Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gần như là nhà - lời tự tình của những người trẻ Việt hiện đại
Thứ sáu: 08:07 ngày 08/11/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đọc “Gần như là nhà”, mỗi độc giả có thể rút ra được những bài học bổ ích cho mình và sẽ tâm đắc với câu chuyện của ai đó. Riêng tôi thật sự khâm phục, quý trọng, tin, yêu và tự hào về họ.

"Gần như là nhà" (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2019) là kết quả từ sự khởi xướng của Trần Diệu Huyền, thạc sĩ chuyên ngành truyền thông và phát triển ở Mỹ, làm việc tại Đại học Stony Brook ở Long Island, New York; sự ủng hộ của nhà văn Nguyễn Trương Quí và công sức làm việc hơn một năm của các nhóm bạn ở Mỹ và Việt Nam.

Họ chưa hề gặp nhau ở ngoài đời mà chỉ làm việc trên mạng. Hơn ba mươi câu chuyện của các lưu học sinh, nghiên cứu sinh nhiều đại học danh tiếng trên thế giới đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực như báo chí, ngoại giao, giáo dục, kiến trúc, marketing, luật... mang đến cho người đọc một cái nhìn đa diện về những người trẻ Việt hiện đại.

Hơn 350 trang sách được thiết kế thành 5 phần: I: Những nơi rất xa; II: Những điều chưa biết; III: Đường rất dài; IV: Đi ngược về xuôi; V: Gần như là nhà. Đây tập hợp những câu chuyện của 30 tác giả là người Việt Nam thế hệ 8x, 9x ở nhiều nơi trên thế giới, có người đã trở về Việt Nam, có người định cư ở nước ngoài và cũng có những người đang phân vân giữa những lựa chọn và hướng đi. Đó là những câu chuyện thật nhất, đầy cảm xúc chân thành của tuổi trẻ với một quãng đời nhiều gian nan, bất định nhưng thật đẹp trong cuộc đời của mỗi người.

Chúng ta biết rằng từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập, điều kiện để du học ngày càng thông thoáng hơn. Hiện nay, Việt Nam trở thành một nước có tỷ lệ du học vào hàng đầu thế giới. Có người đi theo diện tự túc, gia đình chu cấp để ăn học ở xứ người, có người đi thông qua các kênh tài trợ từ ngân sách Nhà nước hay các tổ chức phi chính phủ, có người đi với hình thức làm việc cho trường, cho giáo sư... đổi lại sẽ được miễn học phí, được chu cấp sinh hoạt hằng tháng cũng như bảo hiểm.

Đi theo diện nào thì cái chung của người ra đi cũng đầy sự băn khoăn, lo lắng khi phải sống xa nhà, sốc khi va chạm văn hoá, có những lúc bối rối, hoang mang, cố vật lộn để thích nghi... rồi sau đó là lựa chọn về hay ở? Còn đối với người ở nhà thì có biết bao nỗi lo, nhưng có lẽ lo nhất là “lũ trẻ” sẽ mất gốc, mất bản sắc dân tộc, quên đi cội nguồn... Nhưng khi đọc xong cuốn sách, mọi lo lắng đã có lời giải khá thoả đáng.

Các tác giả đều ý thức: “Thế hệ 8 - 9x được hưởng tất tần tật những thành quả và hệ quả của thời kỳ đổi mới... được ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, nói hai ba thứ tiếng, hầu hết ai cũng có cơ hội đi du lịch nước ngoài nước trong, ai cũng có vài người bạn ở bên ngoài lãnh thổ hình chữ S..” (tr 65- Chi Béo). Họ thực sự trở thành những đại sứ hoà bình, hữu nghị: “Tôi nhìn thấy người Việt Nam cũng có những giá trị riêng rất độc đáo. Mình có ý thức rất rõ là người Việt Nam, không bị bối rối gì về danh tính cả” (tr38, Đoàn Bảo Châu - Mình là ai giữa một quốc gia mosaiic). Và không ít tác giả đã xác định: “...Đây chỉ là nơi tôi đang sinh sống, học hành và làm việc...

Hà Nội mới thực sự là nhà, là nơi tôi cảm thấy quen thuộc gần gũi nhất, nơi tôi được chính mình… Việt Nam mãi mãi là máu thịt, là quê hương, cội nguồn, là nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi đã nợ nơi này quá nhiều ân tình mà có lẽ cả cuộc đời không trả hết” (tr 195, Hành trình nước Mỹ của tôi - Trần Diệu Huyền). Và đây là điều giúp độc giả hiểu vì sao họ đặt tên cuốn sách “Gần như là nhà”. Không những thế, họ còn có mong ước đầy tính nhân văn: “...tôi mong ước một thế giới bình đẳng hơn... bình đẳng để ít xung đột và hoà bình”, và hành động để thực hiện nó: “Với vị thế hiện tại, tôi có thể đóng góp một phần nhỏ bé để kết nối văn hoá và mong mọi người sống gần với nhau, cảm thông với nhau nhiều hơn” (tr 258).

“Gần như là nhà” là những tâm tư, tình cảm, sự trăn trở, sự tự vấn về danh tính, quê hương, trách nhiệm... của những người trẻ Việt hiện đại, đại diện cho một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước và thế giới. Họ thực sự là những người giỏi giang, có ý chí, có thế giới quan, nhân sinh quan, suy nghĩ và trách nhiệm… mang tính thời đại.

Đọc “Gần như là nhà”, mỗi độc giả có thể rút ra được những bài học bổ ích cho mình và sẽ tâm đắc với câu chuyện của ai đó. Riêng tôi thật sự khâm phục, quý trọng, tin, yêu và tự hào về họ. Dù ở phương trời nào, họ vẫn không quên mình là con cháu Lạc Hồng, có cội nguồn là đất nước ngàn năm văn hiến.

DIỆU MAI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục