh (thành phố Tây Ninh), thị trấn Hoà Thành, tiến xa hơn theo đường Cách Mạng Tháng Tám nối dài là xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) và xã Long Thành Bắc (huyện Hoà Thành), những người buôn bán trên vỉa hè, lòng, lề đường cứ “hồn nhiên” hoạt động, không hề sợ bị “tóm”. Khu vực này, có thể xem như một trong những cửa ngõ tiến vào trung tâm Thành phố, ngay cạnh khu nội ô Toà thánh - điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua mỗi khi du khách đặt chân đến Tây Ninh. Thực trạng mua bán bất kể nơi đâu đã gây nên cảnh bát nháo trong mắt du khách, cản trở người đi đường, làm phiền những hộ dân sống gần đó.

“Mỗi lần cơ quan chức năng ập đến, họ nhanh chóng thu gom hàng hoá chạy tứ tán sang các địa bàn khác- nhất là chạy vào các con hẻm thuộc phường Hiệp Ninh và Ninh Thạnh, họ vừa chạy vừa chửi bới om sòm gây mất trật tự”, một hộ dân bức xúc kể lại. Nhân viên tên K của một công ty gần đó than phiền: “Người bán hàng rong cứ lấn chiếm ngay trước “mặt tiền” của công ty, lấn luôn cả lối vào cổng. Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng họ tỏ ra thách thức, lại còn cự cãi. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, rất mong cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm”.

Khi anh K đem vấn đề trên đăng tải lên Facebook cá nhân, có rất nhiều người ủng hộ anh. Tuy nhiên, cũng có người đổ lỗi cho hoàn cảnh… “vì chén cơm manh áo”. Trong khi nhiều comment khác lại thích ý kiến của một nickname phản bác lại lập luận này: “Không buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè cũng có thể làm việc khác. Làm như thế mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Tôi cũng vì chén cơm manh áo mà có buôn bán lấn chiếm vỉa hè đâu!”. Sẵn trớn ủng hộ tinh thần “văn minh đô thị”, một bạn trên Facebook còn chỉ điểm thêm nhiều nơi khác trong Thành phố cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Mở rộng khảo sát, chúng tôi nhận thấy phản ánh của người dân là có cơ sở. Cụ thể, như công viên 30.4, trước cổng Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, khu vực chợ Thành phố (đường Võ Văn Truyện), công viên Thắng Lợi, công viên Xuân Hồng (khu phố 5- phường 3), bờ kè rạch Tây Ninh (đoạn gần đường Nguyễn Đình Chiểu), một điểm ngay bên đường 30.4 (đối diện với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh)… Riêng công viên 30.4 còn có tình trạng nhiều xe ô tô đậu chắn cả vỉa hè bao quanh công viên. Trên thực tế, không chỉ có hàng rong mới gây cản trở người tham gia giao thông, mà còn không ít gian hàng buôn bán cố định cũng “bít lối” dành cho người đi bộ trên vỉa hè.

Có thể dễ dàng nhận thấy, rất nhiều tiệm tạp hoá, buôn bán đồ gỗ, cà phê, quán cơm, sạp vải, tiệm sửa xe… trên hầu hết các tuyến đường trong Thành phố đều vi phạm lấn chiếm vỉa hè. Điển hình, ngay đường Tua Hai (phường 1), mặc dù có để bảng tuyên truyền rất to: “Văn hoá giao thông là nhường đường cho người đi bộ”, thế nhưng lối đi trên vỉa hè đã “nhường” gần hết cho các gian hàng buôn bán. Một số tuyến đường khác ở Thành phố như Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thái Học, Lạc Long Quân, Lý Thường Kiệt… nhiều đoạn cũng gặp phải tình trạng tương tự. Không phải không tiến hành hướng dẫn, nhắc nhở, xử lý, nhưng cơ quan chức năng dường như còn gặp nhiều lúng túng.

Lúng túng trong xử lý?

Ông Lê Hoàng Linh, Chủ tịch phường Hiệp Ninh nhận xét về tình hình buôn bán hàng rong: “Khi phát hiện cơ quan chức năng đến, họ xách đồ lên tay và đi bộ vào các con hẻm, với kiểu đối phó này chúng tôi thật khó có cơ sở để xử lý”. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Hoà Thành cũng bày tỏ: “Trụ sở Thị trấn hiện cũng không còn chỗ để tang vật xử phạt. Đối với các kiểu vi phạm này, áp dụng theo Nghị định 46 thì mức phạt chỉ từ 150 đến 200 ngàn đồng, nên rất dễ xảy ra tình trạng tái phạm. Mặt khác, bảo vệ khu phố là lực lượng được sử dụng thường xuyên để thực thi nhiệm vụ, nhưng kinh phí để hỗ trợ cho anh em còn quá thấp”.

