Thời Sự - Chính trị   Thời Sự - Chính trị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975:

Gặp người treo cờ giải phóng tại Chi khu Phước Ninh 

Cập nhật ngày: 30/04/2021 - 09:30

BTN - Vào lúc 10 giờ 30.4.1975, cờ giải phóng tung bay ở Chi khu Phước Ninh, quận lỵ Phước Ninh, Châu Thành, nay là cơ quan Công an huyện Châu Thành. Người lãnh nhiệm vụ hạ lá cờ “ba que"”xuống, kéo lá cờ cách mạng lên cách đây 46 năm là ông Nguyễn Văn Nỉa - ngụ tổ 4, ấp Phước Lợi, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành.

Ông Nỉa chia sẻ kinh nghiệm trồng măng bát độ.

Khi ấy, ông Nỉa mới 22 tuổi, là Trung đội trưởng Trung đội bảo vệ của Huyện đội Châu Thành. Ðầu tháng 4.1975, huyện quyết định thành lập thêm 2 tiểu đoàn, ra mắt ngày 20.4.1975, “cán bộ khung” lấy từ C40, B12 và một số cán bộ văn phòng Huyện đội, ông được phân công về tiểu đoàn 3 làm nhiệm vụ bảo vệ cho tiểu đoàn.

Tiểu đoàn 2 do ông Nguyễn Văn Một (Ba Một)- Huyện đội phó làm Tiểu đoàn trưởng kiêm Chính trị viên. Tiểu đoàn 3 do ông Dương Văn Ưa (Ba Ưa)- Huyện đội phó làm Tiểu đoàn trưởng, ông Trần Cao Vân (Tám Vân) làm Chính trị viên.

Tiểu đoàn 3 đóng quân tại Tam Hạp có nhiệm vụ cắt đứt lộ 13 - đoạn Tam Hạp và tấn công Chi khu Phước Ninh. 10 giờ ngày 30.4.1975, qua điện báo của tỉnh, Huyện đội đã nắm được tin Tiểu khu Tây Ninh cử người liên lạc với Ban Chỉ huy giải phóng tỉnh xin lệnh đầu hàng.

Tại Châu Thành, Tiểu đoàn 3 đang làm nhiệm vụ, xuất hiện một chiếc xe Jeep quân sự treo cờ trắng do Chi khu trưởng Chi khu Phước Ninh lái đến xin đầu hàng và mời bộ đội giải phóng về Chi khu để bàn giao chính quyền.

Ông Nỉa cùng một số cán bộ của Tiểu đoàn lên xe Jeep đi từ Tam Hạp về Chi khu. Tất cả đều mang theo vũ khí và không quên mang theo lá cờ giải phóng. “Lúc đó tôi vừa hồi hộp vừa ngỡ ngàng vì từ nhỏ chỉ được ngồi trên lưng trâu, đi xe trâu, lần đầu tiên ngồi trên xe quân sự chạy với tốc độ hơn 50km/giờ”- ông Nỉa kể.

Ông Nỉa kể tiếp: “Về tới Chi khu, ông Ba Ưa ra lệnh phải giữ tên Chi khu trưởng không cho vào văn phòng, ông Tư Chỉ đưa cho tôi lá cờ giải phóng giao nhiệm vụ hạ cờ của nguỵ xuống, kéo cờ mình lên. Cột cờ chi khu cao gần 10m, trụ xi măng, cột cờ bằng sắt. Vừa mừng lại vừa lo nên loay hoay mãi không biết cách nào để hạ lá cờ “ba que” xuống.

Xung quanh, đám lính nguỵ cởi hết quần áo lính, mặc mỗi quần xà lỏn, cởi trần, gương mặt hoang mang sợ hãi. Một lúc sau, bình tĩnh lại, tôi mới hạ được lá cờ 3 que, vứt xuống đất rồi treo lá cờ giải phóng lên. Lá cờ dài hơn 1m, rộng khoảng 80cm, no gió cuồn cuộn bay trên bầu trời". “Lúc đó tôi chỉ lo buộc cờ sao cho chắc, chẳng nghĩ gì đến chuyện mình có thể trúng đạn hy sinh cả” - ông Nỉa nói thêm.

Sau ngày 30.4, anh em trong Tiểu đoàn về một đơn vị mới theo chức năng, nhiệm vụ của mình, lo tiếp quản, trấn áp tàn quân địch, tổ chức tiếp nhận sĩ quan, binh lính nguỵ ra trình diện, tham gia ổn định cuộc sống cho nhân dân. Ông được điều về công tác tại Huyện đội, làm cán bộ phụ trách trung đội bảo vệ cho đơn vị. Ðến năm 1976, ông nghỉ chế độ về sống tại ấp Phước Lập, xã Phước Vinh.

Về với đời thường, không của cải, không nghề nghiệp, cuộc sống vất vả, nhiều năm liền gia đình ông thuộc diện khó khăn của địa phương. Năm 2016, qua sách báo, ông quyết định ra miền Trung tìm mua tre bát độ về trồng lấy măng.

Loại tre này rất dễ trồng và mau lớn, sau 12 tháng đã cho thu hoạch, chi phí đầu tư giống và phân bón thấp. Cần cù, chịu khó, với diện tích 1.500m2 đất, gia đình ông trồng 35 gốc tre bát độ, sau khi đã trừ chi phí, công lao động, lợi nhuận từ việc bán măng và cây giống hơn 80 triệu đồng/năm. Nhờ trồng tre bát độ, thu nhập gia đình ông ổn định, cuộc sống gia đình sung túc hơn.

Hà Quang