BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giai cấp công nhân góp phần vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám tại Tây Ninh

Cập nhật ngày: 17/08/2010 - 10:26

Những năm gần đây các khu, cụm và cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát triển khá nhanh. Từ đó thu hút ngày càng nhiều lao động, nhất là lao động trẻ vào làm việc và cũng từ đó đội ngũ công nhân ở Tây Ninh phát triển ngày càng đông đảo. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, xin mời bạn đọc cùng ngược dòng thời gian tìm hiểu đôi nét về sự hình thành giai cấp công nhân và vai trò của công nhân Tây Ninh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. 

Các khu, cụm công nghiệp giải quyết được nhiều lao động, nhiều người có cuộc sống ổn định

Tài liệu “Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, lao động và công đoàn Tây Ninh (1945-1975)” cho biết, ở Tây Ninh đồn điền cao su Bến Củi được thành lập đầu tiên. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà tư sản Pháp bắt đầu đầu tư nhiều vào việc trồng cao su. Đồn điền cao su Bến Củi được mở rộng diện tích. Để đảm bảo lực lượng lao động, chủ đồn điền mộ phu từ miền Bắc vào (lúc ấy gọi là Bắc kỳ) vào làm công nhân với hình thức công tra (hợp đồng có thời gian). Vậy là từ đây cùng với giai cấp nông dân, ở Tây Ninh bắt đầu có giai cấp công nhân.

Cùng với sự ra đời của ngành khai thác cao su và công nhân cao su, đội ngũ công nhân ở các khu đô thị cũng bắt đầu hình thành. Tuy ngành nghề khác nhau nhưng giai cấp công nhân Tây Ninh cùng chung cảnh ngộ là bị các nhà tư sản và địa chủ bóc lột. Nhất là công nhân cao su chịu nhiều tầng lớp áp bức của chủ Tây, sếp Tây, thầy xu, thầy cai và chính quyền cai trị. Chế độ làm việc của công nhân cao su mỗi ngày từ 10 giờ đến 12 giờ. Lao động cực nhọc nhưng cơm ăn không no, áo quần không lành. Bên cạnh cuộc sống khó khăn, người công nhân cao su phải chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt như cúp lương, bớt lương…

Năm 1943, để tập hợp giai cấp công nhân ở Tây Ninh vào tổ chức đấu tranh chống thực dân Pháp, Công Hội đỏ đã cử đồng chí Nguyễn Gia Đằng là cán bộ của Công Hội đỏ đến Tây Ninh. Đồng chí Đằng đã tuyển chọn một số người có cảm tình với cách mạng đến xây dựng xưởng dệt ở Trà Võ (xã Thạnh Đức- Gò Dầu). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đằng những người ở xưởng dệt đã tuyên truyền đường lối của Đảng trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Sau đó, đồng chí Gia Đằng tìm cách liên lạc với công nhân ở các cơ sở cao su khác. Năm 1944, đồng chí xây dựng được cơ sở ở Bình Linh, Cầu Khởi (Dương Minh Châu). Tháng 4.1945, các đồng chí đảng viên ở Thanh Điền đã tổ chức một số công nhân làm nòng cốt cho cơ sở Việt Minh ở hãng đường. Các công nhân nòng cốt này hoạt động tuyên truyền cách mạng không những cho công nhân đang làm việc tại nhà máy, mà còn mở rộng ra công nhân trồng mía. Nhờ hoạt động của công nhân hãng đường nên phong trào Việt Minh đã ảnh hưởng đến toàn xã Thanh Điền (Châu Thành), thu hút cả những sĩ quan trong quân đội Pháp cùng tham gia hoạt động theo chương trình Việt Minh. Tháng 6.1945, Mặt trận Việt Minh ở Đôn Thuận (Trảng Bàng) đã hoạt động khắp địa bàn và lan đến Bến Củi (Dương Minh Châu). Các đồng chí trong Mặt trận Việt Minh đã móc nối được người thủ kho của sở cao su Bến Củi và đã tổ chức được cơ sở Việt Minh đầu tiên trong giai cấp công nhân ở Bến Củi.

Ngày 19.8.1945, cách mạng nổ ra và giành thắng lợi ở Hà Nội. Ở Tây Ninh, ngày 25.8.1945, Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo nhân dân tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại sân vận động thị xã Tây Ninh và tuần hành qua các đường phố chính ở Thị xã để biểu dương lực lượng. 14 giờ cùng ngày, một đoàn cán bộ từ Sài Gòn mang chỉ thị của Xứ uỷ về việc cướp chính quyền lên Tây Ninh. Ban vận động cướp chính quyền tỉnh nhận chỉ thị và triệu tập khoảng 500 quần chúng có trang bị súng, giáo, mác, tầm vông vạt nhọn đột nhập Tỉnh đường và chiếm các công sở. Đến tối 25.8.1945, chính quyền Tây Ninh đã hoàn toàn thuộc về tay nhân dân. Công nhân ở các sở cao su Bến Củi, Vên Vên, Trà Võ, Hiệp Thạnh, Cầu Khởi nổi dậy, tay dao, tay gậy kéo đến trụ sở đồn điền biểu tình thị uy. Các chủ đồn điền khiếp sợ phải bỏ chạy về Sài Gòn. Như vậy là lần đầu tiên, giai cấp công nhân ở Tây Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đứng lên phá bỏ xiềng xích, giành quyền làm chủ, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Được quan tâm giải quyết đầy đủ các chế độ chính sách, cuộc sống gia đình ổn định, công nhân Công ty cổ phần cao su Tây Ninh tích cực sản xuất, đã nhiều năm qua không có hiện tượng đình công, lãn công ở Công ty này

Từ khi nước nhà đổi mới đến nay, cùng với cả nước, kinh tế-xã hội của Tây Ninh từng bước phát triển. Cùng với các ngành công nghiệp cao su, mía, mì, đường… trên địa bàn Tây Ninh hình thành nhiều khu, cụm, cơ sở công nghiệp do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư với nhiều ngành nghề khác nhau. Nhờ vậy mà giải quyết được nhiều lao động trong tỉnh. Giai cấp công nhân Tây Ninh ngày càng đông  đảo. Tuy mức thu nhập của phần lớn công nhân ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa cao, nhưng nhìn chung cũng ổn định được cuộc sống. Riêng công nhân ngành cao su những năm gần đây có mức thu nhập khá. Đời sống vật chất và tinh thần của người công nhân luôn được quan tâm. Nhiều năm qua chưa nghe nói công nhân trong ngành cao su đình công, lãn công.

ĐỨC DÂN