BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép từ vùng đê bao ấp Cẩm Bình: Những “Hai Lúa thứ thiệt”

Cập nhật ngày: 05/08/2009 - 03:36

Gia đình của ông Tư Chức trở nên khá giả từ nghề làm ruộng.

Chị Tô Thị Hường, chi hội trưởng chi hội Phụ nữ ấp Cẩm Bình, xã Cẩm Giang (Gò Dầu), đưa chúng tôi đến thăm nhà ông Tư Chức (Nguyễn Văn Chức) mà bà con xứ này thường gọi một cách thân mật là gia đình ông “Tư Lúa”. Đó là một ngôi nhà tường chữ đinh khang trang. Trước nhà là một cái sân gạch tàu rộng rãi. Trên sân chất đầy lúa đã vô bao và thương lái đang cân lúa.

Bà Trần Thị Điếu, tức bà Tư Chức vui vẻ cho biết, số lúa lái đang cân mới thu hoạch trên một nửa diện tích canh tác, nửa còn lại vẫn đang thu hoạch ngoài ruộng. Bà Tư Chức chỉ tay về phía cánh đồng nói thêm: Từ đây ra ruộng cũng không xa lắm. Từ khi có đê bao, đi ruộng rất dễ dàng. Xe gắn máy chạy trên đê bao ra đến giữa cánh đồng sẽ đụng con kênh ngang. Dựng xe trên kênh, kêu ổng chống ghe qua rước.

Bờ đê bao tiểu vùng Cẩm Bình tuy hơi gồ ghề, nhưng xe vẫn chạy tốt. Đến kênh ngang, chúng tôi không còn đi được nữa. Phía bên kia kênh, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng một trăm mét có một chiếc máy gặt đập liên hợp đang thu hoạch lúa và có vài người đang ôm lúa. Chị Hường chỉ chúng tôi người đàn ông đội nón lá chính là ông Tư Chức. Vừa nói chị Hường vừa vẫy tay gọi.

Trước mắt chúng tôi là một lão nông vạm vỡ, mái tóc điểm bạc. Song nhìn gương mặt và dáng đi của ông chắc ít ai nghĩ là ông đã 66 tuổi. Ông Tư Chức cho biết, ông biết cày ruộng lúc 14 tuổi, đến giờ cũng chỉ biết làm ruộng, không có nghề nào khác.  Nhà ông có 4 ha ruộng. Mỗi năm làm hai vụ đông xuân và hè thu. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm, lại siêng năng bám sát ruộng đồng, nên ông Tư  Chức rất ít khi thất mùa (chỉ trừ thiên tai dịch hoạ). Cách làm của ông là không sạ dày, không bón thừa đạm. Thường thì một vụ lúa ông chỉ xịt thuốc diệt cỏ một lần và thuốc dưỡng cây một lần. Ông rất ít phun xịt thuốc diệt rầy, nếu thấy không cần thiết. Nhờ vậy mà chi phí “đầu vào” giảm xuống nhưng năng suất lúa vẫn đảm bảo bằng hoặc hơn những người khác trong khu vực. Bình quân vụ đông xuân, năng suất ruộng lúa của ông đạt 6 tấn/ha, còn vụ hè thu đạt 5 tấn/ha. Mỗi năm trừ hết tất cả các chi phí đầu tư, gia đình còn lãi trên 100 triệu đồng từ 4 ha ruộng lúa. Nhờ làm ruộng giỏi mà gia đình ông Tư Chức trở nên khá giả, nuôi con khôn lớn. Ông có hai đứa con đang học đại học. Trong cuộc sống hằng ngày, ông Tư Chức không hút thuốc, không uống rượu và cũng chẳng cà phê.

Khi chúng tôi định chia tay với ông Tư Chức, thì một nông dân khác, chạy chiếc xe gắn máy cũ kỹ theo bờ kênh dọc từ hướng sông Vàm Cỏ Đông vào. Thấy chúng tôi, anh dừng lại hỏi chuyện. Anh tên là Nguyễn Văn Mãi (55 tuổi) làm 2,5 ha ruộng gần sông Vàm Cỏ Đông. Nhờ siêng năng lao động, chí thú làm ăn, từ hai bàn tay trắng, nay gia đình anh chẳng những có 2,5 ha ruộng sản xuất, mà còn sắm được máy cày, máy gặt đập liên hợp. Ngoài làm ruộng nhà, anh Mãi còn làm thuê cho người khác, nên thu nhập gia đình anh cũng khá. Trong 6 người con của anh thì có đến 4 người học đại học.

Anh Mãi sẵn sàng đóng góp 3 triệu đồng và ra công làm chiếc cầu sắt bắc qua kênh ngang.

Bức xúc của anh Mãi cũng như ông Tư Chức và bà con làm ruộng ở cánh đồng Cẩm Bình này là việc qua lại con kênh ngang (nối từ kênh dọc đi ngang qua cánh đồng). Anh Mãi cho biết việc làm đê bao tiểu vùng Cẩm Bình khiến bà con ở đây rất phấn khởi. Một bộ phận nông dân an tâm sản xuất, không sợ ruộng lúa bị ngập lụt. Đê bao còn là đường giao thông nội đồng rất thuận tiện cho nông dân ra ruộng. Tuy nhiên từ khi có đê bao đến nay, những nông dân làm ruộng phía bên kia kênh ngang gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi phải qua lại con kênh này. Trước đây con kênh này đã có rồi nhưng cạn và hẹp. Nông dân có thể lội xuống kênh qua lại dễ dàng. Từ khi làm đê bao, kênh ngang được vét sâu và rộng hơn rất nhiều. Nếu không có ghe, hoặc xà lan thì nông dân không có cách nào qua lại được. Anh Mãi cho biết nếu địa phương có kế hoạch làm cầu anh Mãi sẵn sàng đóng góp vào ba triệu đồng và ủng hộ công làm cầu (anh có nghề hàn). Xin nêu nguyện vọng của anh Mãi cũng như nguyện vọng của nhiều bà con nông dân khác ở địa phương để chính quyền và ngành chức năng xem xét.

DUY HUÂN