BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá khoai mì tăng cao, người trồng mì lãi đậm

Cập nhật ngày: 29/12/2009 - 02:51

Thu mua mì ở nhà máy Thanh Vinh (Ninh Trung, Ninh Sơn, Thị xã)

Trong gần nửa tháng nay, giá khoai mì tăng cao, giá lên đỉnh điểm cách nay hơn một tuần trên 1.700 đồng/kg (hàm lượng tinh bột đạt 30%). Theo đánh giá của giới sản xuất, kinh doanh mì thì đây là giá kỷ lục từ trước đến nay. Hiện tại, Nhà máy mì Tây Ninh (Thái Lan) ở ấp Ninh Trung, xã Ninh Sơn và một số nhà máy tư nhân trên địa bàn Thị xã, Hoà Thành nếu hàm lượng bột đạt tối đa (30%) được thu mua với giá khoảng 1.600 đồng. Với giá bán này, người trồng mì lãi to, mỗi ha lãi ròng bình quân gần 30 triệu đồng.

Ông Trần Phước Vinh, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Vinh ở ấp Ninh Trung, Ninh Sơn, Thị xã cho biết, cách nay chưa đầy nửa tháng doanh nghiệp ông thu mua khoai mì tươi giá 1.720 đồng/kg. Mỗi ngày nhà máy Thanh Vinh chạy với công suất 400 tấn củ mì tươi, cho ra khoảng 100 tấn bột thành phẩm. Do giá xuất khẩu những ngày gần đây giảm nhẹ, cho nên giá nguyên liệu đầu vào giảm dần, hiện còn 1.600 đồng/kg. Ông Vinh cho biết thêm, giá thu mua như vừa qua thực sự là “cơn sốt”, nếu so cùng thời điểm năm 2008 giá chỉ ở mức từ 600-700 đồng/kg mì tươi. Mấy ngày qua, ở các vùng nguyên liệu lớn như huyện Tân Châu, Tân Biên, do có mưa muộn nên người dân đổ xô nhổ mì. Dù cây mì trồng vụ hè-thu, nay chỉ mới 7-8 tháng tuổi (đúng tuổi phải trên 10 tháng), nhưng vì có mưa dễ nhổ, mì lại được giá nên nguyên liệu ào ạt tràn về nhà máy. Ngoài nguồn khoai mì nội địa như kể trên, thì một số thương lái còn thu mua mì trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia đưa bán cho các nhà máy.

Được biết trong nhiều năm qua, cho dù ở mức giá nào, khoai mì vẫn là sản phẩm nông nghiệp cho “thu nhập bền vững” ở tỉnh ta. So với cây mía, hoặc… tiêu, điều… thì nó là “người bạn thuỷ chung gắn bó” với nông dân nghèo. Bởi dù có biến động như thế nào đi nữa thì người trồng mì ít nhiều vẫn có lãi chứ không bao giờ lỗ! Bởi lẽ vốn đầu tư để trồng một ha mì rất nhẹ so với mía, cao su… Cây mì lại dễ trồng, không bị sâu bệnh. Việc đem lại hiệu quả cao hay thấp còn phụ thuộc vào giống mì năng suất cao hay thấp. Mấy năm qua, nông dân trồng phổ biến là giống MO, MCOS… Theo anh Nguyễn Văn Ẩn, ngụ thị xã Tây Ninh, hiện nay thị trường xuất hiện giống mì mới, cho năng suất rất cao, đầu tư đúng mức (15 triệu đồng/ha) có thể thu hoạch trên 60 tấn/ha, lãi cầm chắc 45 triệu đồng/ha. Chính vì lợi nhuận khá cao, nên dù không có đất, anh vẫn mạnh dạn sang tận tỉnh Bình Phước thuê 10 ha với giá thuê chỉ 1 triệu đồng/ha/vụ để trồng giống mì mới này. Anh Ẩn cho biết, trước đây anh làm ăn hết sức khó khăn, nhưng với mức giá mì như hiện nay, thì tới đây anh thu hoạch mì, bỏ rẻ cũng lãi khoảng 500 triệu đồng! Anh Nguyễn Văn Dũng, ngụ thị trấn Tân Châu, có hoàn cảnh… ngược lại, gia đình anh không thiếu đất trồng trọt, nhưng do giá mì “thơm quá”, nên anh Dũng đã mạnh dạn thuê đất trên xã Tân Hà, huyện Tân Châu để trồng mì với giá thuê 2 triệu đồng/ha/vụ. 

Theo giới sản xuất kinh doanh mì đánh giá, dù giá mì tăng vọt như thế, nhưng vùng nguyện liệu mì cũng khó có thể tăng theo được. Bởi vì nếu mì “sốt giá” như thế thì mía, đường, cao su… cũng “nóng lên” theo. Hơn nữa để tăng sức cạnh tranh trên mặt trận nông nghiệp, các nhà máy đường đã mạnh dạn đầu tư trọn gói cho nông dân trồng mía. Giới “đại gia” thì chọn cây cao su “siêu lợi nhuận”. Mặt khác, vùng nguyên liệu hàng trăm ha mì lớn như vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng nay đã không còn vì phải chuyển sang trồng rừng. Và theo chủ trương chung là tỉnh ta khống chế không để diện tích mì phát triển. Những lý do trên sẽ đảm bảo giá cây mì sẽ “giữ mức”, không thể “hạ sốt”. Nghĩa là người đang trồng mì sẽ được đảm bảo lợi nhuận dài dài…

Lê Minh