Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng 30-4
Gặp lại chứng nhân sự kiện 11 thầy cô giáo bị sát hại ở Tân Biên: Đôi điều cần nói lại cho đúng
Chủ nhật: 10:27 ngày 28/11/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đã 33 năm trôi qua, thân xác các thầy cô giáo đã tan vào đất, linh hồn đã phiêu diêu ở cõi vô thường nhưng trong tôi, cái chết của họ- những người “mãi mãi tuổi hai mươi” vẫn ám ảnh không nguôi.

Nằm cạnh quốc lộ 22B, cách cửa khẩu Xa Mát chừng 4-5 cây số, giữa bạt ngàn xanh của rừng cao su có một nơi mà lúc nào như cũng bảng lảng mùi nhang thơm và phảng phất cái không khí linh thiêng rất lạ. Đó là nơi dựng bia chứng tích ghi lại sự kiện 11 thầy cô giáo bị bọn Pôn Pốt sát hại ở Xa Mát (xã Tân Lập, huyện Tân Biên) vào đêm 24 rạng 25.9.1977.

Đã 33 năm trôi qua, thân xác các thầy cô giáo đã tan vào đất, linh hồn đã phiêu diêu ở cõi vô thường nhưng trong tôi, cái chết của họ- những người “mãi mãi tuổi hai mươi” vẫn ám ảnh không nguôi. Bởi trong số đó có người bạn rất thân của chị tôi, chị Kim Lan và ký ức tôi còn ghi mãi hình ảnh chị: xinh đẹp, nhỏ nhắn, hiền lành. Đau đớn hơn, chị hy sinh chỉ cách ngày cưới của mình không lâu.

Bia chứng tích tại Xa Mát.

Tôi tìm gặp ông Năm Phong (ông Đào Văn Phong- nguyên Chủ tịch UBND huyện Tân Biên đã nghỉ hưu), là một trong những nhân chứng lịch sử có mặt trong cái đêm xảy ra sự kiện bi thương đó. Tiếp tôi trong căn nhà mát cạnh vườn phong lan đang kỳ hoa nở, ông trầm ngâm: “Sau hơn 30 năm, câu chuyện xưa đã chìm vào dĩ vãng, mình không muốn khơi lại vết đau trong lòng thân nhân của những người đã khuất. Nếu còn sống, bây giờ họ cũng đã lên ông lên bà hoặc cũng đã về nghỉ hưu như mình. Diễn biến câu chuyện đã được nhiều người, nhiều lần kể lại, có khi chỉ cần thêm vài tình tiết ly kỳ là trở thành phim. Mình muốn nói với các cậu chuyện khác, những trăn trở riêng của người trong cuộc…”.

Đó là hành trình 2 năm trời của ông Năm Phong (lúc đó ông còn là cán bộ Phòng Giáo dục Tân Biên) với chiếc xe đạp cọc cạch đi về sáu chục cây số trên con đường loang lổ bụi mù để đấu tranh, tìm tấm bằng liệt sĩ cho 11 thầy cô giáo mà ông gọi là đồng đội của mình. Đó là nỗi ray rứt - giá như đừng quá chủ quan, mất cảnh giác khi đưa những thầy cô giáo chân yếu tay mềm không một tấc sắt trong tay, không một chút kiến thức tự vệ trong chiến tranh lên những vùng biên giới nhạy cảm; giá như hôm xảy ra chuyện, một số đồng nghiệp dũng cảm, bình tĩnh hơn thì thương vong sẽ không nhiều như thế. Và đó còn là hình ảnh thê lương của buổi chiều trở lại tìm thi hài của đồng đội… Ngôi nhà tập thể tan hoang, những mảnh vải màn rách toang phất phơ trong gió, từng trang giáo án vương vãi trên nền nhà bên cạnh những lồng đèn ông sao gãy vụn loang màu máu. Những chiếc lồng đèn chưa kịp đến tay các em nhỏ trong đêm trung thu gần kề và những thân thể đồng đội có người không còn vẹn nguyên…

Câu chuyện ông kể vẫn còn miên man như cuộn phim dĩ vãng sinh động, bi thương quay chậm. Nhưng thôi, như đã hứa với ông, tôi sẽ không gợi lại những chi tiết đau lòng đã xảy ra.

Bây giờ, giữa một vùng xanh mượt cao su khép tán, nơi anh chị nằm là một góc nhỏ bình yên trong chiều biên giới xám màu mây. Bia chứng tích rêu phong thời gian vẫn ấm áp nhờ bàn tay chăm sóc của các em học sinh Trường THCS Tân Lập. Chuyện xây dựng bia cũng rất lạ. Năm 1998, theo ý nguyện của người dân xã Tân Lập và đề nghị của Phòng Văn hoá Thông tin (VHTT) huyện Tân Biên, Sở VHTT (tên gọi cũ) chấp thuận cho xây dựng bia chứng tích tại địa điểm xảy ra cuộc thảm sát. Hơn 20 năm trôi qua với nhiều biến động, không ai còn nhớ chính xác vị trí ngôi trường khi xưa. Nhưng thật kỳ lạ, ngày đi tìm lại nền cũ của ngôi trường, chiếc xe chở các vị lãnh đạo huyện và các cán bộ Sở VHTT, Bảo tàng tỉnh dừng lại đúng ngay vị trí xây bia bây giờ. Sau một lúc tìm kiếm, chính ông Năm Phong đã lần ra được cái giếng nơi có 7 thầy cô đã hy sinh. Đó là cái giếng cạn um tùm cỏ dại. Được biết, khoảng đất này nằm trong quy hoạch trồng cao su của Nông trường Cao su Xa Mát. Nghe kể lại- không biết có phải ngẫu nhiên không mà khi máy khai hoang ủi đến đây là bị trục trặc, hư hỏng hoặc chết máy và khi trồng cao su thì chẳng cây nào sống được. Chưa có lời giải thích nào cho câu chuyện nhuốm màu tâm linh ấy nhưng cuối cùng, qua tìm hiểu những người dân sống xung quanh vùng, đơn vị khai hoang đã chừa lại khoảng đất ấy.

Cái giếng nơi 7 thầy cô hy sinh.

Sau gần một năm xây dựng, bia được khánh thành năm 1999. Tuy nhiên, theo ông Đào Văn Phong, có 2 chi tiết chưa đúng cần chỉnh sửa: Một, tên của ngôi trường là Tân Thạnh chứ không phải Tân Thành. Hai, 7 thầy cô (4 nữ và 3 nam) hy sinh tại giếng là do trong lúc tình hình lộn xộn các thầy cô xuống giếng ẩn nấp, sau đó bọn Pôn Pốt phát hiện đã ném lựu đạn xuống giếng. Hiện trường cho thấy xác các cô nằm bên trên, còn xác các thầy thì chìm dưới đáy. Có thể do các thầy công kênh các cô trên vai (vì giếng có nước) nên khi trái nổ tất cả đã hy sinh trong tư thế đó. Hình hài các thầy cô lúc ấy vẫn còn nguyên vẹn nên không thể có chuyện bị giết rồi quăng xuống giếng. Hơn nữa theo ông Năm Phong, trên miệng giếng còn rơi lại cái chốt gài của quả tạc đạn cùng một trái “da láng” khác còn nguyên.

Để đảm bảo tính trung thực của lịch sử, thiết nghĩ ngành văn hoá cần có những tham khảo để chỉnh sửa cho đúng.

PHƯỚC HỘI

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục