Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vĩnh biệt người “Chiến sĩ Rừng Rong” Tô Văn Ri:
Gần trăm tuổi vẫn canh cánh bên lòng nhiệm vụ xây dựng Đảng
Thứ sáu: 16:48 ngày 04/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Vị lão thành cách mạng ông Tô Văn Ri, là người cuối cùng trong danh sách 27 “Nghĩa sĩ Rừng Rong” tham dự Hội thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm xưa nay cũng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng.

Một đời người “thất thập” đã là “cổ lai hi”- “bảy mươi xưa nay hiếm”. Vậy mà tin buồn một vị cách mạng lão thành qua đời khi chỉ còn hai năm nữa là tròn tuổi 100, lại khiến cho nhiều người ở Tây Ninh không khỏi bất ngờ.

Bởi lẽ mới hồi đầu năm nay thôi, người ta vẫn còn nhìn thấy ông đĩnh đạc, tinh anh, tuy có hơi gầy gò vẫn cùng các vị lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng bước lên thắp hương tưởng niệm trước tượng đài trong Khu di tích lịch sử quốc gia Thanh niên cách mạng Rừng Rong trong dịp kỷ niệm 77 năm Hội thề Rừng Rong- sự kiện lịch sử độc đáo đầy tráng khí, tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, mùa xuân năm Bính Tuất 1946.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái và lãnh đạo Thị uỷ Trảng Bàng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đảng viên Tô Thành (tháng 1.2022)

Vị lão thành cách mạng ấy, ông Tô Văn Ri, là người cuối cùng trong danh sách 27 “Nghĩa sĩ Rừng Rong” tham dự Hội thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” năm xưa nay cũng đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Từ đây, xin gọi người thanh niên cách mạng Rừng Rong Tô Văn Ri là ông Tô Thành, tên thường gọi thân thương của người đảng viên 76 tuổi Đảng, 98 tuổi đời của quê hương Tây Ninh.

Khởi đi từ sự kiện lịch sử Rừng Rong, ông Tô Thành kinh qua suốt cuộc trường chinh 21 năm chống Pháp rồi chống Mỹ với nhiều vị trí chiến đấu ngay trên quê hương Tây Ninh. Trong khi những đồng đội Rừng Rong của ông lần lượt tham gia các đơn vị chủ lực của Khu, của Miền, của Trung ương từ Nam ra Bắc, rồi lại hồi kết về Nam, trở thành những tướng lĩnh kiệt xuất của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, riêng ông vẫn bám trụ tại vùng quê xứ Trảng, vùng chiến khu Dương Minh Châu suốt những năm kháng chiến vô vàn gian khổ để bảo vệ cơ quan đầu não của cách mạng Trung ương Cục miền Nam, trú đóng ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Trong thời gian đó, ông đã từng đi nhiều nơi, công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, vì thế nhiều cán bộ gọi vui ông là “ông Sáu chữa cháy”; vì lẽ, trong ngần ấy năm, cứ nơi đâu khó khăn ông lại được cử đến. Chín năm chống Pháp, ông tham gia lực lượng vũ trang ở các đơn vị 312, 306, làm công tác quân báo cho ông Út Thới (cố Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng xuất thân từ Hội thề Rừng Rong).

Đảng viên Tô Thành trò chuyện với Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Hùng Thái.

“Năm Thìn bão lụt” 1952, ông đi làm Trưởng trạm sản xuất của đơn vị tận Bến Cây Ổi ở huyện Châu Thành. Sau Hiệp định Genève 1954, do tính chất công tác đặc biệt, ông được bố trí ở lại miền Nam, không đi tập kết ra Bắc. Ông bám trụ tại quê hương xứ Trảng trong những năm cực kỳ gian khổ do sự kìm kẹp tố cộng, diệt cộng, trả thù người kháng chiến của chế độ Mỹ-Diệm.

Trong giai đoạn này, có một điều không nhiều người biết, ông Tô Thành chính là người lãnh đạo vùng quê đã “sáng tạo” ra câu khẩu hiệu biểu thị quyết tâm chống giặc giữ quê hương của nhân dân miền Nam anh hùng: “Một tấc không đi, một li không rời”. Câu chuyện này chúng tôi được nghe chính ông kể lại trong dịp thực hiện đề tài kỷ niệm 70 năm Hội thề Rừng Rong đăng trên Báo Tây Ninh Xuân Bính Thân 2016. Về mặt tư liệu chính thống, sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh 1930-2005 có ghi rõ sự kiện diễn ra tại địa phương nơi ông đứng đầu Đảng bộ xã những năm đầu chống Mỹ cứu nước:

“Ở ngã ba Hai Châu (thuộc xã Gia Lộc, Trảng Bàng), quý 2 năm 1962, địch bắt đầu xây dựng ấp chiến lược. Đây là ấp chiến lược lớn nhất (trong tổng số 7.002 ấp do chế độ Mỹ Diệm xây dựng trên khắp miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào-NV). Hằng ngày chúng bắt hàng nghìn người dân đến đào đắp. Chúng dự kiến sẽ làm trong vòng 4 tháng.

Đến lúc ấy, Ngô Đình Nhu, cố vấn chính quyền Ngô Đình Diệm, sẽ đến dự lễ khánh thành. Ta tổ chức phá nhiều lần. Có lần, đồng bào dưới sự yểm trợ của bộ đội huyện và du kích xã vào phá, nhưng địch cảnh giác rải quân canh phòng cẩn mật.

Không vào được, đồng bào nằm chờ đến gần sáng khi bọn địch bên ngoài (bờ thành ấp chiến lược-NV) rút và bọn bên trong lơ là cảnh giác, lập tức 1.500 người được lệnh chia thành 50 toán, xếp thành hàng 8 chạy vào, kết hợp với đồng bào bên trong dùng cuốc xẻng san bằng 1.200 mét bờ thành ấp.

Địch bắt đồng bào trong ấp ra đào đắp trở lại, đồng bào nhắc lại lời giao ước với chúng trước khi đào đắp, lính giữ, lính để Việt Cộng phá thì lính phải đi đắp lại và cương quyết không làm. Bắt dân trong ấp không được, chúng bắt đồng bào các nơi khác đến làm kỹ hơn.

Ta lại tiếp tục phá, ấp này bị san bằng một lần nữa. Rút kinh nghiệm hai lần thất bại, chúng làm lại từng đoạn ngắn. Ta đổi cách phá một lúc ở nhiều nơi. Kết quả sau một năm với 15 lần tiến công, ta phá dứt điểm ấp chiến lược này”.

Ông Tô Thành phát biểu tại buổi họp mặt Hội thề Rừng Rong.

Qua câu chuyện, ông Tô Thành cho biết, việc phá ấp chiến lược của địch là một phần hết sức quan trọng trong phong trào du kích chiến tranh của ta thời chống Mỹ. Vì “quốc sách ấp chiến lược” của địch là nhằm gom dân, lập ấp, lùa dân rời bỏ ruộng rẫy vào ở trong ấp để tách rời, cách ly “Việt Cộng” không còn ở trong dân cho chúng dễ tiêu diệt.

Do đó, ta phá được ấp chiến lược tức là ta đánh thắng địch trong chiến tranh du kích. Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh còn ghi thêm: “Trong thời gian này (cuối năm 1962-NV), Bộ Chỉ huy quân sự Miền tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào du kích chiến tranh toàn Miền. Tại hội nghị này Tây Ninh có hai báo cáo điển hình là phong trào du kích chiến tranh xã Gia Lộc và phong trào sản xuất vũ khí tự tạo của tỉnh”.

Ông Tô Thành cười móm mém nói với chúng tôi, ông học hành không được bao nhiêu, nhưng vì “chuyện mình làm mình biết nên mình phải tự viết, tự báo cáo chứ hồi đó đâu có văn phòng, đâu có thư ký gì đâu”, vậy mà bản báo cáo “chân quê” ấy nay đã đi vào lịch sử. Sau hội nghị ở Miền, sang tháng 3.1963, ông Tô Thành được Tỉnh uỷ rút về làm công tác dân vận với chức vụ Phó Ban Đấu tranh chính trị tỉnh Tây Ninh.

Đặc biệt, với tính cách “chuyên giải quyết khó khăn” trong phong trào cách mạng của địa phương, ông Tô Thành đã hai lần làm Bí thư Huyện uỷ Dương Minh Châu vào trước và sau ngày giải phóng. Lần đầu vào những năm 1974-1976, và lần sau vào những năm 1980-1987, năm ông được về nghỉ hưu. Giữa hai chặng đó, ông được điều chuyển về Trưởng Ty Nông nghiệp, rồi Trưởng Ty Thuỷ lợi (nay đã sáp nhập lại là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trưởng Ban Tổ chức chính quyền (thuộc UBND tỉnh), rồi Bí thư Huyện uỷ Bến Cầu.

Ông Tô Thành (bên trái) cùng các đại biểu thắp hương tại nhà bia Khu di tích lịch sử Rừng Rong.

