Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giả Dụ
Thứ ba: 08:26 ngày 07/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ba Giả Dụ nhoài người trông theo, ba con người khốn khó thoáng chốc đã như là ba cái bóng biến mất chẳng còn vết tích.

Ưu tiên cao nhất của ông Ba Giả Dụ lúc này là gắng gượng vài giờ mỗi sớm mai ngồi bất động trước cửa nhà. Vài năm trước ông bị một cơn tai biến, thoát chết, nhưng di chứng thì không nhỏ. Từ ký ức, trí tuệ cho đến tứ chi ông chỉ tàm tạm khôi phục được một nửa. Một nửa kia bại liệt hoàn toàn.

Mà cái nửa có vẻ lành lặn ấy cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Thích thì nó như chiếc đồng hồ đều đều tích tắc. Buồn thì nó ngủ đông kiểu chú gấu Bắc cực mơ mơ màng màng. Vậy mà có một giác quan nào đó vẫn bí ẩn vận hành giúp cho Ba Giả Dụ mỗi ngày âm thầm nhận ra ít nhất một câu chuyện đời khi đậm đặc, khi nhàn nhạt màu hỉ nộ tuỳ cảnh huống, tuỳ đối tượng.

Người quen sơ sơ chỉ biết tên ông là Ba Tình. Người gần gụi cận kề thân mật đều biết ông còn một tên nữa, ông Ba Giả Dụ. Hình như ông Ba Giả Dụ nổi tiếng hơn ông Ba Tình thì phải. Bởi hồi còn lành mạnh, Ba Tình có tật hễ mở miệng là thao thao, đã nói thì bất kể ở đâu, bất kể chuyện gì cũng nhất thiết phải mở đầu bằng câu cửa miệng: “Giả dụ như …”, rồi liên hệ linh tinh chuyện nọ xọ chuyện kia liên chi hồ điệp.

Có cảm tưởng không pha vào cái cụm từ giả dụ như thì ông sợ câu chuyện ông kể như bát canh không bỏ muối. Có lẽ mai này người ta sẽ quên đã có một Ba Tình. Nhưng họ sẽ còn lưu truyền mãi một ông Ba Giả Dụ lí lắc với bao nhiêu câu chuyện từng sống ở trên đời.

Vậy mà thoắt cái, ông đã bước sang tuổi già. Người ta già đi bằng tuổi tác. Oái ăm, Ba Giả Dụ đánh dấu sự già nua của mình bằng một cơn bạo bệnh. May cứu được mạng sống nhưng hồn cốt cứ vật vờ tận đẩu tận đâu. Cũng oái oăm thay, cái miệng- công cụ quan trọng làm nên giai thoại Ba Giả Dụ từ đấy bị hơi meo méo, nói năng rất khó. Không còn sức ghé đây một tí, ghé kia một tí để tía lia giả dụ như… Ba Giả Dụ buồn ủ rũ, buồn thúi da thúi ruột.

Trời ghét Ba Giả Dụ khoá cứng cái mồm hay nói. Nhưng trời còn thương Ba Giả Dụ cho ông có căn nhà mặt tiền hướng ra con phố đông người qua lại. Vài năm nay, hồi phục được phần nào trí nhớ, ông lại tìm được nguồn vui mỗi sáng lết ra ngồi trước cửa nhà với một ấm trà đặc sánh. Bữa nào không có bạn cùng nhâm nhi thì cái thứ nước xanh xanh lóng lánh trong ấm chẳng vơi đi một giọt. Bởi vì ông có nghiện trà đâu. Cái ông nghiện là đám người hằng ngày miên man trôi lút vút qua cửa nhà ông ấy.

Có điều ông chỉ chăm chú quan sát họ vào đúng lúc tinh mơ mỗi sáng. Còn các thời khắc khác trong ngày ông chẳng thèm để ý. Chả hiểu đọc được ở sách nào mà ông cứ khăng khăng bảo rằng con người ta tỉnh dậy sau một đêm ngủ mê ngủ mệt thì đều tinh tươm sạch sẽ như đứa trẻ mới sinh chưa biết che giấu tính thiện tính ác của mình.

Ông còn khẳng định: Già lú như tôi cũng rất dễ nhận ra chân tướng, huống hồ lành mạnh tinh tường như các vị. Trong cái đám trẻ con to xác ấy, mỗi sáng ông tóm lấy một người thật ấn tượng theo cách đánh giá của ông. Không thể phát ngôn giả dụ bằng mồm, cả ngày ông cứ liên miên xây dựng một hai tình huống giả dụ như là… ở trong đầu. Rồi tự sướng, tự ú ớ cười một mình.

Những chuyện giả dụ vu vơ ấy, ông ngầm kiểm chứng, ngấm ngầm đắc ý. Mươi cái thường đúng chín. Chẳng hạn như cái lão già nọ kẹp trong nách con gà đực cồ, lóm thóm bước êm như bước mèo đang lướt sát vào bức tường bên kia đường, đáng ngờ lắm chứ.

Vậy là tự nhiên ông có ngay tình huống giả dụ như là lão ta bắt trộm gà của nhà mình đem bán lấy tiền chơi đề, mua vé số thì sao nhỉ? Chỉ là giả dụ chơi chơi cho mau hết ngày vậy thôi, ai dè chiều ấy bà bạn nhà ở phố sau than vãn với vợ ông: Có con gà trống bị quân xì ke lẻn vào cuỗm mất tối qua rồi. Nghe được, ông chỉ muốn bật lên một tràng cười mà hai hàm cứng ngắc không thể hé môi hở răng ra được.

Còn như thằng cha công chức địa chính thị trấn cả nửa năm nay, sáng nào ông chẳng thấy đi cùng khi một, khi hai người có việc cầu cạnh phải mời hắn ăn sáng. Lúc về hai má đỏ hầy hầy màu rượu, chân muốn chạm vào cạnh mặt bàn nước của ông nó cũng chẳng mở mồm chào lấy một câu.

Gọi là thằng vì lúc còn nhỏ nó học cùng lớp với đứa con gái út của ông. Hồi ấy chả mấy bữa nó không mượn cớ gọi con ông đi học để trèo lên cây ổi trong vườn ních một bụng đầy. Bữa ấy xui cho cu cậu, đang ở trên cây thì lũ bạn gái đi qua trông thấy, véo von bảo hái cho mấy trái, chẳng may khi choạc hai cẳng với lên cành cao, đũng quần rách cái tẹt. Hốt hoảng buông tay ôm háng, không có ông đỡ kịp thì hôm ấy nó gãy nhừ xương rồi.

Từ đấy, gặp ông nó có ý thẹn. Chả hiểu sao sáng nay hắn lại đi một mình. Lại ghé chỗ ông xin tách nước trà nói rằng cho tỉnh táo. Nghe nó bả lả vậy, nghi nghi, ông để ý hai gò má nó trắng bạch. Chắc chưa có xị nào. Chưa biết giả dụ như là thế nào trong tình huống này, tự nhiên ông buột được một câu trọn vẹn, thẳng tưng một lèo:

- Bữa nay được nghỉ hay sao còn cà kê dê ngỗng vậy?

- Xin nghỉ việc rồi bố ơi ! Làm dân cho sướng.

Ông Ba Giả Dụ nhướng con mắt lành lặn lom lóm nhìn hắn. Bụng thầm lo mình bị tái phát hay tai nghe nhầm. Hắn bỏ đi đã lâu rồi ông vẫn rơi vào trạng thái bần thần, lưỡng lự không biết mình nên giả dụ thế nào. Thì thằng con thứ của ông công tác trên huyện dắt xe đi làm tiện mồm thông báo:

- Nó xạo đó ba, bị sa thải cả tháng nay rồi. Không vướng víu đến ông này, ông nọ thì tù cái chắc.

Đúng là rặt giống bé tham ăn, lớn tham tiền, tính nào tật ấy. Không oan… 

Ôi giời! Không nhạy cảm để giả dụ như là sự đổ bể của thằng tham lam ấy, ông nghi ngờ cái giác quan thứ sáu ông bây giờ hết nghiệm rồi sao? Không thể như vậy. Mới bữa sáng hôm trước nhác thấy bà vợ của ông bạn cùng cấp cứu một ngày, cùng nằm chung buồng bệnh với ông ròng rã cả tháng trời, đứng chờ taxi cách chỗ ông ngồi vài mét.

