BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải báo chí tỉnh Tây Ninh: Phản ánh trung thực những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống xã hội

Cập nhật ngày: 19/06/2011 - 11:09

PV báo đài tác nghiệp trong cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử

Giải Báo chí tỉnh Tây Ninh là giải thưởng chính thức hằng năm của tỉnh, nhằm đánh giá kết quả một năm tác nghiệp của những người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong tỉnh. Giải được duy trì liên tục đến nay là lần thứ X. Năm nay, Ban Thư ký 4 chi hội trực thuộc Hội Nhà báo tỉnh đã tuyển chọn được 66 tác phẩm báo chí, trong số hàng ngàn tác phẩm báo chí đã đăng trên Báo Tây Ninh, phát trên sóng Đài PTTH Tây Ninh từ ngày 21.6 năm trước đến 21.6 năm nay.

Nhìn chung, về nội dung các tác phẩm dự giải cho thấy báo chí Tây Ninh năm qua đã có sự tiếp cận, phản ánh cuộc sống xã hội gần gũi hơn, sâu sát hơn, thiết thực hơn và có tính định hướng, tính phát hiện rõ nét hơn các năm trước. Có thể nói, đó là một bước tiến đáng mừng, thực sự có tác động nâng cao chất lượng thông tin, chất lượng hoạt động báo chí của tỉnh nhà. Kết quả chấm giải phản ánh rất rõ điều đó.

Điểm qua các tác phẩm đạt giải cao, tác phẩm đoạt Giải đặc biệt chung cho cả hai loại hình báo chí của tỉnh là loạt phóng sự truyền hình “Thu hoạch lê thê, còn đâu vị ngọt mía đường”. Đây là loạt bài phản ánh một vấn đề phát sinh ngoài dự kiến của các nhà hoạch định kế hoạch sản xuất, chế biến mía đường, một cây thế mạnh của tỉnh đứng vào hàng đầu cả nước. Vấn đề phát sinh này, thực chất là sự bất cập của cả các công ty chế biến kinh doanh mía đường, lẫn các nông hộ sản xuất, cung ứng nông sản nguyên liệu cho các nhà máy. Đó là việc năng suất, sản lượng mía năm nay tăng cao, trong khi kế hoạch tiếp nhận nguyên liệu để chế biến của các nhà máy dự tính chưa tới, cho nên nảy sinh việc thu hoạch, đưa vào chế biến chậm trễ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng, khối lượng mía cây, tạo ra khó khăn cho cả nông dân lẫn nhà máy. Thực trạng này dẫn đến hệ luỵ là do nôn nóng giao nộp sản phẩm theo hợp đồng đầu tư, đã có những trường hợp nông dân đốt mía để được thu hoạch sớm, tạo ra sức ép tiêu thụ nguyên liệu đối với các nhà máy, khiến các công ty mía đường phải “cầu cứu” cơ quan chức năng quản lý Nhà nước về nông nghiệp, chính quyền các địa phương và các cơ quan truyền thông đại chúng can thiệp, vận động nông dân kiên trì giữ mía chờ thu hoạch đúng theo lịch trình của nhà máy. Rõ ràng đây là vấn đề rất mới, tuy có tạo ra khó khăn nhất thời nhưng lại thể hiện một bước tiến đáng mừng là trình độ thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật của người trồng mía nâng lên rõ rệt, đồng thời cũng cho thấy chính sách khuyến khích sản xuất của Nhà nước và nhà doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả đáng mừng.

Tác phẩm đạt giải Nhất thể loại PTTH là một chương trình Tiếng nói cử tri với chủ đề cải cách hành chính, đó là phóng sự “Những bất cập quanh chuyện nghèo”  nêu lên kết quả công tác điều tra bình xét hộ nghèo ở Tây Ninh theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và việc rút ra những bài học kinh nghiệm về những tồn tại từ nhiều năm trước trong hoạt động an sinh xã hội này. Đó là vấn đề khoảng cách chênh lệch rất nhỏ trong ngưỡng nghèo và cận nghèo dễ dẫn đến sai sót trong việc bình xét hộ nghèo ở cơ sở; vấn đề khó khăn mới nảy sinh đối với hộ thoát nghèo do không còn được vay vốn hỗ trợ cho con em học tập; vấn đề cách tính thu nhập sao cho thật chính xác để không bỏ sót hộ nghèo và hộ cận nghèo; vấn đề tập thể nhân dân không đồng tình bình xét đối với những người nghèo do sa vào tệ nạn xã hội… Việc các địa phương rút được kinh nghiệm trong công tác bình xét, cũng như việc công luận nêu lên được những bất cập đã góp phần giúp cho việc bình xét hộ nghèo chính xác hơn, hạn chế sai sót đến mức thấp nhất và có tính động viên, khuyến khích người nghèo phấn đấu vươn lên.

Phóng viên Đài PT-TH Tây Ninh tác nghiệp giữa một cánh rừng bị "lâm tặc" tàn phá

Các tác phẩm đạt giải Nhì, giải Ba của cả hai loại hình báo chí cũng tập trung khai thác các đề tài về những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, pháp luật mà những tựa bài đã toát lên được nội dung, bản chất của vấn đề như: cụm bài “25 triệu đồng một học sinh lớp 1 trái tuyến”, “Cần sớm vạch mặt, nghiêm trị thích đáng bọn xấu rạch đùi nữ sinh”, “Đất kênh thuỷ lợi, nhiều chuyện phải lo”, “Những vụ chuyển nhượng đất và thi hành án kỳ lạ”, “Bảo hiểm y tế: Bao giờ hết mệt vì thủ tục?” (báo in). Hay các đề tài “Cần tăng cường bảo vệ rừng”, “Nỗi lòng của rừng”, “Tết này bà con đã có điện rồi”, “Đổi thay từ những mái ấm tình thương”, “Kiệt quệ vì vay nặng lãi” (PTTH).

Tất cả các tác phẩm đạt giải chính thức cho thấy một nét chung trong hoạt động báo chí Tây Ninh năm vừa qua là tập trung phát hiện, phản ánh những sự việc, hiện tượng mới nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, biểu dương những nhân tố mới, nhân tố tích cực, phê phán những hiện tượng tiêu cực, biểu hiện phạm tội mới, giới thiệu, rút kinh nghiệm những vấn đề bất cập, hạn chế trên đường phát triển… Nét chung đó không chỉ thể hiện sự cố gắng thâm nhập sâu vào đời sống xã hội của những người làm báo, mà còn phản ánh bước phát triển mới của nền kinh tế, xã hội của tỉnh nhà trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

DANH SÁCH CÁC TÁC PHẨM ĐẠT GIẢI CHÍNH THỨC

GIẢI BÁO CHÍ TỈNH TÂY NINH LẦN THỨ X NĂM 2011

(Kèm theo Quyết định khen thưởng số 1224/QĐ-UBND,

ngày 16.6.2011 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Giải đặc biệt (chung cho hai thể loại PTTH và báo in): “Thu hoạch lê thê, còn đâu vị ngọt mía đường” của nhóm tác giả  Nguyễn Thị Phương Nguyệt – Trần Quốc Tuấn.

Thể loại PTTH:

Giải Nhất: “Những bất cập quanh chuyện nghèo” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Phương Nguyệt – Trần Quốc Tuấn.

Giải Nhì (2 giải): -“Cần tăng cường bảo vệ rừng” của tác giả Hồng Minh và -“Nỗi lòng của rừng” của nhóm tác giả  Nguyễn Thị Phương Nguyệt – Trần Quốc Tuấn.

Giải Ba (3 giải):-“Đổi thay từ những mái ấm tình thương” của tác giả Diệu Anh; “Kiệt quệ vì vay nặng lãi” của tác giả Hồng Minh; “Tết này bà con đã có điện rồi” của tác giả Huỳnh Minh Đức.

Thể loại Báo in:

Giải Nhất: “Kinh doanh đa cấp, liệu có làm giàu?” của tác giả Dương Nguyễn Hoàng Anh.

Giải Nhì (2 giải): -“Cần sớm vạch mặt, nghiêm trị thích đáng bọn xấu rạch đùi nữ sinh” của tác giả Hứa Minh Lợi, và “25 triệu đồng một học sinh lớp Một trái tuyến” của tác giả Nguyễn Quốc Khánh.

Giải Ba (3 giải): -“Đất kênh thuỷ lợi nhiều chuyện phải lo” của tác giả Dương Nguyễn Hoàng Anh; “Những vụ chuyển nhượng đất và thi hành án kỳ lạ” của tác giả Võ Hữu Đức. Và “Bao giờ hết mệt vì… thủ tục” của tác giả Đồng Viết Thắng.

Ban Tổ chức -

Ban Giám khảo Giải BCTN