Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Dưới tán rừng, có một “binh chủng lạ lùng”
Chủ nhật: 21:39 ngày 22/09/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ai cũng mong muốn tìm hiểu cuộc sống ở nơi đó, dưới những tán lá rừng! Và ai cũng cần biết, có những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn đã ra đời dưới những tán lá rừng.

Tại hội thảo khoa học “50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh sau ngày đất nước thống nhất - những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển” do Hội Văn học - Nghệ thuật Tây Ninh tổ chức hôm 12.9, nhà biên kịch Dương Cẩm Thuý (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh) có bài viết về “một binh chủng lạ lùng” trong chiến tranh.

Các phát thanh viên của Đài Phát thanh Giải phóng.

Bà Cẩm Thuý viết, thời kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam có một binh chủng lạ lùng nhất trong các binh chủng chiến đấu trên các chiến trường miền Nam, mà có lẽ cũng có thể nói là không có cuộc chiến tranh vệ quốc nào có, đó là Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Ban Tuyên huấn tập hợp những cơ quan văn hoá, thông tin, tuyên truyền, báo chí, văn học nghệ thuật... Căn cứ Ban Tuyên huấn đóng ở một khu rừng nhỏ có mật danh là R, phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới nước bạn Campuchia, nằm dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông với những địa danh như Xa Mát, Bến Ra, Lò Gò, Xóm Giữa…

Những cánh rừng xen những trảng lớn hàng trăm héc-ta như trảng Tà Nốt, trảng Tà Xia, trảng Cố Vấn, trảng Bàu Lùng Tung… Những cái tên chỉ có duy nhất ở vùng rừng thân thuộc này đã trở thành địa danh những chiến công lịch sử kháng chiến chống Mỹ. R là căn cứ các cơ quan đầu não chính trị, quân sự và thông tin tuyên truyền của cách mạng miền Nam. Cho dù có bị Mỹ đánh phá ác liệt, thậm chí mở cuộc càn Junction City dài ngày nhưng chiến khu R vẫn hiên ngang tồn tại cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn, năm 1975.

Được coi là một cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về công tác chính trị tư tưởng văn hoá thời chiến, Ban Tuyên huấn R hay Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng… làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1975 trực tiếp lãnh đạo hoặc trực tiếp kiêm trưởng ban.

Thời đó, cách mạng miền Nam chưa có hệ thống bộ máy chính quyền, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam có những cơ quan phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền, phục vụ mặt trận chính trị, văn hoá, văn học nghệ thuật, báo chí, biểu diễn; đào tạo ca múa nhạc, cải lương, điện ảnh, nhà văn, nhà báo... như Tiểu ban Văn nghệ, Đoàn văn công Giải phóng, Báo Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Xưởng phim Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng…

Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã mở trường đào tạo cán bộ chính trị, giáo viên, phóng viên, cán bộ thông tin, văn hoá nghệ thuật, đạo diễn điện ảnh, quay phim, diễn viên, ca múa nhạc, cải lương... cho các ngành, Ban Tuyên huấn Khu uỷ, Tỉnh uỷ. Ban đã đưa các đoàn cán bộ tuyên huấn R gồm nhà văn, nhà thơ, nhà báo, hoạ sĩ, quay phim, nhiếp ảnh, các đội văn công xung kích… về các chiến trường để sáng tác phục vụ nhân dân, chiến sĩ các xã ấp, vùng giải phóng, vùng tranh chấp, vùng ấp chiến lược, vùng đô thị Sài Gòn - Gia Định và các đô thị khác.

Vùng đất phương Nam xóm làng hình thành, tụ họp dọc theo sông rạch, dọc hai bên lộ đất, lộ đá. Căn cứ của Ban Tuyên huấn ở chiến khu R cũng thế, phải dựa vào sông suối xây dựng căn cứ. Chỉ có một điều khác: mọi cơ quan ở chiến khu R đều ẩn dưới tán lá rừng rậm, kín đáo. Tuy xa mà vẫn gần dân, sống dựa vào dân.

Đến những năm chiến tranh ác liệt, thời quân đội Mỹ đổ bộ vào chiến trường miền Nam, Căn cứ R vẫn bám trụ, dời tới dời lui trong rừng Tây Ninh, đôi khi để nghi trang, có cơ quan dời ra bìa rừng chồi, bên cạnh một trảng găng xơ xác, còi cọc. Cuộc sống và công tác phải dời hẳn xuống lòng đất.

Ảnh tư liệu về Đài Phát thanh Giải phóng đang được lưu giữ tại Đài Tiếng nói Nhân dân TP. Hồ Chí Minh.

Hội trường Ấp Bắc bên cạnh suối Cây có sức chứa hàng ngàn người, được lợp bằng lá trung quân thành từng tấm dài 2m. Nơi đây liên tiếp những năm 1963, 1964 đến 1965, 1967 và Tết Mậu Thân 1968… Ban Tuyên huấn R đã tổ chức nhiều cuộc mittinh lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP MNVN).

Đặc biệt, đây là nơi tổ chức các cuộc đón tiếp các nhà báo quốc tế: W. Burchette (Úc), nữ nhà báo Madelene Riffaut (Pháp), nữ nhà văn nhà báo Monica Waneska (Ba Lan), nhà báo Liên Xô Schedro, đoàn nhà báo và điện ảnh Trung quốc… vào thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (MNVN), thăm Đài Phát thanh Giải phóng, Xưởng phim Giải phóng, thăm các đơn vị quân giải phóng, Phó Tư lệnh Quân Giải phóng MNVN Nguyễn Thị Định và vùng giải phóng Củ Chi Gia Định.

Những rừng cây bạt ngàn, từ trên cao khó thấy hết sự sinh động bên dưới những tán cây. Ở nơi đó, dưới những tán lá rừng, là một cuộc sống sôi động mình vì mọi người, đoàn kết một lòng, làm việc, chiến đấu sáng tác phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Cuộc sống của những người ở R ngày ấy vất vả trăm bề. Một cuộc sống đơn giản nhưng đầy khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ mọi thứ về vật chất và tinh thần… Rồi đau ốm bệnh tật, rồi bom đạn trút xuống hằng ngày. Cuộc sống với tất cả những thử thách khắc nghiệt mà những người trẻ tuổi phải vượt qua. Và trưởng thành. Để lại cho đời kho tàng đồ sộ những tác phẩm văn học, nghệ thuật, văn hoá, thông tin…

Ngày 1.2.1962, vào lúc 19 giờ theo giờ Sài Gòn, một làn sóng phát thanh lịch sử đã vang lên: “Đây là Đài phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phát trên làn sóng từ vùng giải phóng miền Nam Việt Nam” nhanh chóng lan truyền cả nước và phát bằng 5 thứ tiếng: Việt, Khmer, Hoa, Anh, Pháp ngay từ buổi phát thanh đầu tiên.

Các tác phẩm văn thơ, hội hoạ, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, kịch, cải lương, múa, phim ảnh… gắn liền với những tên tuổi của Viễn Phương, Giang Nam, Lê Anh Xuân - Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Lưu Hữu Phước tức Huỳnh Minh Siêng; nhạc sĩ Hoàng Việt, Xuân Hồng, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn, Diệp Minh Tuyền… Không thể kể hết tên tuổi của những văn nghệ sĩ đã sống, chiến đấu, sáng tác ở chiến khu R- Tây Ninh.

Những văn nghệ sĩ giải phóng thời bấy giờ ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam hầu như không thiếu vắng một ai trong các chiến dịch quan trọng như Đồng Xoài, Mậu Thân 1968. Nhiều tác phẩm thơ văn, nhạc hoạ, hình ảnh, phim… đã ra đời lúc này và sống mãi với thời gian: Tiến về Sài Gòn của Huỳnh Minh Siêng, Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn của Phạm Minh Tuấn, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn của Lư Nhất Vũ; truyện “Cái áo thằng hình rơm” của Nguyễn Quang Sáng...

Điện ảnh Giải phóng, xưởng phim Giải Phóng - B10 là một huyền thoại của Ban Tuyên huấn R. Những thước phim chiến trường của Điện ảnh Giải phóng đã có mặt giữa lòng Sài Gòn, bên cạnh hội nghị Paris, giữa lòng thủ đô Tokyo, đến với Algeria ở châu Phi, đến hòn đảo Cuba tự do và dự Festival Thanh niên thế giới giữa lòng châu Âu… tạo thêm sức thuyết phục cho cuộc đấu tranh ngoại giao, đấu tranh chính trị. Những tên tuổi của điện ảnh Giải phóng ngày ấy, như đạo diễn, NSND Mai Lộc, Phạm Khắc, Trần Nhu, Lê Dũng...

Những bộ phim thời sự, tài liệu chiến trường, như Chiến thắng Tây Ninh, Đồng Xoài rực lửa, Nghệ thuật tuổi thơ, Hạt lúa vành đai, Du kích Củ Chi, Đội nữ pháo binh Long An, Chiến đấu trên đường phố Sài Gòn, Đường ra phía trước… không những là những hình ảnh sống động về cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là những tác phẩm nghệ thuật giành giải thưởng ở các liên hoan phim trong và ngoài nước.

Nhiều bài hát nổi tiếng của cách mạng miền Nam ra đời trong chiến khu R, như Xuân chiến khu, Bài ca may áo của Xuân Hồng; Cây chông tre của Trí Thanh… và nhiều sáng tác của các văn nghệ sĩ khác…

Lúc 12 giờ 7 phút ngày 30.4.1975, Đài Giải phóng phát ra lời tuyên bố: “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, phát thanh từ Sài Gòn. Sài Gòn đang chứng kiến những giờ phút vinh quang...”. Người đọc Đài hiệu Đài Phát thanh Giải phóng khi ấy là Thanh Liêm, tên thật là Vương Thị Hải, nhà ở quận 8, thoát ly ra chiến khu. Lúc mới vào nghề, Thanh Liêm đọc trong nhà ghi âm đắp đất ở đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Nữ xướng ngôn viên Thanh Liêm, người đọc Đài hiệu Đài Tiếng nói Nhân dân Sài Gòn trong ngày đất nước thống nhất đã trưởng thành từ lò Đài Phát thanh Giải phóng. 

Nhớ về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, chiến khu R - nơi gặp gỡ, tụ hội của những thế hệ cán bộ, thanh niên… từ đồng bằng sông Cửu Long lên, từ các thành phố của vùng tạm bị chiếm ra, Việt kiều từ Campuchia về và nhiều văn nghệ sĩ từ miền Bắc vào. Dưới những tán lá rừng là nơi gặp gỡ, hội tụ của mọi lứa tuổi, trong sáng, phơi phới yêu nước và yêu đời. Chúng ta cũng có thể coi chiến khu R- Tây Ninh là nơi tụ hội của những dòng sông: Cửu Long, sông Hồng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Mê Kông…

Những cánh rừng miền Đông, Tây Ninh, nơi trước đây là căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi năm cũng đón hàng ngàn người trở lại thăm. Ai cũng mong muốn tìm hiểu cuộc sống ở nơi đó, dưới những tán lá rừng! Và ai cũng cần biết, có những tác phẩm văn học nghệ thuật lớn đã ra đời dưới những tán lá rừng.

Việt Đông (ghi)

Tin cùng chuyên mục