Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đoàn giám sát về ứng dụng CNTT và phát triển chính quyền số:
Ghi nhận nhiều kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông
Thứ năm: 14:30 ngày 18/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 17.8, đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phát triển chính quyền số trên địa bàn tỉnh có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý kết luận buổi làm việc.

Bà Hoàng Thị Thanh Thuý- Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc; cùng dự có các ĐBQH Huỳnh Thanh Phương, Trần Hữu Hậu, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có các thành viên Ban Giám đốc Sở TT&TT, lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

Theo đánh giá của Sở TT&TT, việc triển khai thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2018-2021 cơ bản được triển khai đúng tiến độ và đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Trong giai đoạn 2018-2021, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt việc chuyển đổi số. Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyển đổi số; UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, chương trình, quyết định làm cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nổi bật, đến nay đã thực hiện tái cấu trúc trung tâm dữ liệu của tỉnh theo mô hình điện toán đám mây. Theo đó, bổ sung trang thiết bị gồm hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ, hệ thống phòng, chống tấn công mạng và hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng, bảo đảm đủ hạ tầng và an toàn, bảo mật để triển khai các nền tảng, ứng dụng, hệ thống thông tin phục vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số và đô thị thông minh cho tỉnh.

Tỉnh quan tâm nâng cấp, bổ sung thiết bị CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn tỉnh để sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, thực hiện cải cách hành chính; đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung và triển khai một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp; đầu tư hệ thống hội nghị trực tuyến từ tỉnh xuống tới cấp xã.

Qua rà soát một số dịch vụ công trực tuyến theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, tính đến tháng 7.2022, tỉnh có 961/1.818 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện thông qua Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở TT&TT phản ánh một số khó khăn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều sở, ngành do vẫn còn một số bộ, ngành ở Trung ương chưa có hướng dẫn về các tiêu chí, chỉ tiêu quản lý ngành cần số hoá; đội ngũ CBCCVC am hiểu về lĩnh vực chuyển đổi số có khả năng tham mưu công tác chuyển đổi số của tỉnh còn thiếu và yếu; việc hướng dẫn, thống nhất cách xác định TTHC được giải quyết hoàn toàn trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế chậm được triển khai nên ảnh hưởng tỷ lệ xử lý hồ sơ trên mạng ở địa phương.

Bên cạnh đó, kiến nghị Trung ương có chính sách chung để thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính có hướng dẫn các địa phương xây dựng chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đội ngũ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin mạng cho các tỉnh, thành để có cơ sở xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chế độ đãi ngộ, nhằm thu hút lao động giỏi về CNTT, phục vụ việc chuyển đổi số của tỉnh; xác định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật của ngành TT&TT, nhất là trong chuyển đổi số. Kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, tăng thêm biên chế có trình độ CNTT để bố trí cho các sở, ngành và địa phương tham mưu về công tác chuyển đổi số.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên đoàn giám sát và báo cáo, giải trình của lãnh đạo Sở TT&TT, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Thị Thanh Thuý đánh giá cao chất lượng thông tin của Sở TT&TT cung cấp; đồng thuận với các đề xuất, kiến nghị của Sở về công tác ứng dụng CNTT và chuyển đổi số và chia sẻ với những khó khăn của ngành.

Đoàn giám sát đề nghị Sở TT&TT rà soát, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 sau hai năm thực hiện nghị quyết, trong đó đánh giá kết quả, phân tích nguyên nhân hạn chế, khó khăn và giải pháp để đạt mục tiêu nghị quyết đề ra.

ĐBQH Trần Hữu Hậu phát biểu.

Sở TT&TT sớm tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số cho lãnh đạo sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân để tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và xây dựng cơ chế trách nhiệm cụ thể đối với các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Bởi vì chuyển đổi số cần sự chuyển động ở tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương từ tỉnh tới cơ sở, trong toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đoàn cũng kiến nghị Sở tham mưu UBND tỉnh rà soát hạ tầng kỹ thuật phục vụ chuyển đổi số, đánh giá hiệu quả của Phòng chỉ huy - điều hành trong việc phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh; các phần mềm dùng chung và hệ thống Một cửa điện tử tỉnh bảo đảm các hệ thống được cập nhật dữ liệu, kết nối, liên thông thông suốt, an toàn.

Bên cạnh đó, quan tâm hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng; phối hợp Sở Nội vụ xây dựng chính sách đặc thù để tuyển dụng nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Đối với dịch vụ công trực tuyến, Sở quan tâm xây dựng các phần mềm tiện lợi, tinh gọn để người dân dễ dàng thực hiện và tham gia nhiều hơn việc nộp hồ sơ trực tuyến.

Các kiến nghị của Sở TT&TT sẽ được đoàn giám sát tổng hợp gửi UBND tỉnh; đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, đoàn sẽ có kiến nghị cụ thể tới các bộ, ngành, Chính phủ, có thể chuyển thành nội dung chất vấn tại các kỳ họp tới của Quốc hội.

Phương Thúy

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục