Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức nói, sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì Bộ GT&VT sẽ tính toán hiệu quả kinh tế và phương án huy động vốn.
s
|
Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn: "Sau khi QH đồng ý về chủ trương xây đường sắt cao tốc thì sẽ tính toán chi tiết". |
Trả lời về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong phiên họp báo của Văn phòng Quốc hội chiều 17.5, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Ngô Thịnh Đức nói, sau khi Quốc hội đồng ý chủ trương thì Bộ GT&VT sẽ tính toán hiệu quả kinh tế và phương án huy động vốn.
Theo ông Ngô Thịnh Đức, dự án xin Quốc hội đồng ý về chủ trương đầu tư lần này mới chỉ là báo cáo đầu tư.
Như quy định trong Luật về quản lý đầu tư và xây dựng, báo cáo đầu tư không cần phải có những nội dung chi tiết.
"Bố mẹ chưa đồng ý cho con cái cưới vợ thì chưa thể bàn những việc cụ thể", ông Đức ví.
Sau khi Quốc hội đồng ý cho phép xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam, chủ đầu tư (Bộ GTVT) sẽ nghiên cứu tính toán hiệu quả kinh tế, phương án huy động vốn, chi phí, giá cả....
Dự án xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam sau khi trình ra Uỷ ban Thường vụ QH đang dấy lên nhiều quan ngại từ phía các chuyên gia kinh tế và chuyên gia giao thông.
Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật (VUSTA) mới đây đã tổ chức một hội thảo phản biện, đưa ra nhiều cảnh báo về hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, ông Đức khẳng định rằng, chỉ cần trình Quốc hội báo cáo đầu tư còn chi tiết sẽ bàn sau, và "không nên nhầm lẫn chuyện này".
Trước đó, cơ quan thẩm tra dự án là Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường QH cũng thống nhất với sự cần thiết phải xây đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tuy nhiên, Uỷ ban này cho rằng, cần phân tích sâu hơn lợi thế vượt trội của loại hình giao thông này, hiệu quả kinh tế tổng hợp, cơ sở của việc xây tuyến đường này trong khi rất ít nước trên thế giới áp dụng cũng như tính hợp lý trong phương án huy động vốn...
Thường trực Uỷ ban cho rằng, dự án này chưa nên quyết định ngay trong kỳ họp lần này mà cần có thêm tài liệu để đại biểu nghiên cứu, quyết định sau.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII sẽ khai mạc thứ năm, 20.5 và kéo dài đến 19.6.
QH sẽ xem xét thông qua 10 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 luật. Ngoài ra, Chính phủ sẽ gửi các báo cáo về một số vấn đề quan trọng như tiến độ thực hiện dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, các tỉnh biên giới cho thuê đất rừng... để đại biểu nghiên cứu.
Về các dự án luật dự kiến đưa vào chương trình nhưng rồi phải rút ra như dự án Luật Biển, Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn nói, các luật phải hoãn lại vì chưa đủ điều kiện. "Cơ quan soạn thảo sẽ phải chịu trách nhiệm với Đảng, Chính phủ, Quốc hội về sự chậm trễ này", ông Đàn nói. |
(Theo Vietnamnet)