Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Chiến thắng Tua Hai đã diễn ra cách nay 55 năm (26.1.1960- 26.1.2015). Nhiều người tham gia trận đánh lịch sử ấy đã trở thành người thiên cổ, chỉ một số ít người còn sống đến ngày nay. Đối với những nhân chứng sống này, trận thắng Tua Hai là một kỷ niệm đậm đà, không thể nào quên.
|
Một trong những nhân chứng hiếm hoi trong trận thắng Tua Hai đến nay còn sống là ông Phạm Việt Ngữ (90 tuổi, ngụ khu phố 4, phường IV, TP Tây Ninh). Mặc dù đã cao niên nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Nhắc đến những ngày diễn ra trận đánh Tua Hai, đôi mắt ông Ngữ sáng lên, ký ức về một trận đánh lịch sử như ùa về. Ông ngữ kể lúc đó ông làm Bí thư Huyện uỷ Châu Thành. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, Mỹ hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm. Mỹ- Diệm phá hoại Hiệp định Genève, công khai đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, treo giải thưởng cho ai giết được cán bộ của ta. Trước tình hình đó, hoạt động của Ban Binh vận huyện Châu Thành gặp nhiều khó khăn, cơ sở binh vận bị thiệt hại nặng, một số đồng chí bị bắt, tù đày.
Rút kinh nghiệm, Ban Binh vận Châu Thành đề ra biện pháp, phương pháp và nguyên tắc trong công tác binh vận là: bảo đảm bí mật an toàn cho cơ sở, vị trí mật giao, nội tuyến để mai phục, chờ thời cơ. Thành Tua Hai lúc bấy giờ mang tên thành Lam Sơn, là nơi trú đóng của Trung đoàn 39, thuộc Sư đoàn 13 nguỵ. Trong thành có một kho vũ khí lớn. Đối tượng được vận động trước tiên là thanh niên nam, nữ trong gia đình binh sĩ, quần chúng tốt ở xung quanh thành Lam Sơn. Một số cán bộ vị trí, mật giao, tự tạo ra vỏ bọc hợp pháp như mở tiệm may, làm ruộng rẫy ở ấp Tua Hai. Tháng 3.1958, đồng chí Võ Đức Tỏ- cán bộ mật giao ở tiệm may trước cổng thành Lam Sơn cùng một đồng chí khác thành lập được ba sơ sở nội tuyến trong thành, gồm các đồng chí Nguyễn Kúc, Lê Cơ, Lê Uy, do đồng chí Nguyễn Kúc là tổ trưởng. Các cơ sở nội tuyến lãnh đạo các phong trào đấu tranh trong thành như chống luyện tập, đôn quân, gây mất trật tự trong quân ngũ, đấu tranh đòi cải thiện đời sống, gây tâm lý bi quan trong nội bộ địch... và cung cấp cho ta nhiều tin tức quan trọng.
Tháng 8 năm 1959, trước sự kiện Trung đoàn 39, Sư đoàn 13 có nhiều cơ sở nội tuyến của ta, địch hốt hoảng và giải tán Sư đoàn 13. Chúng điều Sư đoàn 21 từ miền Tây về Tây Ninh, bố trí Trung đoàn 32 đóng ở ấp Tua Hai và đổi tên Lam Sơn thành Nguyễn Thái Học. Trong Trung đoàn 32 có bốn cơ sở nội tuyến được Ban Binh vận Miền giới thiệu cho Tây Ninh. Cán bộ vị trí của ta nắm được bốn cơ sở này. Cuối năm 1959, nội tuyến phát triển thêm ba cơ sở mới.
Đầu năm 1960, Tỉnh uỷ Tây Ninh ra lệnh cho các cơ sở nội tuyến khéo léo vận động đông đảo lính Trung đoàn 32 và các cơ sở nội tuyến về quê ăn tết, để chuẩn bị cho lực lượng vũ trang của ta tiêu diệt thành Nguyễn Thái Học. Sau khi cung cấp đầy đủ tình hình và sơ đồ của thành, các cơ sở nội tuyến và gần 400 binh sĩ về quê ăn Tết Nguyên Đán.
Đúng 0 giờ 30 phút, ngày 26.1.1960, quân ta từ ba hướng Bắc, Đông, Nam bí mật áp sát địch, bất ngờ tấn công vào mục tiêu chủ yếu là Sở chỉ huy Trung đoàn 32, làm rối loạn chỉ huy. Chỉ trong 3 giờ, quân ta đã làm chủ căn cứ, tiêu diệt sở chỉ huy, đánh thiệt hại và làm tan rã 5 tiểu đoàn địch; bắt giáo dục, thả tại chỗ 500 tù binh; thu giữ hơn 1.500 khẩu súng các loại, nhiều đạn dược, phá huỷ nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh.
Ông Ngữ hào hứng kể tiếp, do ông không trực tiếp tham gia trận đánh, nhưng sau khi thắng trận ông có mặt và cũng tham gia khuân vác vũ khí, đạn dược về căn cứ Huyện uỷ Châu Thành (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành). “Lúc tôi vô thấy quân lính bị bắt nằm đầy trên sân. Tôi cùng anh em lấy vũ khí. Có người bó đến 11 khẩu súng carbin vác về. Tôi sức khoẻ không tốt nên chỉ vác ba khẩu, tay xách một thùng đạn và đeo bảy tám trái lựu đạn quanh bụng. Đi bộ đường xa, mấy trái lựu đạn đánh vào hông bầm tím. Nhờ có số vũ khí này mà sau đó quân ta tiếp tục đánh thắng giặc ở nhiều nơi trong tỉnh”, ông Ngữ nhớ lại.
Thời gian sau này, nhiều lần ông Ngữ trở về thăm căn cứ Tua Hai, ông cho biết thêm: “Tôi rất mừng vì thấy ngày nay căn cứ Tua Hai đã được xây dựng thành khu di tích lịch sử khá quy mô, xứng đáng với ý nghĩa lịch sử là nơi đầu tiên nổ ra trận đồng khởi vũ trang của miền Nam”.
Từ chiến thắng Tua Hai này, quân và dân Tây Ninh kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang và binh vận đã gỡ được 30 đồn bốt địch- chiếm tỷ lệ 50% đồn bót trong tỉnh, giải phóng hoàn toàn 24 xã, giải phóng về cơ bản 19 xã trong tổng số 49 xã của tỉnh. Tề và dân vệ xã, ấp của địch tan rã trên 70%. Kết quả này đã tạo nên một vùng giải phóng rộng lớn, xã liền xã, huyện liền huyện; hành lang từ vùng căn cứ Bắc Tây Ninh nối xuống đồng bằng sông Cửu Long, nối các tỉnh miền Đông với căn cứ vùng Đông Bắc Sài Gòn, với Sài Gòn-Gia Định và miền Đông Campuchia được mở rộng, tạo thế liên hoàn cần thiết cho một vùng căn cứ đầu não.
55 năm trôi qua nhưng trận đánh Tua Hai vẫn còn in đậm dấu ấn lịch sử. Chiến thắng đó đã mở đường cho quân dân Tây Ninh và các tỉnh miền Đông kết hợp nổi dậy và tiến công, góp phần to lớn trong việc tạo ra thế mới và lực mới để quân dân miền Nam tiếp tục giữ vững và phát triển thế tiến công chiến lược. Chiến thắng Tua Hai và phong trào Đồng Khởi là thực tế sinh động, hình thành phương châm đấu tranh “hai chân- ba mũi” độc đáo của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiến thắng Tua Hai mãi mãi là dấu son chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.
Đại Dương - Thái Hoà