Bà ta nhìn trước nhìn sau mới sập cửa kính xe. Xe chạy rồi, mùi nước hoa ngoại quốc còn lởn vởn quanh ông thơm lừng đến độ gợi lên trong ông bao nhiêu xao xuyến, bao nhiêu thức tỉnh vu vơ. Cái mùi thơm ma mị ấy đã khiến ông bật ra trong đầu câu chuyện giả dụ như là bà ta đang trên đường đến chỗ hẹn hò lén lút với bồ. Non trưa, chú xe ôm ế khách ngáp dài kể với ông, ngáp dài mà giọng điệu vẫn đầy khoái trá.

Rằng nhà trọ Y trên phố X suýt xảy ra án mạng. Ba con gái ông T rình bố vờ đi tập dưỡng sinh buổi sáng rồi lỉnh vào hú hí với con mẹ ở phường bên. Không có người can giữ thì chúng đâm chết mụ kia rồi. Chao ôi! Sao mà cái linh tính giả dụ chết tiệt của ông không nhầm lẫn để bớt đi cho đời một sự buồn có phải hơn không. Cả đêm hôm ấy ông buồn. Cả ngày hôm sau ông chán ngán chẳng muốn tò mò tìm hiểu nhân tình thêm nữa.

Đến cái sự buồn của mẹ con bà Chiền khoèo tay mới càng làm ông thấm thía sự đời. Ông Chiền mất đã vài chục năm rồi. Bà Chiền hơn Ba Giả Dụ đâu mươi tuổi. Thằng Canh là con một của ông bà Chiền. Hồi mới về xã kinh tế mới, bà Chiền chỉ có một tay lành lặn mà cắt cỏ tranh, đánh tranh lợp nhà óng chuốt không ai bằng.

Nhờ vậy nhà bà mới đủ cơm ăn, thằng con mồ côi của bà mới không đến nỗi đứng đường. Nhưng mà chó cắn áo rách, thằng Canh càng lớn càng lêu lổng. Lấy vợ rồi, vợ chồng nó cùng một giuộc.

Chỉ ăn bám là giỏi. Gần tám chục tuổi già, bà Chiền vẫn bị thằng Canh sáng sáng chở mẹ trên chiếc xe đạp cà tàng ra chợ Đồng Ban rồi bỏ đấy cho bà lang thang bán vé số. Tay lành ve vẩy tập vé, tay khoèo huơ huơ lấy đà, bà Chiền khoèo cà nhắc lò dò khắp mọi xó xỉnh, bất kể mưa hay nắng.

Gặp bữa vé ế, tiếng rao nghe như tiếng khóc. Tối mịt nó chở bà về sau khi móc túi bà không còn một cắc. Hôm nào không bán hết, thằng Canh bắt mẹ nhịn cơm luôn. Chính quyền, đoàn thể biết hết, đã răn đe, giáo dục đủ cả, nó vẫn chứng nào tật ấy.

Cuối cùng họ quyết định gửi bà tới trung tâm nuôi dưỡng người già bất hạnh. Lại vẫn tay xe ôm thạo tin thông báo: Bà Chiền sắp hết khổ rồi, sắp được nhà nước nuôi rồi. Nghe vậy, chả biết thế quái nào Ba Giả Dụ lại bật ra trong đầu cái giả dụ như là thằng Canh không ký vào hồ sơ gửi mẹ đi thì sao nhỉ. Quả nhiên sáng sáng bà Chiền vẫn tay lành ôm lưng con, tay què khoác bị gậy ngồi sau lưng thằng ôn vật tóc tai bù xù xối xả đạp chiếc xe không ngớt kêu cút ca cút kít hướng ra phía chợ. Nghe kể vợ nó còn trâng tráo nói bà Khoèo mà chết thì nhà nó mất trắng một khoản thu nhập quan trọng.

Có vẻ như Ba Giả Dụ dạo này sáng sáng vẫn an toạ trước cửa nhà nhưng ông nhắm mắt nhiều hơn mở mắt. Phần buồn chuyện mình bệnh tật, phần buồn hơn muôn sự chuyện người. Nếu không phát hiện ra một nhân vật là lạ mới xuất hiện đều đặn mỗi sáng thì ông đã bỏ hẳn cái thói quen ấy rồi.

Đó là anh chàng mập tròn, chiều cao không quá mét tư, nửa trên bình thường, nửa dưới hai chân ngắn ngủn. Bước đi lũn tũn, nhìn xa anh ta chẳng khác cái lu nước lăn nhè nhẹ trên đường. Mỗi sáng Lũn Tũn xuất hiện rất đúng giờ.

Từ trong hẻm phố đối diện đi ra, một bên hông hơi vẹo vì phải nách một em bé chân tay mập tròn có ngấn, hai má bầu bầu, trắng trẻo hồng hào rất dễ thương. Anh ta bán vé số. Dường như được nhiều người thương em bé nên bữa nào anh ta cũng sớm hết vé. Chừng chín giờ sáng đã lũn tũn quay về. Một bữa Ba Giả Dụ ngoắc Lũn Tũn đứng lại. Mua một tờ vé số lấy cớ, hỏi:

- Con gái à?

- Con mua nó đấy. Lũn tũn khó nhọc lắm mới nói được bốn tiếng nhát gừng rồi xốc con bé lũn tũn bước đi. Ba Giả Dụ không bất ngờ. Mấy bữa nay trong đầu ông đã đinh ninh giả dụ như thằng cha này thuê đứa trẻ kia để làm mồi kiếm cơm. Đích thị là quân bất lương chuyên nghiệp rồi.

Nhưng mà Ba Giả Dụ đã sai bét. Sáng hôm sau từ phía thằng Lũn Tũn vẫn lũn tũn bước ra mỗi sớm, đứa bé đẹp đẽ kia lại ngồi bên hông một chị bước đi nặng nhọc bởi một chân thì lành lặn, một chân bị tật phải vòng đúng nửa vòng tròn mới tiến được lên phía trước. Thành thử mỗi bước chị đi, hai chân ì ạch cứ như là một dấu chấm và một dấu phẩy. Ba Giả Dụ cho đứa bé chiếc bánh bông lan, chị ta lễ phép cám ơn. Tranh thủ ông lắp bắp:

- Cháu… cháu bé xinh… xinh quá. Con… con chị à? Chị ta đáp rất tự nhiên:

- Dạ, là con, nhưng là vợ chồng con mua đấy ông ạ!

Như là hiểu ra cái ý ông Ba Giả Dụ đang thắc mắc về hai vệt sữa trắng lợn cợn thấm loang trên hai bên thân áo mình, chị ta giải thích:

- Cháu nuôi sữa đấy ông ạ! Giời thương chứ không thì làm sao vợ chồng cháu nuôi nổi nó bụ bẫm đáng yêu thế này. Chồng cháu là anh Lũn Tũn vẫn thường bế con đi bán vé số đấy. Quê chúng cháu tận miền Tây lận. Chúng cháu lấy nhau mấy năm chẳng có nổi mụn con.

Cùng xóm có con bạn thân cùng cảnh làm mướn, nó còn khổ hơn chúng cháu nhiều vì ba chết sớm, mẹ bị mù. Nó yêu phải thằng sở khanh, biết nó dính bầu đã chạy làng tuốt luốt vô tăm tích. Vừa đau khổ, vừa căm hận, vừa lo sợ sinh con thì nuôi sao nổi đứa bé với mẹ già mù, nó tính một hai bỏ cái thai.

Chúng cháu khuyên can hết lời, dù sao cũng là giọt máu của mình, một mạng người lớn lắm, tội nghiệp lắm. Mới bàn với nó, mày đẻ ra, vợ chồng tao nuôi cho. Nhưng mà nó bảo tao quyết không muốn giữ lại một tí gì của cái loài ác nhân thất đức ấy nữa.

Thì chúng cháu cùng bảo hay là mày sinh đứa bé kia rồi cho vợ chồng tao, bao nhiêu tốn kém chúng tao trang trải hết cho. Năn nỉ hết lời nó đồng ý. Vợ chồng cháu mấy năm chắt bóp mới dành được mười triệu, phải bán cả gian nhà tí hin như mắt muỗi mới đủ nuôi nó đến lúc mẹ tròn con vuông.

Thực chẳng phải nó bán con, cũng chẳng phải là mình mua con bé. Cứ nghĩ như vậy cho nhẹ lòng. Chẳng qua cũng là cái tình vì cây dây cuốn ông ạ. Có được con bé rồi, chúng cháu phải bồng trống lên đây. Không thì ở quê, ngày ngày trông thấy con, mẹ nó cứ khóc, cứ rủa xả thằng kia thì đến sinh bệnh mà chết mất. Ở đây, chồng bán vé số, vợ bóc vỏ lụa hạt điều gia công cũng đủ tiền nhà trọ, dư sống, dư sức nuôi nhau ông ạ.

Từ đấy sáng sáng bắt gặp con bé được cắp bên hông bố, nhoẻn cười đẹp như tiên đồng, Ba Giả Dụ thêm phần vui vui trong bụng. Qua một năm, con bé biết đi vững, vợ chồng Lũn Tũn bất ngờ bồng bế nhau về quê. Buổi sáng chúng qua chào từ biệt, Ba Giả Dụ mới biết chuyện mẹ đẻ cháu bé mới chết vì bị băng huyết do dại dột mang thai đẻ thuê cho vợ chồng ai đó. Chị Chấm Phẩy sụt sịt kể lể:

- Bạn cháu vắn số mất sớm. Còn bà ngoại cháu bé đây mù loà một thân chẳng có ai nuôi dưỡng. Hoàn cảnh thảm thương lắm. Chúng cháu bàn nhau, vì cây dây leo, máu mủ của bà còn một hột này, muốn trả công mang nặng đẻ đau của mẹ cháu thì chẳng còn cơ hội nữa rồi. Nên thay bạn nuôi bà ngoại cháu cũng là chuyện nên làm. Cái tình người, tình máu mủ cao thâm lắm ông ạ!

Thật là trong ông chưa hề phác hoạ một tình huống giả dụ nào như thế. Nhưng chuyện đã xảy ra vừa ấm áp, vừa đau đớn thế này, Ba Giả Dụ chỉ còn biết thầm cám ơn Trời Phật, cám ơn cuộc đời chẳng bao giờ tuyệt lộ. Vét trong người chỉ được vài trăm ngàn, tuy chẳng là bao, ông lẳng lặng nhét vào tay Lũn Tũn.

Vậy là lúc này Ba Giả Dụ đang trong một cuộc bịn rin chia ly với những người dưng thân thiết. Không máu mủ nhưng mà sao thương mến lạ thường. Chao ôi! Ba sinh linh lam lũ ấy, cái tổ ấm vô danh giữa cộng đồng đông như kiến ấy, cái gia đình bé mọn mong manh giữa dào dạt sóng đời nhưng vô cùng cứng cỏi vững vàng trên nền tảng Người ấy đã gần gũi thân yêu với ông tự bao giờ.

Mới ít ngày nay hay từ trong bí ẩn thẳm xa tiền kiếp? Đấy, họ đang quay lưng nhích dần từng bước xa ông. Em bé tiên đồng ôm trên lưng chiếc lu Lũn Tũn. Chị Chấm Phẩy ậm ạch với bao đồ to tướng khoác nơi vai. Từ đây ra bến xe con đường dài lắm. Bằng một giọng nghèn nghẹt đầy thương cảm, Ba Giả Dụ bất giác bật ra được một câu liền mạch không hề ngắc ngứ:

- Hai xe ôm, mày chạy theo chở bọn nó ra bến xe, tao trả tiền.

Vậy là chiếc xe ôm đưa họ vù đi. Thoáng đã mất hút giữa đám đông nhộn nhạo. Ba Giả Dụ nhoài người trông theo, ba con người khốn khó thoáng chốc đã như là ba cái bóng biến mất chẳng còn vết tích. Chỉ còn trong đầu ông hình ảnh cháu bé giơ cả hai bàn tay thiên thần vẫy vẫy trông tựa như là hai bông hoa đang nở, đang rung rinh reo vui với gió.

V.T.K

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục