Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
7h sáng nay, 22/5, cử tri cả nước bắt đầu thực hiện trách nhiệm công dân của mình: Bỏ phiếu lựa cho các ứng viên đủ tư cách đại diện cho mình ở Quốc hội và HĐND các cấp.
Sáng 22/5, thời tiết hầu khắp cả nước dịu mát. Tại các điểm bầu cử ở Hà Nội, TP HCM và các địa phương, nhiều cử tri có mặt từ sớm để thực hiện quyền của mình.
Tại điểm bầu cử ở số 58 Nguyễn Du (Hà Nội), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong 3 cử tri đầu tiên bỏ phiếu bầu. Tổng bí thư cũng là ứng viên đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội.
Chia sẻ sau khi thực hiện quyền công dân của mình, Tổng bí thư mong muốn các ứng viên được bầu sẽ hết lòng vì nước, vì dân; tuyệt đối trung thành với tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
"Đây là lần thứ 14 chúng ta tổ chức tổng tuyển cử nhưng là cuộc bầu cử quy mô nhất. Hơn 69 triệu cử tri sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 4.000 đại biểu HĐND cấp tỉnh… Tôi mong muốn bà con hôm nay sẽ đi bầu cử một cách đông đủ, chọn đúng người xứng đáng nhất trong số những người mình thấy xứng đáng", Tổng bí thư gửi gắm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang bỏ phiếu ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: H.Thu.
Tại điểm bầu cử số 8 ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), đúng 6h45, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân có mặt. Sau nghi thức chào cờ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, giành được nhiều thành tựu... Chủ tịch nước đề nghị cử tri cả nước nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, lựa chọn những người đủ đức đủ tài để bầu vào Quốc hội và HĐND các cấp.
“Tôi cũng mong cử tri đi bầu cử đầy đủ, góp phần vào sự thành công chung của cuộc bầu cử. Các cơ quan chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo cuộc bầu cử thành công tốt đẹp, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm, thực sự là ngày hội của toàn dân”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ phiếu tại phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Ảnh: Tiến Tuấn.
Tại điểm bầu cử phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một trong những cử tri có mặt sớm nhất. Bà cùng nhiều cử tri lão thành tham dự lễ khai mạc và bỏ phiếu.
Tham dự bỏ phiếu ở điểm bầu cử phường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội), Bí thư Hoàng Trung Hải chia sẻ, chất lượng hoạt động của Quốc hội, HĐND nằm chính trong tay mỗi cử tri. Theo ông, thông tin bây giờ rất công khai, dễ tiếp cận, đơn giản như chỉ vài cú click chuột là mọi người đều có thể biết được về năng lực, quá trình công tác, trưởng thành của những người mình thực sự quan tâm. Và ngược lại, nếu chúng ta thờ ơ, bầu qua loa đại khái cho xong chuyện thì những hoạt động của các cơ quan dân cử cũng sẽ khó đảm bảo chất lượng.
"Vì vậy tôi mong rằng mỗi cử tri đi bầu sẽ phát huy trách nhiệm và trí tuệ của mình trong từng lá phiếu. Để sau này, khi chứng kiến hoạt động của các cơ quan Lập pháp chúng ta có quyền tự hào về quyết định của mình hôm nay", ông Hải nói.
Trong khi đó, tại điểm bầu cử số 51 (phường 7, quận 3, TP HCM), Bí thư Đinh La Thăng cũng là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu bầu. Ông Thăng đồng thời là ứng viên đại biểu Quốc hội của TP HCM.
Theo số liệu từ Hội đồng bầu cử Quốc gia, để chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, trên phạm vi cả nước đã thành lập 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 712 Ủy ban bầu cử cấp huyện; 11.162 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội...
Trong ngày hôm nay, gần 70 triệu cử tri sẽ bầu ra 500 đại biểu Quốc hội; 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.
Bí thư Đinh La Thăng bỏ phiếu ở điểm bầu cử số 51 (quận 3, TP HCM). Ảnh: Hải An.
Cụ thể, tại 184 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ lựa chọn bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV trong tổng số 870 người ứng cử. Trong đó, 197 người ứng cử ở Trung ương, 662 người ứng cử ở địa phương và 11 người tự ứng cử.
Tại 1.096 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 3.918 đại biểu HĐND cấp tỉnh; tại 6.721 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 24.993 đại biểu HĐND cấp huyện; tại 79.888 đơn vị bầu cử, cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu 294.055 đại biểu HĐND cấp xã.
Tính đến ngày 22/5, trên cả nước đã có một số khu vực bỏ phiếu thuộc các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Đăk Lăk tổ chức bỏ phiếu bầu cử sớm trước ngày bầu cử được ấn định.
Ngày 20/5, gần 3 vạn cử tri ở 34 xã, thuộc 4 huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông đã tới 146 điểm bầu cử để bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Đây đều là các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Nghệ An, với đại bộ phận là đồng bào các dân tộc. Để chuẩn bị tốt cho công tác bầu cử tại 146 điểm này, từ nhiều ngày qua, các cấp ngành địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động, động viên cử tri tham gia bầu cử.
Ngày 15/5 (trước 7 ngày so với ngày bầu cử toàn quốc) hàng nghìn cử tri là quân, dân huyện đảo Trường Sa đã tập trung tại 21 khu vực bỏ phiếu tại 3 đơn vị bầu cử là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn (huyện Trường Sa) để tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp.
Theo Điều 71 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND:
- Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7h đến 21h cùng ngày.
Tùy tình hình địa phương, tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5h sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 cùng ngày.
- Việc bỏ phiếu phải được tiến hành liên tục. Trong trường hợp có sự kiện bất ngờ làm gián đoạn việc bỏ phiếu thì tổ bầu cử phải lập tức niêm phong hòm phiếu, tài liệu liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử, kịp thời báo cáo cho ban bầu cử, đồng thời phải có những biện pháp cần thiết để việc bỏ phiếu được tiếp tục.
Nguồn Zing.vn