Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gặp lại chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang lịch sử
Thứ bảy: 05:58 ngày 01/09/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hà Nội có ngôi nhà mà giờ đây đã trở thành di tích lịch sử thiêng liêng của dân tộc. Tại đây, Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân ta đã viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Năm tháng trôi qua, căn nhà đó vẫn trường tồn cùng những trang sử vẻ vang của non sông đất nước, còn người chủ căn nhà giờ đã ở vào tuổi 99, song trời vẫn phú cho bà sự minh mẫn. Bà là Hoàng Thị Minh Hồ (nhiều người vẫn quen gọi bà Bô), chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội.

Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi, bà không cầm được nước mắt: “Những ngày tháng ấy sao mà thiêng liêng, cao quý đến thế. Dù biết rằng, cuộc sống còn nhiều gập ghềnh, mỗi người đều sinh ra và trở về với cát bụi, quy luật ấy muôn đời nay chưa ai cưỡng lại được. Nhưng những điều mình cống hiến cho cuộc sống, cho cách mạng còn để lại tiếng thơm muôn đời. Tôi nghĩ, đó cũng là thời gian hạnh phúc nhất đời mình. Có độc lập là có tất cả, tôi đã làm hết sức mình vì điều đó.”

Rồi bà lại trầm tư kể, tháng Tám năm 1945, bấy giờ nhân dân mất mùa, đói kém trầm trọng. Người chết đói đầy đường, người ăn xin không đếm xuể. Một củ khoai, củ sắn giúp đỡ cách mạng lúc này cũng đều quý hơn bao giờ hết.

Vợ chồng ông Trịnh Văn Bô, bà Hoàng Thị Minh Hồ thời trẻ.

Một chiều cuối tháng Tám năm đó, đồng chí Trường Chinh đến tìm gặp vợ chồng bà và thông báo: “Anh chị thu xếp cho một phòng để chiều tối ta đón một ông cụ ở dưới quê lên.” Mới nghe vậy, hai vợ chồng bà liền thu dọn đồ đạc, lau sạch sẽ một căn phòng ở tầng ba và chờ đợi đến tối xem “ông cụ dưới quê” là ai. Đúng 6 giờ chiều ngày hôm ấy, đồng chí Trường Chinh về, đi cùng có ba người khách. Bà chỉ được biết hai trong ba người đó là đồng chí Trần Đăng Ninh và đồng chí Lan Sơn. Riêng “ông cụ” thì đồng chí Trường Chinh chỉ nói vẻn vẹn một câu “ở dưới quê”. Bà Hồ nhớ rất rõ, hôm đó “ông cụ” mặc áo sơ mi, quần soóc nâu, đội mũ can bạc, chân đi dép có in hình con hổ màu trắng. Ông cụ cao gầy, trán cao, gương mặt sạm nắng, nhưng dáng đi nhanh nhẹn và đặc biệt có đôi mắt rất sáng.

Ngày ấy, gia đình ông bà Bô làm nghề buôn bán vải lụa, có hẳn cả đại lý lớn kinh doanh (KD) bông, vải, sợi. Ngôi nhà 48 Hàng Ngang do vợ chồng ông bà Bô tiến hành mua đất từ năm 1942, khi xây dựng xong, cửa hàng này được đánh giá là một trong những đại lý hàng lớn nhất miền Bắc thời đó với giá trị trên 600 cây vàng. Vì vậy, khách hàng trong và ngoài nước đến Việt Nam làm ăn, buôn bán đều biết đến. Từ khi có các đồng chí trong Trung ương Đảng đến ở, vợ chồng ông bà Bô vẫn sử dụng tầng một để bán hàng cho khách, chủ yếu là người dân Hà Nội và một số dân buôn từ các tỉnh.

Cho đến một hôm, có ba ông khách người Mỹ đến nhà. Bà Bô nhận ra một người tên là Patti, ông ta nói tiếng Việt khá sành. Bà vội báo tin cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang làm việc ở Bắc Bộ Phủ. Khi nhận được ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp, bà giơ 10 ngón tay ra hiệu cho các vị khách (ý nói đợi đến 10 giờ) và đề nghị họ ngồi chờ. Đúng hẹn, đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Bắc Bộ Phủ về, dẫn các vị khách lên tầng ba gặp “ông cụ”. Sau này bà hiểu rằng, “ông cụ” nói tiếng Anh, tiếng Pháp rất sành, chẳng mấy khi sử dụng người thông ngôn. Trong buổi nói chuyện hôm đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp có kể lại khi đang đọc một tờ bản thảo viết tay của “ông cụ”, bất ngờ Patti quay sang nói: “Hình như tôi đã đọc được những dòng này ở đâu đó?”. “Ông cụ” điềm đạm trả lời: “Đó là những điều mà bản Tuyên ngôn Nhân quyền bất hủ của đất nước các bạn đã ghi”.

Kể về điều này, bà Bô xúc động: “Sau này tôi mới biết, bản thảo nói trên là “Tuyên ngôn Độc lập” và “ông cụ” ở trên gác ba là Bác Hồ kính yêu. Bác đã trích dẫn logic một đoạn trong Tuyên ngôn Nhân quyền của nước Mỹ làm luận chứng vấn đề nhân quyền các nước trên thế giới cũng như Việt Nam”.

Thấm thoắt đã đến những ngày cuối của tháng Tám, đồng chí Trường Chinh cho biết, ngày 2/9 tới sẽ chính thức làm lễ Độc lập tại Ba Đình. Nghe đồng chí Trường Chinh nói, vợ chồng bà Bô phân vân là đến thời điểm này, các đồng chí trong Trung ương Đảng chưa ai có bộ quần áo nào tươm tất cả. Gia đình bà kinh doanh vải sợi, lại thuận tiện trong việc may đo nên bà Bô có nhã ý may mỗi người vài bộ quần áo chuẩn bị ngày lễ Độc lập. Riêng Bác Hồ mặc bộ ka ky màu vàng, màu quần áo Bác thường yêu thích. Hàng ngày, để bồi dưỡng sức khỏe cho các đồng chí, bà lo liệu cơm nước chu đáo, đến đặt cơm ở các hiệu nổi tiếng. Những buổi họp khuya, bà chủ động nấu cháo sẵn, đợi lúc các đồng chí nghỉ ngơi thì bưng vào.

Những ngày tháng ấy thật thiêng liêng. Sau này gặp lại, đồng chí Lê Đức Thọ nói với vợ chồng bà rằng: “Những bữa ăn ngon nhất trong đời là ở nhà bác Bô. Có bát cháo, bát cơm ngon miệng trong bối cảnh đó đâu có dễ dàng gì”. Sau khi ở trên gác ba được hai ngày, Bác đề nghị bà thu xếp một phòng ở tầng hai. Bác nói ở trên đó buồn, muốn xuống ở cùng với anh em cho ấm cúng. Từ đó, căn phòng làm việc ở gác hai luôn đỏ đèn rất khuya.

Ngày Lễ tuyên bố độc lập 2/9 đã đến, bà thức dậy từ lúc rạng sáng chuẩn bị cơm nước cho Bác và các đồng chí Trung ương Đảng. Hôm ấy, vườn hoa Ba Đình rực rỡ cờ và hoa. Nắng thu vàng, trời thu cao xanh ngắt. Người người nô nức đổ về vườn hoa Ba Đình. Giây phút ấy sao mà thiêng liêng. Bà Bô xúc động nhớ lại hình ảnh: “Trên đài cao, Bác Hồ sang sảng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”. Hạnh phúc, sung sướng vô cùng. Trong niềm xúc động khôn tả, tôi lại nghĩ đến hình ảnh Bác những đêm không ngủ đăm chiêu bên ngọn đèn dầu ngồi thảo bản Tuyên ngôn. Tôi đâu có ngờ, ông cụ dáng cao gầy mà đêm đêm chong đèn thức đánh máy trong căn phòng tầng hai nhà mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bà nói thêm: “Tôi cũng không ngờ bản Tuyên ngôn bất hủ được thế giới biết đến, bản Tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc lại được ra đời trong những ngày sống đơn sơ và giản dị ở căn nhà này. Tự nhiên tôi thấy xúc động vô cùng, hạnh phúc quá, bất ngờ quá. Và tôi đã khóc. Tôi đã khóc trước giờ phút thiêng liêng ấy”.

Bác Hồ ở tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang đến 27/9/1945, một số đồng chí khác thì lâu hơn (đồng chí Võ Nguyên Giáp ở đến cuối năm 1945, đồng chí Nguyễn Khánh Toàn ở đến cuối năm 1946). 7 giờ sáng 30 Tết năm 1946, Bác cùng đồng chí Khuất Duy Tiến đến chúc Tết gia đình bà Bô. Bác lên thăm lại phòng ở trước đây của mình, thăm chiếc bàn làm việc, nơi đặt bàn máy chữ.

Sau Tổng khởi nghĩa, bà ủng hộ 20 vạn đồng Đông Dương, trị giá 500 cây vàng. Cách mạng thành công. Khi quân Tưởng tràn vào miền Bắc nước ta, bà ủng hộ hàng trăm lạng vàng để Bác thương lượng, hòa hoãn với chúng. Khi Bác Hồ phát động “Tuần lễ vàng”, gia đình bà ủng hộ 117 lạng. Ngoài ra, bà thường xuyên đến các gia đình đồng nghiệp vận động họ ủng hộ tiền, vàng.

Kể về sự giúp đỡ nhiệt tâm này, bà Bô khẳng định: “Làm sao quên những gia đình tư sản yêu nước, gia đình tiểu tư sản cùng nhau gom góp tiền vàng mà chẳng một chút nề hà, làm sao quên những người dân nghèo thành thị, những gia đình trong cơn thiếu đói vẫn chắt chiu từng nắm gạo bỏ vào “hũ gạo tiết kiệm”. Trong đêm kết thúc “Tuần lễ vàng”, bà đã không ngần ngại bỏ tiền mua đấu giá bức ảnh Bác Hồ với giá 1 triệu 58 vạn đồng Đông Dương. Với tình cảm của một người dân đối với Bác, bà đã quyết tâm mua và tặng Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội. Với những đóng góp nói trên, Nhà nước đã trao tặng hai vợ chồng bà mỗi người một Huân chương Độc lập hạng Nhất.   

Theo Lưu Vinh – Phan Đăng (SK&ĐS)

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục