BAOTAYNINH.VN trên Google News

EVN: Đã tính kỹ phương án an toàn thuỷ điện Lai Châu

Cập nhật ngày: 13/11/2009 - 05:59

Trước chất vấn dồn dập của các ĐBQH về rủi ro, an toàn xây dựng công trình thuỷ điện Lai Châu tại phiên họp sáng 13.11, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh khẳng định, EVN, với tư cách chủ đầu tư, đã tính toán các phương án để giữ an toàn nhất cho công trình.
Phải diễn tập ứng phó vỡ đập

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) lo ngại về thông số tính toán một con đập chịu được cơn lũ tần suất 1/1000 năm, tức là 1.000 năm mới có lũ một lần như báo cáo của Chính phủ. Theo ông Xuân, thông số này đã trở nên "hết sức lạc hậu", nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nạn phá rừng cho thấy bản chất của các cơn lũ đã thay đổi. Đề nghị nghiên cứu kỹ thông số này, ông Xuân cũng yêu cầu tính toán xác suất rủi ro vỡ đập.

"Nếu vỡ đập thì phương án ứng phó như thế nào? Khi có sự cố ở thuỷ điện Lai Châu hoặc Sơn La thì ở đây, chúng ta có bao nhiêu thời gian để chuẩn bị và trong thời gian đó phải làm gì? Phải có phương án hết sức chi tiết và phải diễn tập", đại biểu kiến nghị. 

ĐBQH yêu cầu nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng công trình thuỷ điện Sơn La.

Đại biểu Giàng A Chư (Yên Bái) đặt câu hỏi năm 2008, trên thượng nguồn Tứ Xuyên của Trung Quốc đã xảy ra động đất mạnh và thiệt hại rất lớn. Vậy xây dựng thuỷ điện Lai Châu với một diện tích nước tương đối lớn có đảm bảo tránh được rủi ro này hay không?

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng), Bế Xuân Trường (Bắc Kạn) cùng chung lo lắng khi tính đến khả năng các hồ chứa của Trung Quốc đồng loạt xả lũ với mức cao nhất. Ông Học nhận xét hồ sơ dự án chưa nêu tính toán an toàn cho đập và chưa thể hiện kết quả khảo sát, cụ thể là hiện tượng nứt gẫy, khả năng động đất trong điều kiện hồ chứa nước đang ở mức cao và các số liệu tính toán liên quan đến thượng nguồn phía Trung Quốc.

Giải đáp những thắc mắc này, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho hay: Viện Vật lý địa cầu đã khẳng định trận động đất ở Tứ Xuyên tháng 5.2008 "chưa phải là động đất rất lớn".

Ông Thanh cũng loại trừ khả năng ảnh hưởng của động đất ở Tứ Xuyên vì "nằm xa khu vực Lai Châu", "trong cấu trúc Dương Tử - Hoa Nam khác với cấu trúc Shan - Thái tại vùng Lai Châu và ngăn cách ở giữa bằng cấu trúc sông Hồng, tức là bên xảy ra động đất Tứ Xuyên thì chúng ta có đứt gãy sông Hồng, cho nên tất cả động đất nằm bên kia bờ sông Hồng, hầu như ảnh hưởng sang bờ bên này rất ít, nên các chấn động từ trận động đất này suy yếu và không ảnh hưởng đến vị trí xây dựng công trình thuỷ điện Lai Châu".

Liên quan đến rủi ro từ các đập ở thượng nguồn Trung Quốc, Tổng giám đốc EVN khẳng định "đã khảo sát" tất cả 11 dự án thuỷ điện đã và đang xây dựng, vận hành trên sông Đà. Kết quả, theo ông Thanh, là "khi xảy ra những bài toán vỡ đập ở Trung Quốc thì không phải là vỡ liên hoàn, khi nó vỡ sóng gián đoạn xảy ra là xảy ra cho dự án cuối cùng - nằm cách biên giới Việt Nam 13km".

EVN - với tư cách là chủ đầu tư - đã "tính toán những phương án để giữ an toàn nhất cho dự án", ông Thanh cho biết. Cụ thể, có 4 phương án để chọn tim công trình, 4 phương án mực nước dâng bình thường, 4 phương án mực nước chết cũng như 4 phương án về công suất lắp máy, các phương án chọn tổ máy, đều làm "rất kỹ". 

"Đừng mang tư duy đô thị lên miền núi"

Dự án thuỷ điện Lai Châu có 1.331 hộ/5.867 hộ phải di dời, được áp dụng cơ chế di dân, tái định cư của công trình thuỷ điện Sơn La. Theo đại biểu Bùi Thị Hòa (Đăk Nông), hầu hết các dự án khi lập báo cáo đầu tư đều đặt ra yêu cầu "rất được lòng dân" là người dân tái định cư sẽ có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Nhưng thực tế nhiều dự án đã không làm đúng cam kết của mình, như thuỷ điện A Vương, thậm chí cả thuỷ điện Sơn La đều cho thấy có tình trạng kém chất lượng của cơ sở hạ tầng, nhà cửa, thiết kế không phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt của đồng bào. Bà Hòa cho rằng phải xác định việc bố trí tái định cư, định canh cho nhân dân vùng dự án là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là trách nhiệm và cũng là đạo lý đối với những người dân ở vùng dự án này.

Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) cũng dẫn "kinh nghiệm" của Sơn La dự kiến cuối năm 2010 sẽ đưa tổ máy số 1 vào hoạt động, nhưng đến nay vẫn còn 4.502 hộ chưa di dân tái định cư, thậm chí ngay trong năm nay, một số dự án di dân mới được phê duyệt. Đề xuất với thuỷ điện Lai Châu chỉ có hơn 1.000 hộ di dân, tái định cư, đại biểu Lễ cho rằng có thể thực hiện trước khi khởi công.

Đồng tình, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP.HCM) lưu ý tránh "mang tư duy của người ở đô thị lên miền núi" như Sơn La cho xây những "căn hộ" kiểu nhà ống ở đô thị. Bà Hồng yêu cầu phải quan tâm vai trò, sự tham gia chủ động của người dân trong quá trình xây dựng phương án tái định cư.

"Tôi cho rằng có một chút bao cấp trong suy nghĩ, tư duy. Việc chúng ta cho là tốt thì chưa chắc người dân đã cho là tốt..", đại biểu Hồng nói.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Văn Chiến (Lai Châu) cho rằng nơi ở chỉ là điều kiện cần, song chưa đủ, mà đây là dịp tốt để cơ cấu lại dân cư vùng dự án phù hợp với cơ cấu kinh tế xã hội mới của huyện Mường Tè và tỉnh Lai Châu.

Giải trình vấn đề vốn (bị nhiều đại biểu "kêu" quá lớn - 80% tổng mức đầu tư là đi vay), ông Phạm Lê Thanh cho hay khi đề xuất phương án tự  lực vốn 20%, EVN phải xem xét cân đối nguồn lực của mình, trong đó sẽ xem xét phải lấy từ nguồn khấu hao lợi nhuận để lại, cũng như sẽ bán bớt cổ phần một số nhà máy. 80% vốn vay hình thành từ vay tín dụng nhà cung cấp hàng, vay quỹ hỗ trợ, phát hành trái phiếu, vay thương mại...

(Theo Vietnamnet)