Trở về nghỉ hưu ở quê hương Bàu Mây (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), cũng chính là nơi tụ nghĩa của những thanh niên mang chí lớn, dự Hội thề Rừng Rong, ông vẫn luôn nhớ về những ngày tháng ác liệt trong chiến tranh, nhớ từng chặng đường tham gia cách mạng gần trọn đời ông. Trong đó, khi đề cập với chúng tôi về công tác xây dựng Đảng, ông nhắc đến như một phần quan trọng nhất mà ông luôn canh cánh bên lòng. Vấn đề ông quan tâm lớn nhất đối với nhiệm vụ cán bộ lãnh đạo của Đảng, đó là công tác cán bộ.

Theo ông, việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải luôn đi đôi “xây và chống”, trong đó “lấy xây làm chính”. Ông cho biết, trước những năm 1980, ở Dương Minh Châu đã xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ khá nghiêm trọng. Vì thế, khi đến nhận nhiệm vụ lãnh đạo huyện lần thứ hai, ông đã bỏ nhiều công sức, trí tuệ để “chữa cháy” ở đấy, cho đến khi địa phương này đã “trong ấm ngoài êm” ông mới yên tâm “rửa tay gác kiếm” về quê nhà nghỉ hưu.

Cũng với điều tâm đắc ấy, cho đến những năm tháng cuối đời, khi tham gia sinh hoạt Đảng tại địa phương ông vẫn luôn nhắc nhở thế hệ cán bộ trẻ, phải luôn đi chung “xây và chống”. Trong đó, cán bộ, đảng viên không chỉ giải quyết sự việc đúng đắn bằng nguyên tắc, lý trí, mà còn cần phải xử sự có tình, có nghĩa, những cái nào cần phê bình, rút kinh nghiệm, những cái nào đến mức phải xử lý kỷ luật thì xử lý, chứ làm lãnh đạo không được “ghim gút”, không được “ác cảm” với bất kỳ ai. Đây cũng chính là vấn đề đạo đức của người cách mạng mà Bác Hồ luôn luôn nhắc nhở, dạy bảo, cho nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thực hiện cho bằng được.

Tháng 1 năm 2022, khi Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đến Bàu Mây trân trọng trao tặng vị lão thành cách mạng Tô Văn Ri huy hiệu cao quý của Đảng nhân dịp 75 năm tuổi Đảng, ông hết sức xúc động bày tỏ tâm huyết của mình để thiết thực đóng góp xây dựng Đảng.

Người thanh niên cuối cùng trong danh sách 27 “Nghĩa sĩ Rừng Rong” đã mãi mãi ra đi, nhưng những lời dạy về nhiệm vụ xây dựng Đảng vẫn còn nguyên giá trị.

Theo ông, hiện nay, đội ngũ cán bộ có trí tuệ, bản lĩnh, tư duy và kinh nghiệm, nhưng trong công tác luôn phải nhớ là không nên chủ quan, tự mãn, theo ông, thế hệ trẻ bây giờ phải luôn cố gắng và quan trọng nhất phải giữ gìn được phẩm chất đạo đức cách mạng, tránh xa và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, vì hiện nay, tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nhiều và đó là điều khó khăn nhất đối với mỗi đảng viên, tổ chức Đảng.

Và muốn làm được những điều đó, theo ông, người cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhấn mạnh, con người có tài mà không có đức thì vô dụng, làm việc gì cũng khó.

Và một điều mà ông quan tâm và gửi gắm đến thế hệ cán bộ kế cận đó là phải luôn luôn đi đôi xây và chống, trong đó lấy xây làm chính. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sáng, có tâm, có tầm vì nhiệm vụ chung, để lãnh đạo đất nước, quê hương ngày càng phát triển.

Dịp này, ông Phạm Hùng Thái đặc biệt trân trọng ghi nhận những công lao đóng góp của vị đảng viên lão thành. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, những công lao đóng góp và sự hy sinh cống hiến, đặc biệt là những góp ý tâm huyết, chân tình của người đảng viên kiên trung, lão thành về công tác xây dựng Đảng.

Thay mặt thế hệ lãnh đạo tiếp theo, ông xin tiếp thu, bày tỏ lòng cảm ơn và sẽ biến thành những hành động cụ thể để xây dựng nội bộ đoàn kết thống nhất, đội ngũ cán bộ có đức, có tài, tâm huyết cùng tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lãnh đạo tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Có ngờ đâu, lời tiếp thu, bày tỏ ấy giờ đây đã trở thành lời hứa hẹn trước anh linh một bậc tiền bối đáng kính đã vĩnh biệt chúng ta.

Nguyễn Tấn Hùng - Đặng Tố Tuấn

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục