BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đường 781 (đoạn Cửa Hoà Viện - cầu K13): Có hiện tượng “rút ruột” công trình?

Cập nhật ngày: 28/07/2010 - 01:58

Công trình đường 781, đoạn từ cửa Hoà Viện- Toà Thánh đến cầu K13 (Dương Minh Châu) do Sở GT-VT làm chủ đầu tư,  Công ty TNHH Xây Dựng -Thương mại Đắc Hạ và Công ty TNHH Xây dựng – Thương Mại – Dịch vụ Hà Hưng trúng thầu thi công. Công trình được triển khai thi công từ tháng 10.2008, dự kiến hoàn thành vào ngày 30.8.2010. Giá trị công trình trên 61 tỷ đồng. Công trình tuy chưa hoàn thành, nhưng có một đoạn vừa được thảm một lớp bê tông nhựa chưa bao lâu bỗng nhiên xuất hiện nhiều vết nứt, có nơi  bị “rớt” ra từng mảng. Một số người dân cho rằng, công trình thi công chưa đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, một Đội trưởng thi công con đường này có đơn gửi cơ quan chức năng và Báo Tây Ninh tố cáo công trình bị “rút ruột”. Sự thật như thế nào?

Trong đơn, ông Mai Xuân Hùng, Đội trưởng đội thi công (công ty Đắc Hạ) đường 781 cho biết: “Trong thời gian thi công lắp đặt cống, đoạn từ cửa Hoà Viện đến ngã ba Bàu Năng, Công ty Đắc Hạ và giám sát kỹ thuật đã chỉ đạo đào đất, đặt gối, đặt cống và đổ bê tông chèn hai bên cống rồi lắp đất lại. Trong khi đó, theo thiết kế, đào đất lăm le đá 4x6 dày 10cm, đặt gối, đổ bê tông bằng mặt gối và lắp đặt cống chèn 300”. Ông Hùng viết: “Công trình bị rút ruột nhiều quá, Công ty Đắc Hạ móc túi Nhà nước một cách hợp pháp. Nếu thi công như vậy thì các cơ quan Nhà nước thanh toán tiền cho Công ty Đắc Hạ theo thiết kế hay thực tế thi công? Vì vậy, tôi mong quý cơ quan thanh tra và kiểm tra lại chất lượng công trình”.

Giải thích về hiện tượng “rút ruột công trình”, ông Hùng cho PV biết, việc làm đường phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn như sau: lu nén nền hạ đạt tiêu chuẩn K92, nền sỏi K95, nền đá K98. Về nhựa phải đạt tiêu chuẩn 0.52 – 0.55, phải đạt 800C trở lên tại hiện trường . Bêtum nhựa tưới liên kết lớp đá và nhựa phải bảo đảm còn kẹp chì và phiếu xuất xưởng. Phải tưới theo thiết kế là 1kg/m2. Tuy nhiên, theo ông Hùng, việc thi công làm đường không đúng tiêu chuẩn trên. Cụ thể, nhựa không đảm bảo kỹ thuật (chỉ đạt 0.42), không lu bảo dưỡng (thảm xong phải lu bảo dưỡng 2 ngày), không có bêtum kẹp chì - không có phiếu xuất xuởng, tưới không đúng thiết kế, không đúng mác. Ông Hùng cho rằng, theo quy định phải đảm bảo mác 200, tức là phải đảm bảo 320kg ximăng/m3 bê tông (5 đá, 4 cát, 1 bao ximăng) nhưng thực tế thi công chỉ đạt mác 150 – 160, tức là khoảng 220kg-230kg/m3 bê tông (7 đá, 5 cát,1 bao xi măng).

