BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giá sữa ở Việt Nam cao nhất thế giới

Cập nhật ngày: 18/05/2009 - 05:57

Người tiêu dùng Việt Nam đang phải chi trả mức giá sữa cao nhất thế giới.

Giá sữa trong nước liên tục tăng từ năm 2007 đến nay, và hiện ở mức cao nhất thế giới, gấp từ 1,5 đến 2 lần so với các nước khác. Thông tin này được tiến sĩ Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết trong hội thảo Người tiêu dùng chọn sữa thông minh, diễn ra sáng 18.5 tại Hà Nội.

Chẳng hạn, giá bán lẻ sữa trong nước khoảng 25.000 đồng một lít (giá chung của các loại sữa bột, sữa tươi... đã được quy ra lít thành phẩm), trong khi ở các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và các nước Âu, Mỹ chỉ có 10.000 - 16.000 đồng một lít.

Theo ông Thắng, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến giá sữa là sữa nguyên liệu (chiếm đến 34%), sau đó là tổng lợi nhuận của nhà chế biến... Tuy nhiên có một nghịch lý là giá sữa nguyên liệu trong 2 năm vừa qua liên tục giảm, chỉ còn 30.000-40.000 đồng một kg, tức là đã giảm 40-60% so với trước, nhưng giá sữa trong nước vẫn tăng.

"Một nguyên nhân khác là do lợi nhuận quá cao của nhà sản xuất, kinh doanh, phân phối. Lợi nhuận kinh doanh sữa có nơi lên tới 86%, thuộc vào loại cao nhất nhì thế giới", ông Thắng nói.

Ông cũng cho biết, một nguyên nhân khác đẩy giá sữa lên là do tâm lý chuộng đồ ngoại. Nhiều người cho rằng sữa nhập khẩu được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và tin rằng sữa đắt nhất thì cũng tốt nhất.

Giá thành quá cao là vấn đề của các hãng sữa tên tuổi, còn với các hãng sữa rẻ tiền, sự mất an toàn của sản phẩm lại là điều đáng lo ngại.

Ở một số cơ sở tư nhân, "khâu chế biến sữa chỉ là... trộn các loại chất bột với nhau như thể 'trộn bê tông'. Sau đó đóng gói và được tiêu thụ trên thị trường một cách bình thường và giá khá rẻ", ông Thắng cho biết. Có nơi chỉ cần căn phòng với diện tích 30m2 và dây truyền máy móc trị giá khoảng 30-40 triệu là cũng đủ để làm thành sữa bán ra thị trường.

Với những dây truyền sản xuất như thế này không ai dám chắc sản phẩm an toàn. Theo ông Thắng, để sản xuất ra những sản phẩm sữa đảm bảo chất lượng, an toàn cho người dân không hề đơn giản. Một trong những yêu cầu thiết yếu là cơ sở vật chất, trang thiết bị. Doanh nghiệp phải có hệ thống nhà xưởng đáp ứng tiêu chuẩn, có thiết bị khử trùng, phòng thí nghiệm...

Cũng theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ người tiêu dùng nữ, một trong những nguyên nhân của thực trạng sữa kém chất lượng là do trên thị trường nước ta có hơn 300 dòng sản phẩm sữa nhưng việc quản lý vẫn còn thả lỏng.

"Các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia, các quy định về điều hiện vệ sinh an toàn đối với sữa chưa kịp thời bổ sung và ban hành. Có quá nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhưng lực lượng thanh kiểm tra còn quá hạn hẹp", bà Chi nói.

Thời gian tới Hội người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện chương trình lấy mẫu sữa của các doanh nghiệp để kiểm tra, không chỉ về chỉ tiêu đạm mà những thành phần khác trong sữa xem quảng cáo có đúng như sự thật không, thực sự trong sữa có những chất nào, thành phần giống như công bố không...

Theo khuyến cáo của Hội, khi chọn lựa sữa cho con cha mẹ không nhất thiết phải mua sữa ngoại. Điều quan trọng là chọn lựa loại sữa phù hợp với nhu cầu sử dụng, chọn mua sản phẩm của những thương hiệu lớn, xem xét kỹ các thông tin trên nhãn.

(Theo VNE)