BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải báo chí tỉnh Tây Ninh năm 2020:

Gặt hái của nhiều cây bút trẻ 

Cập nhật ngày: 17/06/2020 - 20:05

BTNO - Chào mừng kỷ niệm lần 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 -21.6.2020), Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh tổ chức Giải Báo chí tỉnh lần thứ 19.

Đây là hoạt động mang tính truyền thống của Hội Nhà báo tỉnh được duy trì liên tục 19 năm qua, từ năm 2001 đến nay và trở thành Giải báo chí chính thức của tỉnh.

Giải năm nay, Ban Thư ký 3 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh đã tuyển chọn được 68 tác phẩm, cụm tác phẩm báo chí đã đăng trên Báo Tây Ninh, phát trên sóng Đài PTTH Tây Ninh từ 21.6.2019 đến 20.5.2020. Đài PTTH Tây Ninh có 22 tác phẩm của 12 tác giả/nhóm tác giả tham dự, gồm 20 tác phẩm truyền hình và 2 tác phẩm phát thanh. Báo Tây Ninh có 47 tác phẩm tham dự của 27 tác giả/nhóm tác giả, gồm 38 tác phẩm báo in và 9 tác phẩm báo điện tử.

Các tác giả đạt Giải báo chí năm 2019 được Hội Nhà báo tỉnh Tây Ninh tặng giấy khen.

Đề tài các tác phẩm khá phong phú, nổi bật nhất là đề tài về phòng chống dịch Covid-19. Do các tác phẩm dự giải phải được sơ tuyển trong số hàng ngàn tác phẩm báo chí đã đăng, phát trên báo, đài trong suốt năm qua đa số tác phẩm mang tính tiêu biểu, khái quát cho cả một năm hoạt động nghiệp vụ phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc, bạn nghe và xem Đài của giới báo chí Tây Ninh.

Nhìn chung, về nội dung cho thấy báo chí Tây Ninh năm qua đã có sự tiếp cận, phản ánh cuộc sống xã hội gần gũi hơn, sâu sát hơn, thiết thực hơn, đó là bước tiến đáng mừng, thực sự có tác động nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động báo chí của tỉnh nhà. Đạt được kết quả đó trước hết là có sự quan tâm sâu sát của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong đánh giá vai trò báo chí đối với cuộc sống xã hội, từ đó chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí hoạt động.

Chính sự đổi mới phương thức lãnh đạo báo chí, sâu sát, quan tâm về cả tinh thần và vật chất của lãnh đạo là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ đối với những người làm báo. Từ đó, những người làm báo chuyên cũng như không chuyên đã có sự nỗ lực, cố gắng tăng cường đầu tư cho tác phẩm báo chí, tích cực thâm nhập thực tế, thu thập tư liệu, khai thác thông tin, sáng tạo tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao.

Đội ngũ phóng viên chịu khó lăn lộn tiếp xúc nhiều với thực tế, mạnh dạn xông vào những nơi khó khăn và tác nghiệp một cách nghiêm túc, cẩn trọng để có được những tác phẩm thực sự có chất lượng cao.

Kết quả chấm giải báo chí Tây Ninh lần thứ 19 năm 2020 phản ánh rất rõ điều đó. Cụ thể là những tác phẩm thông tin chính xác, quan điểm cách mạng vững vàng, đối chiếu thông tin khách quan, nhiều nguồn, có tính phản biện xã hội, có sức thuyết phục, hấp dẫn người đọc người nghe, người xem trong và ngoài tỉnh.

Điểm qua các tác phẩm đạt giải cao, chúng ta thấy nhiều tác phẩm của cả báo, đài về đề tài Phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt các tác phẩm của nhóm tác giả Thuỳ Dương- Ngọc Bích - Hoà Khang - Châu Pha (Báo Tây Ninh) với loạt 8 bài viết trong suốt thời gian chống dịch trên địa bàn tỉnh đã đem đến cho người đọc một cái nhìn khá toàn diện.

Các bài viết không chỉ chuyển tải kịp thời những chủ trương, chỉ đạo của tỉnh trong công tác phòng chống dich; về những tập thể, cá nhân sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phê phán, cảnh báo trong công đồng về sự lơ là, thờ ơ và trục lợi trong mùa dịch. Các tác phẩm báo in, truyền hình, báo điện tử về Phòng chống dịch Covid-19 đã thể hiện rõ bản lĩnh nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Một số tác phẩm nổi bật của Báo Tây Ninh như loạt bài về vụ Chồng đánh vợ dã man ở Suối Dây, Tân Châu của tác giả Nguyễn Ngọc Hồng Thắm; loạt bài khai thác cát ở Tân Châu của tác giả Phạm Quốc Sơn; loạt bài về dịch tả heo Châu Phi của tác giả Trần Minh Dương; loạt 4 bài “Phát súng lúc nửa đêm” của tác giả Phạm Quốc Sơn; loạt bài về Hồ Dầu Tiếng của đồng tác giả Huỳnh Tấn Hưng - Nguyễn Ngọc Hồng Thắm; tác phẩm về tình trạng buôn lậu vật tư y tế phòng dịch không rõ nguồn gốc qua biên giới của đồng tác giả Đinh Hữu Thiện-Phạm Thanh Tân.

Đối với các tác phẩm phát thanh, truyền hình nổi bật có tác phẩm “Khẩu trang y tế có thật sự thiếu” của tác giả Triệu Quang Khải; tác phẩm “Chuyện khu cách ly” của tác giả Nguyễn Thị Phương Nguyệt- Trần Ngọc Hải; tác phẩm “Mang ánh điện thắp sáng tuyến đường biên” của tác giả Lâm Sơn Vương - Duy Hiển; tác phẩm phát thanh “Bông hồng thép” của tác giả Yến Ngọc.

Các tác phẩm đạt giải nhì, ba và khuyến khích của hai thể loại báo in và phát thanh, truyền hình cũng là những tác phẩm đã đi sâu, bám sát đời sống thực tế quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, ANQP, gương người tốt việc tốt, cổ vũ công cuộc đổi mới, làm cho phong trào thi đua yêu nước lan tỏa trong đời sống xã hội, để cho xã hội ngày càng tốt hơn, đẹp hơn.

Qua một năm hoạt động báo chí, kết quả như vậy là rất đáng phấn khởi. Điều đáng mừng là năm nay có nhiều cây bút trẻ , mới tham gia giải nhưng đạt giải đặc biệt, giải nhất, nhì, như một sự khẳng định nỗ lực vươn lên của các nhà báo trẻ.

Tuy nhiên, trong số những tác phẩm đạt giải cao vẫn còn những hạt sạn, một số tác phẩm truyền hình nội dung chuyển tải chưa sâu, chưa thực sự hấp dẫn người xem, hình ảnh còn nghèo và lặp lại.

Trước xu thế phát triển của xã hội thông tin ngày nay, những người làm báo địa phương còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để bắt kịp đà phát triển khoa học kỹ thuật hiện đại cũng như phát triển kinh tế xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế trên quê hương, đất nước.

Đồng thời, người làm báo phải tích cực, không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực tác nghiệp, có trách nhiệm với những tiêu cực tồn tại trong xã hội. Hay nói cách khác, người làm báo phải có trái tim nóng và cái đầu lạnh, để có thể có những tác phẩm đạt yêu cầu cuộc sống đặt ra, có tính phản biện xã hội sâu sắc góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà nói riêng, đất nước nói chung.

Thế Lực