BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gặp gỡ Đại tá Lê Mạnh Hùng- nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 198

Cập nhật ngày: 30/04/2015 - 03:13

Chưa từng gặp mặt, chỉ biết anh qua ảnh chụp nhưng nhìn người đàn ông tầm thước, khỏe mạnh, dáng nhanh nhẹn đứng trước căn nhà, tôi nhận ngay ra anh, người chiến sĩ Lê Mạnh Hùng (sinh năm 1949 tại xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), từng là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 198.

Bố của anh là cụ Lê Văn Dói, tham gia Đảng Lao động Việt Nam từ hồi 1945 và hoạt động cách mạng chung với cụ Vũ Ngọc Nhạ (còn có tên là Lê Quang Kép).

Quê anh là địa phương chuyên sản xuất lúa và hoa màu, nhưng khi vừa học xong cấp 2 anh lại đi học Trung cấp nghề tại Hà Nội, chuyên về cơ điện. Mấy năm học nghề, chàng thanh niên Mạnh Hùng đã thành thạo trong việc sử dụng các loại máy tiện, phay, bào… Tháng 7.1968, khi chuẩn bị tốt nghiệp, anh lại đăng ký nhập ngũ và vào thẳng đơn vị đặc công, được đào tạo nghiệp vụ chiến đấu tại Tiểu đoàn 12 và tốt nghiệp đầu tháng 5.1969.

Ngày 12.5.1969, tiểu đoàn Đặc công 20 được thành lập, tiểu đoàn này đón nhận chiến sĩ mới đào tạo từ tiểu đoàn 12 về. Ngày 30.6.1969, Tiểu đoàn tổ chức lễ công bố quyết định thành lập ra quân huấn luyện và phát động phong trào thi đua học tập rèn luyện tốt, sẵn sàng nhận nhiệm vụ chiến đấu bất kỳ thời gian nào và bất kỳ chiến trường nào.

Cuối tháng 1.1970, đơn vị được lệnh tham gia chiến đấu trên chiến trường nước bạn Lào. Đầu tháng 2, tiểu đoàn hành quân sang thượng Lào tham gia chiến dịch 139 giải phóng Cánh Đồng Chum- Xiêng Khoảng. Đầu tháng 3.1970, đơn vị được giao nhiệm vụ luồn sâu đánh chiếm các mục tiêu ở tuyến trong. Ngày 5.3.1970, đơn vị đánh chiếm đồi Không Tên, tiếp sau là đánh cứ điểm Vành Khăn.

Giữa tháng 3, trên đường tháo chạy về Mường Phìn, quân địch phải dừng lại ở Phu Hồng Sinh để chuẩn bị vượt sông Nậm Ngừm. Đêm 20.3, anh Hùng (lúc đó là cán bộ trung đội) thuộc đại đội 3 do đồng chí Mão, đại đội trưởng chỉ huy bí mật tập kích, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch gồm toàn bộ ban chỉ huy và 106 lính địch.

Tác giả chụp hình lưu niệm với đại tá Lê Mạnh Hùng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công bộ 198.

Chiến dịch 139 kết thúc thắng lợi, tiểu đoàn được lệnh rút về hậu phương làm nhiệm vụ tổng kết, huấn luyện bổ sung. Đầu tháng 6.1970, đơn vị về tới Nghệ An, đóng quân tại xã Diễn Bình, huyện Diễn Châu.

Tháng 2.1971, anh cùng tiểu đoàn tham gia chiến dịch đường Chín- Nam Lào, đánh bại cuộc hành quân””Lam Sơn 719” của quân chủ lực Sài Gòn. Tiểu đoàn 20 tác chiến ở khu vực Savanakhet. Giai đoạn này tiểu đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Nam Lào, tiểu đoàn được điều động vào chiến trường Tây Nguyên, mang tên tiểu đoàn 20b.

Năm 1972, anh Hùng được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó. Sau Hiệp định Paris, tiểu đoàn chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng và hành lang chiến lược của ta ở Đắk Lắk.

Tháng 5.1974, tiểu đoàn tham gia đánh chiếm căn cứ Ea Sup, góp phần tiêu diệt gọn Liên đoàn bảo an số 211. Ngày 19.8.1974, tiểu đoàn biên chế về Trung đoàn 198 Đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Tây Nguyên. Ngày 10.3.1975, anh Hùng chỉ huy đại đội 2 đánh chiếm kho đạn Mai Hắc Đế, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của anh Hùng cùng Trung đoàn 198 nhận nhiệm vụ đánh chiếm Cầu Bông, Cầu Sáng và thành Quan Năm (Hóc Môn), mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới, tháng 9.1975 Bộ Quốc phòng ra quyết định điều động Trung đoàn 198 về trực thuộc Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không- Không quân, làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất.  

Do yêu cầu xây dựng đất nước va tình hình thực tiễn, giữa năm 1976, quân đội ta thực hiện chủ trương giảm quân số thường trực, nhiều đơn vị chủ lực của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng giải thể, rút gọn hoặc thuyên chuyển nhiệm vụ.

Trong bối cảnh đó Trung đoàn 198 cũng có sự thay đổi. Trung đoàn đặc công 198 thành một tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn Không quân 372. Thời gian này, Tiểu đoàn vẫn đóng quân ở sân bay Tân Sơn Nhất làm nhiệm vụ cơ động của Bộ, bảo vệ sân bay ở phía Nam. Anh Hùng lúc này vẫn là Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 198.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam mới giành được thắng lợi, bọn phản động Pôn Pốt cầm quyền ở Campuchia thực hiện ngay chính sách thù địch chống Việt Nam. Từ năm 1975 đến giữa năm 1977, quân Pôn Pốt đã xâm phạm lãnh thổ Việt Nam nhiều lần từ Hà Tiên đến Tây Ninh và các đảo Phú Quốc, Thổ Chu.

Ngày 30.4.1977, chúng huy động nhiều sư đoàn mở các cuộc tấn công lấn chiếm trên tuyến biên giới nước ta huộc các tỉnh An Giang, Tây Ninh. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt, quân dân ta kiên quyết đấu tranh trừng trị để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bộ đội Đặc công là một lực lượng tham gia chiến đấu từ rất sớm.

Ngày 27.9.1977, Tổng Tham mưu trưởng quyết định điều động Tiểu đoàn 198, do anh Lê Mạnh Hùng làm tiểu đoàn trưởng, từ Sư đoàn Không quân 372 về trực thuộc Quân đoàn 3, đóng quân ở động Bà Thìn. Tháng 2.1978, tiểu đoàn tham gia đánh địch lấn chiếm ở Xa Mát, Thiện Ngôn thuộc huyện Tân Biên tỉnh Tây Ninh. Sau đợt hoạt động trên, Tiểu đoàn về đóng quân tại suối Mây, làm nhiệm vụ đánh địch vùng đông bắc Xa Mát.

Tháng 8.1978, ở tất cả các quân khu đã tổ chức lại Phòng Đặc công. Các Quân khu từ Quân khu I đến Quân khu 9 đều thành lập tiểu đoàn hoặc Trung đoàn Đặc công. Ở Bộ Tư lệnh Binh chủng, nhiều đơn vị được khôi phục và thành lập mới.

Ngày 1.8.1978, Bộ Quốc phòng ra quyết định số 464/QĐ-QP khôi phục Trung đoàn Đặc công 198 làm nhiệm vụ cơ động, tác chiến trên các chiến trường. Lực lượng ban đầu của Trung đoàn có 3 tiểu đoàn (35, 46 và 47), 4 đại đội (hỏa lực, trinh sát, thông tin, quân y) và 3 cơ quan (tham mưu, chính trị, hậu cần). Thời gian sau, Trung đoàn 198 còn đổi tên thành Đoàn 429, Đoàn 394…

Sau một thời gian được cử đi làm cố vấn quân sự ở Campuchia về, năm 1994 anh Hùng được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn 394. Anh đề nghị Bộ Quốc phòng trả lại tên cũ cho Đoàn.

Năm đó, Bộ quyết định Đoàn mang tên “Trung đoàn Đặc công 198” (Năm 2013, Bộ Quốc phòng quyết định đổi tên thành “Lữ đoàn Đặc công bộ 198”). Anh làm Trung đoàn trưởng 198 trong thời gian 10 năm thì nghỉ hưu theo chế độ.

Khi xin phép chụp hình chân dung, anh mặc bộ quân phục mới, trên áo gắn hàng chục huân chương, huy chương, trong đó có 7 huân chương Chiến công. Anh giới thiệu: Một Huân chương chiến công hạng nhất là trận anh dẫn cả tiểu đoàn cứu Hoàng thân Sihanouk trong cung ở Phnompenh (Campuchia);

Một Huân chương chiến công hạng nhì ở Tây Nguyên; một cái ở Lào; ba Huân chương hạng ba thì một cái ở Tây Ninh, một cái ở An Giang và một ở Tây Nguyên; một Huân chương của Liên Xô tặng khi anh theo học lớp đào tạo sĩ quan Quân báo ở Maxcơva…

Được gặp người chỉ huy lực lượng đặc công năm nào, nay tuổi đã cao nhưng vẫn khỏe mạnh, dung dị, có lối sống chan hòa thật dễ chịu, tôi càng thấy cảm mến anh hơn, đặc biệt, khi biết anh đang dành toàn bộ thời gian hưu trí của mình cho công tác nghiên cứu về khoa học, lịch sử và tâm linh, với ước nguyện sẽ sớm viết thành sách để chia sẻ cùng cộng đồng…

Võ Văn Cường