Trước đây, ngày 29.12.2015, UBND thành phố Tây Ninh đã có Phương án số 103 về việc quản lý và xử lý tình trạng kinh doanh, mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, công viên trên địa bàn Thành phố. Theo đó, các đơn vị của Thành phố như Công an, Phòng Quản lý đô thị, Đội 3 Thanh tra Giao thông - Vận tải, Đội Quản lý trật tự đô thị, UBND các phường, xã phải phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra trong phương án. Xây dựng kế hoạch và triển khai có trọng tâm, trọng điểm, duy trì thường xuyên chống tái lấn chiếm. Đây cũng là cơ sở để đánh giá “đơn vị văn hoá”, phải đưa kết quả việc thực hiện phương án để xét thi đua hằng năm của các đơn vị.

Mặc dù trong thời gian qua, các đơn vị đã phối hợp khá tốt, thường xuyên chấn chỉnh các vấn đề được đặt ra trong phương án. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tình trạng kinh doanh lấn chiếm lòng, lề đường, công viên vẫn còn. Mới đây, ngày 23.2, Ban An toàn giao thông (BATGT) thành phố Tây Ninh đã có Công văn số 01 gửi cho BATGT huyện Hoà Thành về việc phối hợp xử lý tình trạng mua bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè hai bên đường Cánh Mạng Tháng Tám, đoạn từ cửa số 2 đến cửa Hoà Viện. Ngày 27.2, BATGT thành phố Tây Ninh đã lập Kế hoạch số 04 về việc phối hợp xử lý các hành vi vi phạm về trật tự đô thị, văn minh đô thị trên Thành phố tháng 3.2017.

Điểm bán hàng rong ngay tại cửa số 2 Toà thánh Tây Ninh.

Theo Kế hoạch số 04, tất cả 30 ngày trong tháng 3.2017, tuần tra xử lý nghiêm trên các tuyến đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Điện Biên Phủ, Nguyễn Trọng Cát, Pasteur, Nguyễn Thái Học, Võ Thị Sáu, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Võ Văn Truyện, Nguyễn Chí Thanh, Bời Lời. Xử lý kiên quyết và giải toả lòng đường, vỉa hè, duy trì xử lý việc buôn bán lấn chiếm các khu vực công cộng như công viên, tượng đài, bệnh viện… Phối hợp cùng BATGT huyện Hoà Thành xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường phía ngoài nội ô Toà thánh (từ cửa số 2 đến cửa Hoà Viện).

Ông Lê Văn Linh, Trưởng Phòng Quản lý đô thị Thành phố nhận xét: “Công tác phối hợp xử lý được thực hiện khá tốt, có lập biên bản bàn giao lại cho chủ tịch UBND các phường, xã tiếp tục quản lý chống tái chiếm. Thế nhưng, sau đó tình trạng lấn chiếm vẫn tiếp tục, chính quyền địa phương cần phải kiên quyết hơn nữa mới có thể đạt kết quả tốt hơn”. Nói về khó khăn trong khi làm nhiệm vụ, anh Lương Anh Dũng, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị thành phố Tây Ninh giãi bày: “Đội này không có chức năng về mặt quản lý Nhà nước nên không thể tiến hành xử phạt khi phát hiện vi phạm, hơn nữa, phương tiện và kinh phí hỗ trợ cho Đội đi làm việc còn rất hạn chế”.

Nhìn nhận những khó khăn trên, ông Nguyễn Hoàng Nam, Chủ tịch UBND thành phố Tây Ninh cho biết: “UBND Thành phố cũng đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh cho phép Đội Quản lý trật tự đô thị được nâng cấp lên thành đơn vị trực thuộc của UBND Thành phố, tuy nhiên tỉnh chưa có ý kiến về vấn đề này. Riêng việc giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường, trước đó chúng tôi cũng đã trình Đề án “Quản lý vỉa hè” theo nguyên tắc “lấy dân quản dân”. Theo đề án này, sẽ tiến hành lấy ý kiến người dân, sau đó quy hoạch có trọng điểm việc cho thuê sử dụng vỉa hè ngoài mục đích công cộng để người thuê tự quản lý mặt bằng của mình. Khoảng cùng thời điểm đó, Chính phủ lại có chỉ đạo dừng việc thu phí theo đề án đã đề ra. Từ đầu năm 2017, Luật Phí và lệ phí đã cho phép thực hiện, nên chúng tôi đang trình đề án lên cấp trên để khởi động lại”.

Hy vọng, với những nỗ lực của ngành chức năng, tình trạng buôn bán hàng rong, hàng cố định lấn chiếm vỉa hè và lòng, lề đường sẽ được giải quyết theo hướng căn cơ, lâu dài, để thoả lòng mong đợi của người dân.

Quốc Sơn

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục