Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gần gũi và lãng mạn
Chủ nhật: 08:02 ngày 29/10/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhà thơ Rasun Gamzatov viết bài “Ðàn sếu” bằng tiếng Avar- tiếng mẹ đẻ của dân tộc ông vùng Ðaghectan thuộc Nga, bài thơ được Naum Grepnep chuyển ngữ sang tiếng Nga. Nó đã được giới thiệu trên tạp chí Thế Giới Mới của Liên Xô năm 1968.

Tôi nhớ, lần đầu được đọc bài thơ trên, chỉ mới khổ đầu của bài tôi đã phải dừng lại, bởi sự liên tưởng của tác giả đẹp và lạ quá, gây nên cảm giác bồi hồi không yên. Ðó là sự hứng khởi lành mạnh từ hình ảnh các liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại năm 1941 - 1945 của Hồng quân Liên xô hoá thành những con sếu trắng, cất cánh bay lên: Ðôi lúc tôi chợt nghĩ rằng người lính/ Trong cuộc chiến tranh đẫm máu đã hy sinh/ Không vĩnh viễn nằm sâu trong lòng đất/ Mà hoá thành những đàn sếu trắng tinh.

Từ ý nghĩ của nhà thơ- đầy chất nhân văn cao cả, thể hiện sự tôn kính và biết ơn những con người đã hiến dâng tuổi trẻ để bảo vệ đất nước và nhân dân đã dựng nên hình ảnh vừa lãng mạn vừa gần gũi, làm vợi bớt đi nỗi đau thương về sự mất mát hy sinh. Nhìn thấy đàn sếu bay, nhà thơ đã nghĩ ngay đó chính là các liệt sĩ nên mới dùng từ “họ”: Họ bay mãi từ xa xăm quá khứ/ Tới ngày nay và trò chuyện cùng ta/ Phải vì thế mà ta thường tư lự/ Hay chạnh buồn khi lặng ngắm trời xa.

Khổ thơ thứ ba ghi lại một quang cảnh thực tế mà nhà thơ chứng kiến trước mắt: Hôm nay lúc hoàng hôn đang dần tới/ Tôi bồi hồi khi thấy giữa màn sương/ Ðàn sếu trắng chỉnh tề hàng lối/ Như đoàn người lê bước giữa đồng hoang. Tiếp theo, từ hình ảnh sếu giống người tới tiếng kêu của sếu cũng giống tiếng người: Ðàn sếu bay trên con đường dằng dặc/ Và gọi tên những ai đó lao xao/ Phải vì thế mà âm thanh Avar/ Tự bao đời giống tiếng sếu làm sao.

Ðó là những câu thơ chan chứa tình quê, tình người. Mấy tiếng âm thanh Avar tức là giọng thổ âm của quê tác giả từ lâu lắm rồi rất giống giọng của sếu. Tiếng sếu kêu lao xao giống như tiếng người trò chuyện. Và nhà thơ nảy sinh ước vọng khi nhìn thấy có những khoảng trống trong đội hình của đàn sếu đang bay: Bay, bay qua khoảng trời mệt mỏi/ Trong bóng chiều, trong bát ngát màn sương/ Giữa đoàn quân ngỡ thừa ra khoảng trống/ Hình như còn dành để cho tôi. Nhà thơ nghĩ mình được nhập vào đàn sếu là một vinh dự và mong muốn sau này mình cũng sẽ thành một trong những chú chim sếu trắng: Sẽ có ngày tôi bay cùng đàn sếu/ Trong mịt mờ sương trắng tựa hôm nay/ Và ở giữa trời cao như chim tôi sẽ gọi/ Tất cả mọi người còn lại ở nơi đây! Ðó là lời kêu gọi- tất cả mọi người sẽ là chiến sĩ  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” khi đất nước lâm nguy.

 Qua tham khảo, tôi được biết trước khi viết bài “Ðàn sếu”, nhà thơ Rasun Gamzatov đã từng đi qua Nhật Bản và có tới thăm công viên hoà bình ở Hyroshyma, gặp bức tượng cô bé có tên Sakado Sasaki. Trước khi chết vì bị nhiễm phóng xạ nguyên tử, cô bé ấy vẫn ao ước được sống còn khi cô gấp đủ 1.000 con sếu bằng giấy!

Một lần, ca sĩ Mark Bernes tình cờ đọc được bài thơ “Ðàn sếu”, thấy ca từ hay quá, ông muốn được có bài hát phổ từ bài thơ này nên đã nhờ nhạc sĩ Yan Frenkel giúp. Tác phẩm hoàn thành, được Mark Bernes thể hiện và thu âm. Bài hát nổi tiếng vang dội. Từ đó, nhiều bức tượng lấy cảm hứng từ “Ðàn sếu” được dựng lên khắp nơi. Bài thơ “Ðàn sếu” cũng được nhiều nhà thơ Việt Nam chuyển ngữ sang tiếng Việt và được đông đảo bạn đọc đón nhận một cách nồng nhiệt.

                 Cảnh Trà

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục