Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giải pháp nào cho vườn chim Giếng Mạch?
Thứ năm: 08:09 ngày 12/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giải pháp nào để giữ được vườn chim? Khi nó không chỉ là tài sản quý giá, là sinh cảnh mà còn là văn hoá? Không chỉ là văn hoá xa xưa còn ghi đậm trong ca dao cổ tích mà còn là văn hoá của tương lai khi mà cả thế giới đã và đang quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái…

Đàn cò bay về mỗi chiều. Ảnh: Đặng Hoàng Thái

Sáng thứ ba, ngày 3.12.2019, kênh truyền hình VTV 1 có phát phóng sự về vườn chim ở Linh Giang Nam thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Xem các khuôn hình, tôi thấy giống vườn chim ở khu phố 4, phường 3, thành phố Tây Ninh. Địa phương ấy là một làng quê miền Bắc, nhưng dân cư đông nên chung quanh cũng là các phố rộng, nhà cao. Và người dân và chính quyền xã đều nhận thức được giá trị của vườn nên đã hợp sức cùng nhau bảo vệ. Thế là ở xã có một điểm du lịch rất đông người đến, nhất là vào dịp xuân sang.

Mà vườn chim Linh Giang Nam cũng chỉ có diện tích khoảng 30 mẫu bắc bộ - tức là khoảng 9 ha, bao gồm một hồ nước và 2 đảo bên trong. Lợi thế ở đây chính là vườn chim tập trung trên hai đảo ấy. Với số lượng cò, vạc lên tới 30.000 cá thể. Trong phóng sự này, có cả cảnh du khách đạp vịt bơi hoặc chèo xuồng tham quan dưới bầu trời xao xác cánh cò bay. Nhưng nhìn kỹ, vườn ngoài kia chưa có nhiều chim cò bằng vườn chim Giếng Mạch ngay giữa lòng thành phố Tây Ninh.

Mới đây, trên Báo Tây Ninh ngày 30.11 có bài “Vườn cò Giếng Mạch- S.O.S” của nhà báo Nguyễn Thiện nói về sự khẩn cấp, cứu lấy vườn chim. Bài báo đã mô tả thật đúng và trúng về tương lai rất gần sẽ mất hẳn vườn chim. Vì người dân có công gầy dựng và bảo vệ vườn đã không còn đủ sức, trong khi các cấp chính quyền thì ngó lơ, xem như không phải chuyện của mình - cho dù trong bản quy hoạch chung thành phố Tây Ninh cũng đã xác định khu vực này thuộc vùng dự trữ sinh thái cho toàn thành phố.

Cái hay nữa là tác giả đã gọi trúng tên, để từ nay ta có thể gọi đấy là vườn cò (chim) Giếng Mạch. Bởi vườn rất gần, chỉ cách đại lộ 30.4 có hơn 200 mét, từ địa danh có tên xưa là Giếng Mạch nhìn qua. Ngày nay ở đây có một công trình dễ nhận ra là toà nhà trụ sở của Viettel với trụ tháp anten cao vút làm điểm nhấn của không gian kiến trúc.

Vào khoảng cuối tháng 11, kênh VTV1 cũng có một tin ngắn về đàn cò cổ rắn mới xuất hiện ở phường Bửu Long, TP. Biên Hoà. Ba ngày sau, Đài PT&TH Tây Ninh có bản tin (bằng hàng chữ chạy phụ đề) rằng tỉnh Đồng Nai lập tức triển khai các biện pháp bảo vệ đàn cò. Đây là một phản ứng rất nhanh của chính quyền tỉnh, rất phù hợp với việc bảo vệ môi trường sống trong đô thị. Đây là mối quan tâm hàng đầu của thế giới cũng như của Chính phủ thời gian qua.

Cò tại vườn chim, tháng 12.2019.

Thế còn ở tỉnh ta? Nhà báo Nguyễn Thiện đã ghi được vài ý kiến, một của cán bộ Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; hai là ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá 11, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua, vườn chim đặc biệt đông vui. Để mỗi buổi chiều, người dân hay công chức đi làm về đều thấy những cánh cò bay trên bầu trời thành phố Tây Ninh. Dù ta đi trên đường 30.4, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Hưng Đạo hay Lê Lợi…

Chúng bay về phía vườn chim. Ở đây, từ khoảng 17 giờ 30 đã thật đông đảo những cánh cò, cánh chim trời vần xoay như vũ hội. Đông vui đến nỗi ông Ba Lệnh, một nông dân đang sạ lúa cạnh vườn chim gọi là những ngày “chim hội”. Kiểu như ở Cà Mau có những ngày cá hội, dân chài lưới từng đoàn rủ nhau đi đánh cá đường. Còn ở thành phố Tây Ninh vài năm trước đây cũng có ngày bướm hội, vào khoảng cuối tháng 12, hoặc đầu tháng 1 dương lịch. Chỉ một ngày ấy thôi là phấp phới những cánh bướm trắng nhỏ trên khắp các con đường thành phố. Thêm ngày hội chim cò này nữa là TP. Tây Ninh xứng danh thành phố môi trường xanh, thân thiện và đáng sống biết bao.

Những ngày qua (đầu tháng 12) đang là cao điểm của mùa chim hội. Khi chiều buông, chim cò từ mọi hướng bay về. Thoạt tiên là những đàn chim cổ rắn- loài mới xuất hiện ở thành phố Biên Hoà, mà theo các cán bộ Kiểm lâm Đồng Nai, đây là loài được ghi tên trong sách đỏ, tức là loài cần được khẩn cấp bảo vệ. Ở Tây Ninh, người nông dân vẫn gọi đó là chim cồng cộc, hay chim cốc.

Sau là các đàn chim sáo vun vút lao về như tên bắn. Chẳng mấy chốc bầu trời đã hội đủ các loài chim, cò, vạc… vần vũ như từng cơn lốc xoáy trước khi hạ xuống khu vườn. Cho đến khi trời sập tối vẫn còn những bầy cò bay về, lượn vòng đầy trời tìm chỗ trú chân. Chim cò đông đến độ, có những bầy đàn đã phải bay đi nơi khác tìm chỗ qua đêm nghỉ tạm. Một trong những nơi ấy là vườn tre phía Bắc cầu Bến Dầu thuộc xã Bình Minh, TP. Tây Ninh. Từ khoảng ngày 1.12, ở đây đã có người giăng lưới đón chờ bẫy khiến bầy cò lại tiếp tục dạt về nơi khác.

Giải pháp nào để giữ được vườn chim? Khi nó không chỉ là tài sản quý giá, là sinh cảnh mà còn là văn hoá? Không chỉ là văn hoá xa xưa còn ghi đậm trong ca dao cổ tích mà còn là văn hoá của tương lai khi mà cả thế giới đã và đang quan tâm sâu sắc đến các vấn đề như đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái…

Không ai khác hơn, chính là UBND Thành phố cần có biện pháp bảo vệ vườn chim. “Xây dựng nơi đây trở thành điểm đến cho khách du lịch” như ý kiến của đại diện Phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, có lẽ cần một khoảng thời gian không ngắn. Vậy nên, trước mắt cần bổ sung vào quy hoạch chung của TP. Tây Ninh một khu công viên Văn hoá vườn chim. Điều mà quy hoạch đô thị Hoà Thành đã làm được, với các địa điểm ở khu Năm Trại - Trường Đông hay Gò Kén - chùa Thiền Lâm thuộc xã Long Thành Trung.

Nguy cơ biến mất vườn cò (chim) đã ở ngay trước mắt. Mà nếu mất đi, là thế hệ hôm nay có lỗi với các thế hệ mai sau.

TRẦN VŨ

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục