Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỷ niệm 64 năm Ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ:
Gặp gỡ những chiến sĩ Ðiện Biên ở Tây Ninh
Thứ hai: 05:53 ngày 07/05/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðã 64 năm trôi qua, kể từ khi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu (7.5.1954 - 7.5.2018), những chiến sĩ Ðiện Biên năm xưa giờ đã trở thành ông cụ hơn 90 tuổi. Thế nhưng, khi nhắc đến sự kiện này, các cụ đều phấn chấn hẳn lên, như trở lại một thời oanh liệt.

Vợ chồng cụ Tế luôn vui vẻ bên nhau. Ảnh: Ðại Dương

Ở huyện Châu Thành có hai chiến sĩ từng tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ, hiện đều ở vào tuổi gần đất xa trời, sức khoẻ rất yếu, đi đứng khó khăn. Người thứ nhất là ông Trịnh Xuân Tế- 96 tuổi (sinh năm 1922), hiện ngụ ấp Bình Long, xã Thái Bình.

Sáng 5.5, khi chúng tôi đến thăm, vợ ông- bà Nguyễn Thị Gậy, 94 tuổi, chậm chạp từng bước ra mở cổng. Trong nhà, ông Tế nằm trên giường, thỉnh thoảng lên cơn ho sù sụ. Mặc dù sức khoẻ không được tốt lắm, nhưng khi nghe nhắc đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, gương mặt ông cụ trở nên sáng bừng lên.

Không khí hừng hực của một thời đánh Pháp bỗng như ùa về trong ký ức. Ông Tế kể, quê của hai vợ chồng ông đều ở tỉnh Hà Nam. Khi diễn ra Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ông và 11 trai tráng trong làng gánh gạo đưa ra chiến trường để nuôi quân.

“Mùng 6 tháng Giêng năm 1945, chúng tôi bắt đầu lên đường gánh gạo”- ông Tế nhớ rõ. Lúc đó, ông và nhiều trai làng khác nhận gạo từ một kho chứa, để vào hai thúng, trên vai lót tay nải cho đỡ đau, một tay cầm chiếc gậy và bắt đầu gánh. Ban ngày, tất cả dân công gánh gạo đều ẩn nấp trong rừng núi, để quân địch không phát hiện.

Ban đêm, bắt đầu từ 7 giờ, mọi người âm thầm gánh đi. Ðến một kho gạo mới, đổ gạo vào đó rồi lại trở về kho gạo cũ nghỉ ngơi, chờ đêm xuống, lại tiếp tục hành quân. “Cứ như thế, chúng tôi tốn hết 3 tháng mới dời hết kho gạo lên thị trấn Hoà Bình. Sau đó, mất thêm 3 tháng nữa mới dời xong kho gạo từ thị trấn Hoà Bình đến Ðiện Biên”.

Theo lời ông kể, công việc vận chuyển gạo vất vả vô cùng. Có đoạn đường rất khó đi, đơn vị của ông đặt tên là dốc Lê Chôn. Khi gánh gạo đi ngang nơi này phải lần mò nhích từng chút một, nếu sơ suất là trượt chân ngã xuống hố sâu, vực thẳm. Ông Tế kể thêm, thời điểm đó, tiêu chuẩn đưa ra mỗi người gánh 18kg. Lúc đó, đương trai tráng nên ông nhận gánh một lúc 3 suất, tương đương với 54kg.

Vợ chồng ông có 6 người con. Năm 1987, gia đình ông vào Tây Ninh sinh sống. Mặc dù cuộc sống khó khăn, nhưng vợ chồng ông đều nuôi các con ăn học nên người. Ðến nay, hầu hết những người con của vợ chồng ông đều công tác trong cơ quan Nhà nước với nhiều ngành nghề và có người đã nghỉ hưu.

Hiện tại, vợ chồng ông sống trong căn nhà của người con trai cả - đang công tác ở TP. Hồ Chí Minh, khoảng 1-2 tuần, mới về thăm ông bà một lần. Hai người con gái kế có gia đình ở gần trong xóm. Hằng ngày, các cô con gái này đều đến nấu cơm, nấu nước và chăm sóc cho hai ông bà.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, ông nhiều lần trở về thăm chiến trường xưa. Những năm gần đây, tuổi cao sức yếu, vợ chồng ông không còn trở về thăm nơi đã từng gánh gạo nuôi quân được nữa. 

Chia tay vợ chồng ông Tế, chúng tôi qua phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông, tìm đến gia đình ông Ðinh Xuân Tần, ở ấp Long Ðại, xã Long Vĩnh. Ông Tần năm nay cũng đã bước vào tuổi 94 (sinh năm 1924), đi đứng chậm chạp và bị lảng tai khá nặng. Muốn chuyện trò với ông phải kê sát vào lỗ tai nói lớn giọng ông mới nghe được.

Thế nhưng, khi nghe chúng tôi hỏi, ông cười bảo: “Ðiện Biên Phủ nay đã lên thành phố rồi”. Ông còn kể thêm nhiều câu chuyện nữa, nhưng giọng ông thều thào khó nghe rõ được. Chị Trần Thị Lịch, 51 tuổi- người dâu cả của ông Tần- kể lại, quê ông ở Hà Tĩnh, ông từng tham gia chiến đấu trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Vợ chồng chị vào Tây Ninh lập nghiệp từ năm 1999. Ðến năm 2010, gia đình chị mới về quê đón ông Tần và hai người em vào Tây Ninh sinh sống. Hiện tại, ông sống chung với gia đình chị Lịch và đã được trao tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng.

Cụ Tần và Quyết định tặng Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng. Ảnh: Ðại Dương

“Trước đây, sức khoẻ ông cụ còn tốt. Buổi sáng, ông thường tập thể dục bằng cách quét sân. Buổi tối, ông tự mắc chăn màn để ngủ. Từ sau Tết 2018 đến nay, sức khoẻ ông yếu dần nên không còn quét lá, giăng màn được nữa. Tuy nhiên, mỗi buổi ông vẫn ăn được một bát cơm, một bát canh và uống sữa”- chị Lịch chia sẻ.

Vợ chồng chị Lịch có gần 2 ha đất nông nghiệp đang trồng lúa và hơn 1 ha đất vườn trông cao su, mít và một số loại cây ăn trái khác. Thu nhập từ những phần đất nông nghiệp này giúp cho gia đình chị Lịch có cuộc sống ổn định, để chăm lo cho cụ Tần đầy đủ.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục