Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dưới bóng cây mùa hè
Thứ bảy: 08:06 ngày 27/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ô hay! Na có biết bày đặt bày điều gì đâu. Na chỉ muốn ăn thử cây kem dâu rất hấp dẫn mà tụi con nít trong xóm đều được ăn. Hoá ra ăn kem, với ba nó là một chuyện “bày đặt” rất khó chấp nhận?

Một.

Khi Na bắt đầu bập bẹ những tiếng nói đầu tiên, nó đã gọi bà - bà nội. Bà nội, trong trí nhớ non nớt của Na là một người đàn bà luôn ấm sực và có một thứ mùi thật khó quên. Đó là một sự hoà trộn của mùi mồ hôi, mùi nước tiểu, mùi bếp núc, bánh trái, đến mùi dầu gió, mùi nhang đèn...

Bà có giọng nói khan khan dường như chỉ toàn ra lệnh: “Na, dẹp đồ chơi! Na, ăn cơm! Na, uống nước! Na, đi tắm! Na, nội cho cái này nè…!”. Nói vậy, bởi vì cái sự ấm áp chở che, lo lắng chăm chút của người đàn bà đó chỉ đủ để cho Na nhận thức, nó có một người đàn bà gọi là bà nội.

Nhưng bà không ở cùng Na lâu. Lần đó, sau vài cơn sốt, ho, bà than đau mình mẩy quá, khó thở quá, bà được đưa đi bệnh viện và sau đó Na không còn gặp lại bà nữa. Trên cái bàn thờ thấp lè tè giữa nhà mà bà hay thắp hương mỗi chiều, ông nội đặt thêm lên đó một khuôn hình một cô gái đội nón che ngang mặt, Na không thấy giống bà chút nào nhưng ông nói đó là hình bà nội.

Ông thắp hương cho bà. Những vòng hương tròn xoay xoay rớt xuống từng nhúm tro nhỏ xíu, có mùi khói nồng nồng khiến cho nó có cảm giác sờ sợ. Nó nhớ bà nội. Nó khóc suốt khiến ông Nội phải rước bà cố, mẹ đẻ ra bà nội nó, lên coi chừng cháu giúp để ông còn đi làm.

Bà cố dễ gần hơn bà nội. Bà chẳng mấy khi la rầy nó. Mỗi khi Na bày đồ chơi ra chơi rồi bỏ lăn lóc, bà sẽ ra tay dọn dẹp. Na có đi chơi mất bóng với đám trẻ trong xóm, bà cũng lẳng lặng đi tìm. Hình như, bà cố cũng bị bỏ bê một mình, như nó.

Bởi vậy, nó thấy thương bà vô cùng. Nếu không phải lúc bận đi chơi thì nó sẽ ngồi bày đồ chơi ra bắt bà ngồi chơi cùng, rồi nghe bà kể chuyện nọ chuyện kia - những chuyện mà nó nghe cũng không hiểu gì hết.

Người Na gọi là ba, lâu lâu mới có mặt ở nhà vài tiếng đồng hồ, lâu lắm thì được một vài hôm. Mỗi lần gặp, Na đều được ba cho ít kẹo bánh. Nhưng liền sau đó, ba ghẹo Na như ghẹo con cún nhà hàng xóm: “Ê, Na, nhìn ba nè! Ê, Na, làm gì đó? Ê, Na làm cái này… cái kia cho ba coi!”.

Ngoài những câu giao tiếp kiểu vậy thì không có gì để trò chuyện với nhau nữa. Một lần, Na đòi ba mua cho mình một cây kem dâu, và Na đã nhìn thấy một gương mặt đáng sợ. Ba gầm lên: “Kem, kem… cái con mẹ mày! Tao cho gì ăn nấy. Tao mua gì mặc nấy. Không đòi hỏi xin xỏ nghe chưa? Đừng có bày đặt bày điều…”.

Ô hay! Na có biết bày đặt bày điều gì đâu. Na chỉ muốn ăn thử cây kem dâu rất hấp dẫn mà tụi con nít trong xóm đều được ăn. Hoá ra ăn kem, với ba nó là một chuyện “bày đặt” rất khó chấp nhận?

“Con mẹ mày” là ai? Na chưa từng gặp. Nghe nói, sau khi Na chào đời được vài tháng, người ấy cũng sớm rời khỏi căn nhà có mấy thế hệ cùng chung sống đó để qua bên kia biên giới tìm cơ hội đổi đời. Mẹ đổi đời được không, đổi đời lấy cái gì, Na đâu biết, chỉ biết từ sau cái lần chửi mắng đó, cứ mỗi khi cha con đụng mặt nhau, thế nào ba cũng dùng ba tiếng “con mẹ mày!” để chửi Na. Bởi vậy, mỗi lần ba về Na cũng chẳng tha thiết gì gặp mặt. Có gì vui đâu mà gặp!

Như một con gà con sớm tách mẹ, Na cứ thế mà lủi thủi lớn lên. Ở nhà không có gì vui. Ra đường chơi cũng không có gì vui. Tụi con nít trong xóm còn bận đi học, không có rảnh để chơi với nó. Ngày nào Na cũng thấy mấy đứa bạn mình xách cặp đi xách cặp về ở ngôi trường ngay trước cửa nhà mình.

Ngày nào Na cũng chui rào vô chơi ké xích đu cầu tuột ở chỗ gọi là trường mầm non kế bên nhà mình. Nhưng cái cảm giác khoác lên người bộ đồ sạch sẽ thơm tho, được níu tay người lớn đàng hoàng ra vô nơi đó, thì Na vẫn chưa hề được trải nghiệm. Chắc chắn, nó đã lắm. Bởi vì đứa nào đi học, thấy mặt mũi cũng vui vẻ, sáng trưng. Na hỏi ông nội: chừng nào con được đi học? Nội nói, chừng nào con sáu tuổi, đủ tuổi đi học rồi nội cho đi.

Hai.

Phương nhận được cú điện thoại từ em gái mình: “Chị ơi, gần chỗ nhà mình, có một con bé đến tuổi đi học, vẫn chưa có khai sinh. Gia đình người ta nhờ giúp đỡ đó, chị coi giúp được chi thì giúp nha chị!”. Cô cười con em bao đồng… y như chị. Nó đang nằm ổ, nếu không, thế nào cũng lôi xềnh xệch con nhà người ta mà đặt vô tay chị mình.

Phương đã tìm hiểu qua mấy thầy cô giáo làm công tác phổ cập khu vực đó, nhưng mấy bạn nói không có danh sách trẻ em nào trong độ tuổi đi học phải vận động ra lớp hết. Nhưng cô em gái dai như đỉa của Phương quyết không rời mục tiêu. Lúc thì nhắn tin, lúc gọi điện hỏi han rồi thúc hối.

Nó nói chắc như bắp luộc, rằng phải có chuyện người ta mới nhờ mình. Chưa kịp làm gì thì cô em gái đã quăng qua Zalo cho cô một tấm hình. Một bé gái xinh xắn, bụ bẫm có gương mặt rất tây. Những lôi thôi nhếch nhác không thể che mờ được nét sáng láng của bé.

Tin nhắn đi kèm: “Chị thu xếp giúp giùm, lát nữa sẽ có người dẫn cô bé này tới gặp chị. Em có cho họ số điện thoại của chị”. Này đúng là giao việc tới tay luôn chứ còn gì nữa. Ai biểu mình mê ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng làm chi! Phương bật cười. Cô vừa ngẩng đầu lên đã thấy có ai đó lấp ló ngoài cánh cổng.

Ba.

Người đàn ông, tóc hoa râm, tiêu ít hơn muối mấy phần, gương mặt phong trần, khắc khổ. Ông ngồi không yên trên ghế, hay tay xoắn vặn vẹo cơ hồ muốn dứt đứt hết gân cốt. Phải khó khăn lắm ông mới mở miệng nói được hai tiếng “thưa cô …” rồi nước mắt cứ vậy mà tuôn trong tiếng khóc bị kìm nén.

Cuộc đời ăn ở không công bằng với tôi chút nào. Cha mẹ tôi sanh ra hai anh em tôi. Con em lấy chồng xa xứ rồi chết trẻ nơi đất khách. Gia đình khó khăn quá nên từ nhỏ tôi đã bỏ ngang việc học, đi làm cho lò gạch kiếm cơm.

Dành dụm riết cũng mua được miếng đất nhỏ nhỏ ven sông, cất cái nhà lá, thoát kiếp ở đậu rày đây mai đó. Rồi tôi cưới vợ. Một cô vợ hiền lành, giỏi nội trợ, sống bằng nghề làm bánh nấu chè. Vợ chồng tôi hiếm hoi chỉ có một mụn con trai, đặt tên Hậu.

Bị hiếm hoi nên bả cưng nó lắm. Không biết có phải vì quá cưng chiều nên nó muốn gì được nấy, chỉ đi học tới lớp bảy lớp tám rồi nghỉ, đi theo mấy đứa làm cây kiểng nay đây mai đó. Rồi một bữa nó dẫn về một đứa con gái, nói là… vợ.

Con nhỏ sáng sủa, bán cà phê ở tận trên xã biên giới, chỗ thằng con tôi hay lên đó làm. Con nhỏ nói cha mẹ nó bỏ nhau, nó sống với bà nội. Bà nội cũng nghèo túng quá nên học hết lớp tám là nó bỏ học, đi bán cà phê cho một quán khá lớn trên huyện.

Bà chủ lo ăn ở, trả lương vài triệu tháng đủ để mua mấy chiếc vàng non tuổi đeo chơi. Rồi, bèo nước gặp nhau, tụi nó dẫn về nhà, chỉ thông báo là đã “thành thân” chứ không nói chuyện cưới hỏi gì cả.

Vợ tôi vốn hiền lành, thấy con nhỏ tội nghiệp, mới nói thôi ở nhà với bả, rồi bả dạy cho làm bánh nấu chè, theo nghề của mẹ, coi vậy chứ cũng sống được. Nó cũng nghe lời. Lây lất được hơn một năm, cho tới ngày cháu nội tôi ra đời.

Ngày kia, nó nói với vợ tôi, giờ con đi kiếm chuyện khác làm ăn chứ sống vầy con không sống nổi. Thằng chồng thì đi suốt không thấy ở nhà mà làm không thấy tiền, con gái ba tháng tuổi rồi mà ba nó chỉ ẵm con được vài lần, không thấy mua cho nhỏ miếng vàng xỏ lỗ tai! Nó nói vậy rồi bỏ con gái, đi luôn. Gia đình tôi không biết đâu mà kiếm. Mà kiếm được sao, khi người đi đã dốc lòng trốn chạy!

Con bé nó càng lớn càng ngộ gái, dễ thương, nhưng nó không giống mẹ, cũng không giống ba. Xóm giềng nói ra nói vô, coi chừng quạ nuôi tu hú. Tôi không để bụng làm gì. Cây có một trái, trái lại chỉ đậu một bông, thương còn không hết, huống hồ con nhỏ rất ngoan ngoãn dễ dạy. Cho tới bữa mấy cô kêu đưa giấy tờ để làm hồ sơ cho nó đi học, tôi mới ngã ngửa. Con mẹ nó đi không để lại giấy tờ gì xác thực đứa con của nó.

Thằng cha thì như ngỗng đực, hỏi gì cũng không biết. May có cô gì bên trường học, qua nói chuyện với bên Uỷ ban sao đó mà họ giúp giùm được cái giấy khai sanh. Con nhỏ được đi học, gia đình tôi cũng mừng.

Chuyện tôi muốn thưa với cô là, đứa nhỏ này… không phải cháu nội ruột của tôi. Thằng cha nó mới phát hiện ra gần đây. Không biết tâm sự sao với mấy thằng bạn chí cốt, tụi nó xúi con tôi đi thử máu thử mủ gì đó, nó nghe lời, kiếm tiền đi thử. Xong rồi bữa có kết quả, tôi mới biết… Rồi biết chuyện, nó bỏ nhà đi luôn, cắt hết liên lạc.

Đúng là sét nổ ngang đầu mà! Tôi già rồi, bịnh hoạn triền miên, nhà cửa lâu nay cũng đã bán rồi, giờ vừa lo thân, vừa lo cho bà già vợ cũng bịnh già đầy mình, không biết ngày nào bả chết. Tui tính đem nó cho người ta, rồi “xin” họ lại một ít tiền, để trả bớt nợ nần… Hay là cô thử bày cách giúp tôi, làm sao để tôi vừa trả được nợ mà tôi vừa không phải nuôi con nhỏ này…

Bốn

Sáng chủ nhật, Phương ngồi nhâm nhi tách cà phê thơm lựng dưới tàng thị đầy những trái chín vàng ươm. Mấy đứa trẻ bán vé số, có đứa đu theo mẹ, có đứa lớn hơn, đi bán một mình. Không phải lần đầu mới gặp, nhưng câu hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…” hiểu theo ngữ cảnh như thế này, làm lòng Phương chùng xuống. Bất giác, Phương nhớ đến Na. Năm đó, cô đã cố gắng thuyết phục để ông của con bé đừng vì những suy nghĩ nông cạn nhất thời mà làm chuyện không nên làm.

Nhưng, nói thì nói vậy, cô đâu có đủ quyền hạn để giúp ông cháu nhà họ một cách rốt ráo. Dẫu sao, cô cũng chỉ là một người - ưa - làm - công - việc - xã - hội mà thôi. Giúp được ai thì giúp theo hiểu biết của mình. Còn lại, tuỳ duyên…

Tiếng reo trong trẻo của một cô bé tóc bím ngang vai làm cắt ngang dòng suy nghĩ của Phương. Cô bé đang chạy từ ngoài cửa vào để kịp nhặt lên một quả thị vàng vừa tiếp đất. Phương chợt chú ý vì cô bé có gương mặt rất quen thuộc, không biết mình từng gặp ở đâu. Nhưng cũng vừa lúc đó, con bé ngẩng mặt lên và tiến đến gần bàn của Phương. Nó hồn nhiên gọi: “Cô Phương! Cô nhớ con không cô Phương? Con là Na nè!”.

  Na? Phương ngẩn người một giây: “Con đi đâu đây?”.

- Con đi chơi với ba mẹ của con.

- Ba mẹ?

- Đúng rồi! Ba mẹ con đi đằng sau kìa!

Theo tay chỉ của con bé, Phương nhận ra người nó gọi bằng mẹ là… cô giáo năm nào chăm nó từ lớp một.

Vị cà phê chợt ngọt ngào hơn mọi bữa. Phương nghĩ chút trưa về phải gọi điện thoại “tám” với cô giáo mới đã cái nư…

C.G

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục