BAOTAYNINH.VN trên Google News

GDP tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua

Cập nhật ngày: 20/10/2009 - 09:03

Trong báo cáo kinh tế - xã hội trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII khai mạc sáng 20.10. Thủ tướng nêu rõ, là một nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu, đầu tư và du lịch. Trong bối cảnh đó, tháng 12.2008, Chính phủ đã ban hành nghị quyết 30 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng: "Chính phủ sẽ điều chỉnh lương tối thiểu trong các DN từ năm 2010".

Với hàng loạt giải pháp như giảm lãi suất cơ bản, hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4% một năm, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, giãn thời gian nộp thuế..., Việt Nam đã ngăn chặn được đà suy giảm. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) 9 tháng đầu năm là 4,56%, dự kiến cả năm tăng khoảng 5,2% (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5%). Tổng thu ngân sách nhà nước năm dự kiến đạt 390 nghìn tỷ đồng, bội chi ngân sách ở mức 6,9% GDP. Tỷ lệ dư nợ quốc gia so với GDP khoảng 29,7%, vẫn trong giới hạn an toàn.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thừa nhận dù được đánh giá là nước có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP 5,2% vẫn là thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng, năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh còn thấp. Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối chưa thật linh hoạt, dẫn đến tình trạng găm giữ USD, cán cân thanh toán tổng thể đã bị thâm hụt (dự báo khoảng 1,9 tỷ USD). Bội chi ngân sách tăng và chính sách tiền tệ nới lỏng luôn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại.

"Do tác động của suy giảm kinh tế, việc bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội còn nhiều khó khăn. Chỉ tiêu việc làm, xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch, tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị tăng. Đời sống nhân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo và tái nghèo còn nhiều. Một số chế độ, chính sách an sinh xã hội triển khai còn chậm, để xảy ra tiêu cực ở một số nơi", Thủ tướng nói.

Sang năm 2010, người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, quan trọng nhất là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển dịch vụ, khẩn trương xây dựng đề án và thực hiện một bước tái cấu trúc nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích phát triển kinh tế, đồng thời ban hành các chính sách mới; thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp.

Nhóm giải pháp tiếp theo là điều hành linh hoạt, thận trọng chính sách tài chính, tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn ngừa lạm phát và bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ ngân sách, bảo đảm chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả; giảm dần bội chi ngân sách, tăng cường công tác quản lý giá, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu; tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá các mặt

Các chỉ tiêu kinh tế năm 2010

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,5% so với năm 2009; bình quân đầu người khoảng 1.200 USD. Chỉ số tăng giá tiêu dùng 7%.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6% so với năm 2009. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% GDP.

Tổng thu ngân sách nhà nước 456,4 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009. Tổng chi ngân sách nhà nước 581,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so ước thực hiện năm 2009.

hàng xăng, dầu, điện, than... theo cơ chế thị trường.

Trong nhóm chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng khẳng định năm tới sẽ hoàn thiện cơ chế và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nhà ở cho người nghèo và nhà ở xã hội. Chính phủ sẽ điều chỉnh lương tối thiểu trong các doanh nghiệp từ năm 2010; lương tối thiểu chung lên 730.000 đồng một tháng từ tháng 5.2010 (tăng 80.000 đồng so với hiện nay).

Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm tối thiểu 30% các quy định hiện hành về thủ tục hành chính; đổi mới việc đánh giá, tuyển chọn, bồi dưỡng, bố trí cán bộ công chức và chính sách đãi ngộ nhằm phát hiện, thu hút cán bộ có phẩm chất và năng lực; thí điểm thực hiện cơ chế thi tuyển một số chức danh quản lý; làm tốt công tác quy hoạch, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng.

"Nhận rõ trách nhiệm của mình trước đất nước, trước nhân dân, Chính phủ sẽ bám sát tình hình, nâng cao năng lực dự báo, hành động quyết liệt sáng tạo và nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện tốt trọng trách mà Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc bài phát biểu của mình.

Sau bài phát biểu của Thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri; Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010.

Trong phiên họp chiều 20.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009; dự toán và phương án phân bổ ngân sách năm 2010. Theo đó, đa số thành viên uỷ ban cho rằng, Chính phủ cần cân nhắc mức bội chi 6,5% GDP như đề nghị. Đồng thời, có kế hoạch giảm mức bội chi NSNN chỉ còn 5% theo lộ trình trong các năm tới.

Cần có Quỹ khi giá dầu tăng

Năm 2009, tổng thu NSNN ước đạt 390.650 tỷ đồng, bằng 100,2% dự toán (vượt 750 tỷ đồng); chi NSNN ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán. 

 Ông Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo tại QH chiều 20.10. 

Một trong những nguồn thu chính cho NSNN là từ xuất khẩu dầu thô. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới và xu hướng phục hồi của nền kinh tế, từ đó xây dựng phương án thu từ dầu thô một cách tích cực.

Có ý kiến đề nghị xây dựng mức giá dầu thô một cách hợp lý, bảo đảm tính vững chắc, xác định mức giá vừa phải trong dự toán cân đối ngân sách; khi giá dầu tăng thì đưa phần tăng thu từ dầu thô vào một Quỹ riêng và quy định cơ chế sử dụng; Chính phủ báo cáo Quốc hội hoặc UBTVQH để phân bổ, sử dụng Quỹ này theo quy định.

Trên thực tế, dự báo về giá dầu thô của Chính phủ chưa chính xác khi năm nay, dự toán ban đầu số thu từ dầu thô lên tới  63.700 tỷ đồng (giá dầu là 70 USD/tấn), cuối cùng cũng chỉ đạt 58.000 tỷ đồng. Trong vòng 3 năm liên tiếp, sản lượng dầu thô đều có sự chênh lệch giảm so với dự toán. 

Do vậy, ông Hiển nhấn mạnh, Chính phủ cần đổi mới công tác xây dựng dự toán, có tầm nhìn dài hạn để tránh tình trạng áp đặt sản lượng và dự báo không sát về giá dầu, gây bị động trong cân đối ngân sách. 

Ngoài ra, mặc dù thực hiện giãn, giảm và miễn nhiều sắc thuế đã làm giảm thu NSNN khoảng 20.000 tỷ đồng (thấp hơn dự tính 28.000 tỷ đồng) nhưng ước thu nội địa cả năm vẫn đạt 239.650 tỷ đồng, vượt 2,9% dự toán (6.650 tỷ đồng). Đa số địa phương không hụt thu, nhưng một số địa phương có số thu lớn lại không đạt như Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Dương...

Nguồn thu từ thuế XNK năm nay Chính phủ ước cả năm đạt 87.000 tỷ đồng, bằng 98,6% dự toán, giảm 1.200 tỷ đồng.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, có thể đẩy nguồn thu lên cao hơn vì năm 2010, kinh tế thế giới phục hồi, kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh hơn, các chính sách miễn, giảm và giãn thuế không còn. Vì thế, thu NSNN, nhất là thu nội địa và thu từ hoạt động XNK... sẽ tăng.

Chính vì thế, năm 2010, Chính phủ dự kiến thu ngân sách đạt 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm nay.

Ứng vốn cho bộ, ngành quá lớn

Trong các khoản chi, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cảnh báo hiện số vốn ứng trước dự toán là rất lớn và khả năng thu hồi rất khó khăn.

Đáng lưu ý, qua giám sát cho thấy, số vốn đã ứng lũy kế đến hết năm 2009 chưa có nguồn thu hồi khoảng trên 50.000 tỷ đồng; số vốn đến hạn năm 2010 khoảng 30.600 tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan TƯ 14.600 tỷ đồng, các địa phương 16.000 tỷ đồng.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thấy rằng, số vốn cho các bộ, ngành, địa phương lũy kế qua các năm đến nay rất lớn, một số bộ, ngành, địa phương không có khả năng hoàn ứng kéo dài nhiều năm, tạo nên bức tranh thiếu lành mạnh trong cân đối ngân sách nhà nước.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể với Quốc hội việc sử dụng một phần bội chi ngân sách để xử lý một phần số tạm ứng này và báo cáo việc quản lý, sử dụng vốn tạm ứng.

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng cho rằng Chính phủ cần báo cáo cụ thể, chi tiết việc bố trí tăng chi trả nợ khoảng 6.000 tỷ đồng và sử dụng 11.000 tỷ đồng để làm nhà ở cho người nghèo, hỗ trợ phát triển các huyện nghèo... do các khoản chi này không có trong dự toán được Quốc hội quyết định.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội.

Năm 2010, đối với chi, Chính phủ dự kiến chi 335.260 tỷ đồng, tăng 9,6% so với dự toán năm ngoái.

Trong đó, chi thực hiện cải cách tiền lương là 35.490 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng chi NSNN. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương. Đa số ý kiến đồng ý với Chính phủ tăng mức tiền lương tối thiểu từ 650.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng từ 1/5/2010.

Ngoài ra, sang năm, Chính phủ dự kiến bố trí vốn đầu tư cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước 5.038 tỷ đồng.

Ngoại trừ việc bố trí trả 3.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc bố trí vốn đầu tư 1.483 tỷ đồng cho các tập đoàn: Than và khoáng sản (28 tỷ đồng), Bưu chính Viễn thông (60 tỷ đồng), Dệt may (10 tỷ đồng), Tổng công ty Hàng hải (54 tỷ đồng)... để Quốc hội quyết định.

(Theo Vietnamnet)