Còn việc thi công đổ bê tông làm cống, theo ông Hùng, quy trình thiết kế quy định phải đảm bảo đá 4x6 dày 10cm, đặt gối, đổ bê tông phải bằng bề mặt gối, rồi đặt cống xuống. Sau đó đổ chèn hai bên, vuốt lên 300. Quy định là như vậy, nhưng đội thi công chỉ đào đất, đặt gối rồi đặt cống, đổ chèn 2 bên. Khi ông Hùng thắc mắc việc làm không đảm bảo kỹ thuật này, nhất là việc “cắt bớt” vật tư nhiều quá, một người có trách nhiệm thi công công trình này nói: “Việc đó có người lo”. Ông Hùng tính toán việc “cắt xén” vật tư trong thi công đặt cống đường 781: “1m cống phi 800 sẽ mất 0,2m3 bê tông; 1m cống phi 1500 mất 0,4m3 bê tông; 1m cống phi 2000 sẽ mất 0,6m3 bê tông. Như vậy, đoạn từ km 153 đến ngã ba Bàu Năng, cống phi 800 sẽ mất 640m3 (3.200m x0,2) bê tông đá 4x6; cống phi 1500 sẽ mất 74m3 (370m x 0,2) bê tông đá 4x6 và mất 148m3 (370mx0,4) bê tông đá 1x2; cống phi 2000 sẽ mất 80m3 (320mx0,25) bê tông đá 4x6 và 192m3 (320mx 0,6) bê tông đá 1x2. Trong khi đó, giá thị trường bê tông đá 1x2  khoảng 1.050.000đ/m3, bê tông đá 4x6 khoảng 750.000đ. Với khối lượng bị “cắt xén” này, số tiền bị thất thoát cả tỷ đồng”.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn từ cửa Hoà Viện, Toà Thánh đến ngã ba Bàu Năng chỉ mới thảm bê tông nhựa một phía mà nhiều đoạn đã bị nứt, bong tróc ra từng mảng (ảnh). Có chỗ bong tróc ra được đơn vị thi công khắc phục, có chỗ chỉ mới rạn nứt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Hoàng Chương – Quyền giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư và Xây dựng thuộc Sở Giao thông – Vận tải cho biết, công trình đường 781 dài 4,685km, chiều rộng nền đường 27m, thảm bê tông nhựa rộng 19m, vỉa hè rộng 4m. Kết cấu mặt đường, đắp sỏi đỏ dày trung bình 30cm, đá 0-4 dày 30cm (thi công chia làm 2 lớp), thảm bê tông nhựa 2 lớp dày 10cm.

Về chất lượng công trình, ông Chương cho biết, đơn vị thi công đã hoàn thiện hệ thống cống thoát nước dọc tuyến (gồm bê tông lót móng đá 4x6 dày 10cm, đặt gối cống, bê tông đá 1x2, chèn lưng cống, lắp đặt cống). Đã thảm bê tông nhựa lớp 1 (1/2 mặt đường bên phải tuyến) từ cửa Hoà Viện đến ngã ba Bàu Năng. Đoạn từ ngã ba Bàu Năng đến cầu K13 dài 2.600m đã thi công đá 0-4 được 1.800m. Giải thích về hiện tượng lớp bê tông nhựa mới làm đã nứt, ông Chương cho biết: “Trong quá trình thi công lớp đá 0-4 dày 30cm bên phải tuyến, đơn vị thi công tưới nước vừa đủ độ ẩm. Nhưng khi vừa tưới nước xong, mặt đá khô, xe chạy gây bụi rất nhiều. Các hộ dân hai bên đường thường xuyên tưới nước nên trong nền đá có độ ẩm rất cao. Đồng thời, một số vị trí thi công đá 0-4 có lượng bột đá quá nhiều. Do vậy, lu lèn một số đoạn bị cao su (phá kết cấu). Khi tiến hành thảm bê tông nhựa lớp 1, đơn vị thi công đào lên xử lý một số vị trí bị cao su trên và tạm thảm bê tông nhựa. Hiện nay, một số vị trí bê tông nhựa bị rạn nứt, đơn vị thi công đã xử lý và chờ ổn định để thảm bê tông nhựa lớp 2”.

Được biết, vào ngày 23.7.2010, Thanh tra tỉnh đã có buổi làm việc chính thức với ông Hùng (có sự tham gia của Công an kinh tế) về đơn tố cáo công trình 781 bị “rút ruột”. Ông Hùng cho biết, ông cũng nhận được thư  cảm ơn của UBND tỉnh về “sự lên tiếng” đầy trách nhiệm này. Ông Hùng cho biết, ông sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng của tỉnh để làm sáng tỏ vụ làm đường kém chất lượng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin kết quả vụ việc này khi có thông tin mới.

ĐỨC TIẾN

 

 

 


 
Liên kết hữu ích