BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá mía cao nhưng lợi nhuận vẫn chưa tương ứng

Cập nhật ngày: 05/11/2010 - 12:23

Nhà máy 8.000 TMN chuẩn bị giàn khoan tiếp nhận mía.

Theo thông tin từ Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT), ngày 11.11 tới, nhà máy đường 8.000 tấn mía cây/ngày của Công ty bắt đầu vào vụ chế biến mía đường 2010-2011. Trước khi vào vụ, SBT đã tổ chức hội nghị khách hàng để thông báo kế hoạch của nhà máy, chính sách thu mua, chính sách thưởng và chính sách đầu tư trồng mía cho vụ chế biến sau. Theo chính sách thu mua mới được công bố, giá mía năm nay tăng khá cao so với năm trước nên nhiều nông dân phấn khởi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nông dân băn khoăn về “số phận” cây mía hiện nay.

Tổng diện tích vùng nguyên liệu mía do SBT đầu tư năm nay đạt 12.000 ha. So với vụ trước diện tích mía do SBT đầu tư không tăng, nhưng tổng sản lượng dự kiến sẽ tăng do mía năm nay được đầu tư mạnh hơn, năng suất cao hơn. Theo kế hoạch của SBT, tổng sản lượng vụ chế biến 2010-2011 khoảng 680.000 tấn, trong đó sản lượng mía đưa vào chế biến khoảng 650.000 tấn- tăng hơn vụ trước khoảng gần 50.000 tấn. Thời gian Nhà máy SBT hoạt động vụ này kéo dài khoảng hơn 3 tháng, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 2.2011. Năm nay SBT có hợp đồng chặt chẽ với công chặt, bốc mía với giá thuê thoả thuận cụ thể, rõ ràng và do các trạm nông vụ điều công nên sẽ hạn chế bớt khó khăn cho nông dân trong khâu tìm nhân công thu hoạch. Đồng thời SBT cũng sắp xếp lịch thu hoạch phù hợp, tổ chức tốt phương tiện vận chuyển để mía của nông dân được chặt đúng thời điểm chín, đưa về nhà máy nhanh.

Tuy nhiên, điều quan tâm lớn nhất của nông dân vẫn là giá thu mua mía. Theo công bố của SBT, năm nay giá thu mua cơ bản là 700.000 đồng/tấn 10 CCS, đồng thời hỗ trợ thêm suốt vụ 200.000 đồng/tấn. Ngoài ra, SBT còn hỗ trợ đầu vụ và cuối vụ 30.000 đồng/tấn. Như vậy, nếu mía đạt chất lượng 10 CCS thì nông dân sẽ bán được với giá 930.000 đồng/tấn trên phương tiện vận chuyển tại ruộng. Song song đó, SBT bảo hiểm chữ đường 10 CCS cho các giống chín sớm như ROC và VN84-4137 và bảo hiểm 9 CCS đối với các giống còn lại. Ngoài ra, SBT còn có chính sách hỗ trợ chặt sát gốc mía- 20.000 đồng/tấn nếu đạt tiêu chuẩn quy định và thưởng mía chất lượng cao từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng theo chữ đường thực tế khi đưa về nhà máy. Riêng về công thu hoạch, năm nay SBT thông báo giá hợp đồng tiền công đốn chặt và bốc xếp như sau: đối với mía dưới 35 tấn/ha tối đa là 125.000 đồng/tấn; từ 35 tấn/ha đến dưới 45 tấn/ha tối đa là 110.000 đồng/tấn; đối với mía từ 45 tấn/ha dưới 80 tấn/ha tối đa là 90.000 đồng/tấn và từ trên 80 tấn/ha tiền công tối đa là 95.000 đồng/tấn.

Với chính sách thu mua mía này, tính tổng tất cả các khoản hỗ trợ, thưởng thì giá mía bình quân tăng so với vụ trước đến hơn 40%. Tuy nhiên, nông dân trồng mía vẫn băn khoăn về “số phận” của cây mía nếu như so sánh với những cây trồng khác. Ông Trần Nuôi- một nông dân có nhiều tâm huyết với cây mía trên đất Tân Châu cho biết, với giá thu mua cao như năm nay cho thấy rằng nhà máy ngày càng điều chỉnh giá mía phù hợp hơn so với giá đường. Tuy nhiên, như thế là chưa đủ tác động để nông dân đang trồng mía “toàn tâm, toàn ý” tiếp tục theo cây mía, chứ chưa nói đến thu hút nông dân đang trồng những loại cây nông nghiệp khác chuyển sang trồng mía để tăng diện tích vùng nguyên liệu mía. Bởi vì hiện tại- dù giá mía có tăng cao nhưng lợi nhuận từ cây mía vẫn chưa cao bằng các cây trồng khác. Ông Trần Nuôi phân tích, vụ này ruộng mía của ông đạt năng suất khá cao- bình quân khoảng 80 tấn/ha, nếu chất lượng đạt 9 CCS, trừ hết các khoản chi phí thì ông được lãi chưa đến 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó mì ông trồng đạt năng suất 40 tấn/ha, chỉ với giá 2.000 đồng/kg thôi ông đã có lời không dưới 60 triệu đồng/ha- mà không phải lo lắng, rủi ro nhiều như trồng mía. Mía có năng suất cao như của ông Nuôi mà còn không thể cạnh tranh lợi nhuận được với cây mì, nói chi đến những nông dân trồng mía có năng suất thấp. Từ đó cho thấy rằng dù đã tăng giá thu mua nhưng thực tế cây mía vẫn chưa cạnh tranh nổi với cây mì.

Thu hoạch mía.

Làm sao để có thể phát triển diện tích mía? Theo ông Trần Nuôi thì muốn nông dân yên tâm trồng và mở rộng thêm diện tích mía thì lợi nhuận từ cây mía ít nhất là phải bằng với cây mì. Muốn được như vậy thì phải điều chỉnh lợi nhuận giữa sản xuất mía của nông dân và sản xuất đường của nhà máy. Trong vài năm gần đây, giá mía tuy có tăng nhưng tỷ lệ tăng vẫn không theo kịp giá đường. Nghĩa là tỷ lệ thu lãi của nhà máy vẫn cao hơn nhiều so với nông dân. Nhiều nông dân trồng mía cho rằng nhà máy cần điều tiết lợi nhuận cho nông dân qua chính sách thu mua mía nguyên liệu với tỷ lệ cao hơn nữa mới mong giữ vững và tăng diện tích vùng nguyên liệu mía.

SƠN TRẦN