Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một người dân nhà gần cây bã đậu cho biết, năm nay ông 50 tuổi, còn cây bã đậu có thể lớn tuổi hơn ông vì từ lúc nhỏ, ông đã thấy cây cao to lắm rồi.
Cây bã đậu bên lề quốc lộ 22B.
Nhìn từ xa, cây bã đậu cổ thụ hiếm hoi, đứng bên lề quốc lộ 22B, thuộc địa bàn huyện Gò Dầu, như một chiếc dù khổng lồ toả bóng che mát, như muốn giữ chân người đi đường. Một người dân nhà gần cây bã đậu cho biết, năm nay ông 50 tuổi, còn cây bã đậu có thể lớn tuổi hơn ông vì từ lúc nhỏ, ông đã thấy cây cao to lắm rồi. Nhìn cây bã đậu che mát cho người qua lại, tôi chạnh nhớ những cây bã đậu trong sân trường tiểu học ở quê tôi ngày xưa.
Hồi đó, trong khuôn viên trường tiểu học làng tôi có đến bốn cây bã đậu. Gồm hai cây ở sân trước, một cây sân sau và một cây bên hông trường. Tôi cũng không biết những cây bã đậu đó có tự bao giờ. Ngày đầu tiên cắp sách đến trường, tôi đã thấy các cây này cao lớn, mỗi to cỡ hai, ba đứa nhỏ như tôi vòng tay lại ôm chưa hết.
Nói vậy thôi, chớ có ai dám ôm thử thân cây đâu vì từ gốc tới ngọn cho đến cành nhánh đều tua tủa gai nhọn. Ngay từ ngày đầu đặt chân đến trường, chúng tôi được thầy hiệu trưởng cũng như các thầy cô dạy lớp cảnh báo là tránh va chạm vào thân cây, đặc biệt là chớ dại lượm hạt bã đậu mà ăn, hay cắn thử vì nó rất độc.
Không rõ vì sao cây đầy gai và hạt ăn vào nguy hiểm đến tính mạng mà trước đây lại được trồng trong sân trường. Có lẽ vì cây dễ trồng, mau lớn, tàn rộng, trẻ em cũng không dám leo trèo…
Suốt những năm tiểu học, tôi cùng các bạn từng được tàn lá bã đậu che mát để bày đủ thứ trò chơi dân gian yêu thích. Hồi đó, toàn xã chỉ có một trường tiểu học, với khoảng mười lớp. Học sinh còn ít, khuôn viên trường rộng, bóng mát nhiều, nên giờ ra chơi không có “bạn nhỏ” nào bị bỏ sót lại trong lớp.
Tất cả ùa ra sân trước, sân sau và bên hông trường để chơi trò chơi. Phần lớn con gái thích chơi nhảy dây, bắn thun khoanh, đánh đũa, nhảy lò cò... (mấy trò chơi cũng có khi có con trai tham gia). Bọn con trai thì bắn bi (bắn cu ly), đá cầu (trò chơi này có lúc con gái cũng tham gia), đá banh mủ, chọi hột điều (mùa điều chín)...
Tôi thì thích bắn cu ly, chọi hột điều, và nhất là đá cầu. Suốt bậc tiểu học, tôi luôn được thầy cô xếp ngồi đầu bàn nhất và luôn đứng trước mọi người khi xếp hàng vào lớp vì tôi giữ kỷ lục “vịt đẹt” của lớp. Thể hình là như vậy, nhưng học lực thì suốt bậc tiểu học tôi được xếp hạng tư, hạng năm trong lớp. Còn về thể dục, thể thao tôi thật sự dẫn đầu lớp về môn đá cầu. Hồi đó, tôi thủ sẵn một trái cầu trong cặp. Trái cầu này không phải mua ngoài quán, mà do anh tôi làm cho, đá rất “đằm”...
Lớp học hồi đó có một anh lớn hơn tôi một tuổi, cao hơn tôi một cái đầu. Về học lực, anh được xếp nhất lớp. Nhưng anh có một cái chân bị yếu, đá cầu cũng hơi khó. Khi tiếng trống ra chơi cất lên là tôi với anh và cả chục bạn trai khác trong lớp chạy ra xí chỗ dưới gốc bã đậu bên hông trường, chỗ này đất bằng phẳng, lại mát nhất trường, để chia phe đá cầu ăn “chăn”.
Cách đá cầu ăn chăn là chia hai nhóm. Một bên chăn dùng tay thảy cầu cho bên kia đá. Để xác định bên nào chăn (bên thua), bên nào đá (bên thắng) thì trước đó phải thi thắt cầu (đá cầu lên xuống tại chỗ) bằng chân. Bao giờ cũng vậy, cái thằng đá cầu giỏi nhất lớp là tôi lại cáp cặp với anh học giỏi nhất lớp, nhưng yếu một cái chân.
Phe còn lại là năm, sáu, có khi bảy, tám bạn trai khác, mà anh nào tôi cũng chỉ đứng tới vai, hoặc tới lỗ tai... Phía tôi để cho đội bạn (đông hơn) thắt trước. Phe bạn thường mỗi người thắt được vài cái, hoặc nhiều nhất năm bảy cái, cộng dồn lại cũng được vài chục cái. Phe tôi thắt sau. Và lúc nào cũng vậy tôi nhường anh bạn học giỏi nhất thắt trước. Do chân bị yếu, nên anh thường chỉ thắt được hai, hoặc tối đa ba cái.
Đến lượt tôi thắt tiếp theo anh. Nhỏ con, nhưng trời cho tôi đá cầu rất giỏi. Tôi điều khiển trái cầu theo ý của mình cho đến khi nào mỏi chân thì thôi. Là người thắt cầu sau cùng, nên thường tôi chỉ thắt vượt qua đội bạn một, hai cái là ngưng. Vừa đủ để đội bạn phải chăn cho đội tôi đá. Mải vui chơi đến lúc nghe tiếng trống báo hết giờ ra chơi, chúng tôi mới vội vã vào lớp.
Rồi dân số xã nhà ngày càng đông đúc, trẻ em gia tăng. Các ấp trong xã đều có trường tiểu học. Khuôn viên trường tiểu học ngày xưa của tôi nay là ngôi trường trung học cơ sở rất khang trang. Tất nhiên là những cây bã đậu ngày xưa không còn nữa…
T.L