Xã hội   An toàn giao thông

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn- Hành vi đáng lên án 

Cập nhật ngày: 06/10/2022 - 08:53

BTNO - Hành động bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người khác mà còn thể hiện sự vô cảm, thiếu đạo đức, tình người.

Hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn cần bị lên án và xử lý nghiêm.

Đơn cử như trường hợp Ngô Văn Lộc (ngụ ấp Long Phú, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu) gây tai nạn ở khu vực ấp Long Hoà, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu rồi bỏ trốn, hậu quả làm một người tử vong.

Trước đó, khi Lộc điều khiển xe mô tô đến khu vực ấp Long Hoà, xã Long Thuận chở người thân ngồi sau có ôm lồng chim, vượt lên bên trái xe mô tô do ông N.V.K (ngụ ấp Long Hoà, xã Long Thuận) điều khiển chở vợ là chị N.T.T.K và mẹ là bà N.T.M.

Do tránh vượt không bảo đảm an toàn, nên phần lồng chim va quẹt vào tay lái bên trái của xe ông K, làm xe ông K mất lái chạy sang lề trái đụng vào xe ô tô tải đậu ở lề đường. Vụ tai nạn làm ông K, bà M, chị K ngã xuống đường.

Người dân nhanh chóng đưa bà M đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, nhưng sau đó bà đã tử vong. Sau khi gây tai nạn, Lộc điều khiển xe mô tô chở người thanh niên bỏ trốn khỏi hiện trường. Tại Cơ quan điều tra- Công an huyện Bến Cầu, Lộc thừa nhận hành vi và cho biết sau khi gây tai nạn vì sợ bị gia đình nạn nhân đánh nên điều khiển xe chở con trai bỏ đi.

Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, trường hợp tài xế gây tai nạn rồi bỏ chạy có thể do hoảng loạn không biết xử lý như thế nào trong tình huống đó, hoặc sợ người nhà nạn nhân đánh. Việc bỏ chạy cũng để trốn tránh nỗi sợ hãi khi nhìn thấy hậu quả do mình gây ra.

Ngoài ra, một số người nghĩ việc bỏ chạy có thể giúp thoát khỏi vấn đề bị truy cứu trách nhiệm, đặc biệt trong trường hợp tài xế có những lỗi đặc biệt nghiệm trọng khi để xảy ra tai nạn như trước đó sử dụng rượu, bia hay không có giấy phép lái xe… “Dù lý do là gì, việc gây tai nạn rồi bỏ chạy cũng phản ánh ý thức kém và thiếu trách nhiệm của người lái xe.

Hơn ai hết, họ là người trực tiếp có mặt tại hiện trường và có thể là người đầu tiên hỗ trợ cho nạn nhân. Ngoài ra, còn phản ánh việc thiếu kỹ năng ứng phó với tình huống xảy ra tai nạn của người lái xe”- vị luật gia này cho hay.

Anh Thành Lợi (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) là tài xế chạy xe dịch vụ chia sẻ, đối với những người bị tai nạn giao thông, việc được sơ, cấp cứu đúng cách và kịp thời thì sẽ giúp tính mạng người bị nạn được bảo vệ, đồng thời giảm thiểu các di, biến chứng sau tai nạn. Trái lại, việc bỏ mặc nạn nhân khi tai nạn xảy ra cũng chính là cướp đi cơ hội nạn nhân được cứu chữa và rất dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. 

Lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Điểm b, khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan Công an đến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp (như người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu nên phải rời hiện trường; vì lý do bị đe doạ đến tính mạng) sẽ cho phép những người này được rời khỏi hiện trường nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất.

Ngoài ra, Điều 38 còn quy định: Người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.

Những người có mặt tại nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan Công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn; cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu.

Bên cạnh đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30.12.2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, các hành vi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn là một trong những hành vi vi phạm phải chịu mức xử phạt như sau: Đối với người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5-7 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô nếu thực hiện hành vi này sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3-5 tháng. 

Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng phạt tiền từ 10-12 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 5-7 tháng; đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Cùng với việc phải chịu hình phạt trên, thì tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự và người gây tai nạn còn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự đối với người bị tai nạn theo quy định của pháp luật. “Mức xử phạt hiện khá cao tuy nhiên để tạo tính răn đe cơ quan chức năng cần xử lý thật nghiêm, toàn diện tất cả các vụ gây tai nạn bỏ chạy”- vị luật gia nói.

Nhằm hạn chế hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn, các ngành chức năng, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông; tăng cường tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm; đồng thời khi phát hiện các vụ việc, nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, để bảo đảm tính giáo dục và răn đe.

Thiên Di