BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải pháp nào hạn chế ly hôn? 

Cập nhật ngày: 29/10/2018 - 11:51

BTN - Sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha hoặc mẹ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách sau này. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con. Nhiều trường hợp, cả hai vợ chồng đều có gia đình mới, con trẻ được giao lại cho ông bà nuôi dưỡng.

Một gia đình tham gia hội thi nấu ăn do Sở VH,TT&DL phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 (ảnh minh hoạ).

Ngày 25.10 vừa qua, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp cùng các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng - Giải pháp hạn chế tình trạng ly hôn trong gia đình”. Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân ly hôn của các gia đình trên địa bàn tỉnh hiện nay, đồng thời đưa ra những giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng ly hôn, cách thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân về tầm quan trọng của gia đình trong đời sống văn hoá xã hội.

Trăm ngàn lý do để ly hôn

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những giá trị chuẩn mực đạo đức tốt đẹp đã góp phần tô thắm nét đẹp truyền thống của bản sắc văn hoá dân tộc. Do đó, việc gìn giữ và phát huy truyền thống gia đình là một vấn đề hết sức bức thiết, được Ðảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Thông thường, chúng ta chỉ có một lý do để kết hôn là mong muốn gắn kết giữa hai con người có cùng chí hướng xây dựng gia đình. Thế nhưng, đến khi ly hôn, mỗi người lại có đến hàng trăm lý do để biện giải.

Theo số liệu của Toà án nhân dân (TAND) tỉnh, từ năm 2016 đến nay, số vụ ly hôn ngày càng tăng và nguyên nhân, tính chất của các vụ ly hôn cũng ngày càng phức tạp hơn. Cụ thể, năm 2016, TAND tỉnh thụ lý 6.271 vụ ly hôn, năm 2017 là 6.432 vụ, 6 tháng đầu năm 2018 là 4.378 vụ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là mâu thuẫn gia đình, chiếm tỷ lệ khoảng 85%. Các nguyên nhân còn lại gồm có: bạo lực gia đình, ngoại tình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, mâu thuẫn về kinh tế, do đối phương nghiện cờ bạc, ma tuý…

Ðộ tuổi ly hôn của các cặp vợ chồng cũng ngày càng trẻ hoá, nhóm tuổi từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỷ lệ khá cao. Việc này đã vô tình làm cho một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ có suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân, từ đó ngại kết hôn hoặc chậm kết hôn.

Ly hôn là một chế định quan trọng trong Luật Hôn nhân và Gia đình, bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; tôn trọng các quyền nhân thân và tài sản các bên trong ly hôn; quyền của phụ nữ và trẻ em… Tuy nhiên, ly hôn cũng kéo theo những hệ luỵ phức tạp. Trong đó, người phụ nữ chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi nhất khi phải vừa nuôi dạy con cái, vừa bị áp lực kinh tế, ảnh hưởng tâm lý, tình cảm...

Sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ là những đứa con vô tội phải sống trong cảnh thiếu thốn tình thương, sự quan tâm, chăm sóc của cha hoặc mẹ, ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách sau này. Việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của những đứa con. Nhiều trường hợp, cả hai vợ chồng đều có gia đình mới, con trẻ được giao lại cho ông bà nuôi dưỡng.

Những đứa trẻ thiếu tình thương cha mẹ bị tác động tâm lý, dễ mắc bệnh trầm cảm hoặc sa vào các tệ nạn xã hội vì thiếu sự quan tâm của gia đình. Có thể nói, một gia đình ly hôn chẳng mang lại lợi ích gì cho xã hội, ngược lại nó càng làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên phức tạp hơn.

Ði tìm giải pháp

Trình bày tại hội thảo, Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà, công tác tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho rằng, hiện tượng ly hôn gia tăng ở Tây Ninh cũng như các tỉnh, thành khác trong cả nước đều chịu những quy luật, tác động nhất định; mà sự tác động mạnh mẽ, rõ rệt nhất chính là bối cảnh xã hội. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa tác động tích cực lẫn tiêu cực đến gia đình Việt Nam. Cuộc sống ngày càng hiện đại đã làm con người trở nên tất bật hơn, không ít người bị cuốn theo guồng quay của công việc. Từ đó, họ ít có thời gian dành cho gia đình.

Công việc và những cám dỗ trong cuộc sống đã tách hai vợ chồng ra xa hơn và ly hôn là điều tất yếu. Bên cạnh đó, với sự phát triển như vũ bão của mạng lưới công nghệ thông tin, mạng xã hội đa phương tiện vừa góp phần kết nối con người, cũng vừa góp phần làm rạn nứt các mối quan hệ vợ chồng do không tìm hiểu kỹ thông tin về người bạn đời, yêu xa, kết hôn vội vàng, sống ảo…

Cũng theo Thạc sĩ Lê Ngọc Hoà, các vụ ly hôn thường xảy ra ở các gia đình trẻ là do giới trẻ ngày nay thường yêu nhanh, cưới vội, thiếu kỹ năng sống trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Nhiều cặp vợ chồng trẻ chưa có nghề nghiệp ổn định đã vội có con, từ đó phát sinh thêm chi phí nuôi con. Áp lực kinh tế lên người chồng, áp lực nuôi con lên người mẹ khiến các gia đình trẻ dễ phát sinh mâu thuẫn. Khi xảy ra mâu thuẫn, họ không biết cách xử lý, giải quyết dẫn đến bạo lực gia đình và hôn nhân đổ vỡ là điều không tránh khỏi.

Do đó, để hạn chế tình trạng ly hôn, các cơ quan chính quyền, đoàn thể có trách nhiệm cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình; tạo điều kiện cho các gia đình trẻ ổn định kinh tế, đời sống; thực hiện có hiệu quả phong trào xây dựng gia đình văn hoá một cách thực chất; kịp thời biểu dương, nhân rộng những tấm gương sáng, điển hình trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, nuôi dạy con cái nên người…

Ðối với gia đình, các bậc cha mẹ không nên khuyến khích con cái lập gia đình quá sớm hoặc ép duyên, dàn xếp hôn nhân; thường xuyên trò chuyện, nâng cao nhận thức của con cái về xây dựng gia đình; chia sẻ kinh nghiệm dung hoà tình cảm vợ chồng trong một gia đình…

Trước hiện trạng gia tăng ly hôn ở các gia đình trẻ, đại diện Tỉnh đoàn cho rằng, một gia đình  hạnh phúc phải từ tình yêu chân thành, lấy yêu thương, chia sẻ làm nền tảng và luôn tôn trọng lẫn nhau. Vợ chồng phải dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cùng chia sẻ gánh nặng gia đình, cùng hiểu và thông cảm cho nhau.

Trong khi đó, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề cao vai trò không thể thiếu của người phụ nữ trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bởi người phụ nữ khéo léo, có kiến thức, có kỹ năng, biết chia sẻ, quan tâm chăm sóc gia đình chính là hậu phương vững chắc của người chồng.

Tăng cường công tác hoà giải

Ðại biểu Ðỗ Văn Thinh- Phó Chánh án TAND tỉnh cho rằng, để hạn chế tình trạng ly hôn cần tăng cường công tác hoà giải tại cơ sở vì hoà giải là một giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết ly hôn. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hoà giải được thực hiện tại cơ quan hành chính cấp xã và hoà giải tại Toà án. 

Theo báo cáo thống kê từ TAND hai cấp trong tỉnh, năm 2016 có 188 vụ hoà giải thành công, năm 2017 là 70 vụ, 6 tháng đầu năm 2018 là 160 vụ. Ðiều này chứng tỏ, công tác hoà giải chiếm vai trò hết sức quan trọng trong việc hàn gắn mối quan hệ gia đình, hạn chế ly hôn.

Thực tế, ly hôn thường bắt nguồn từ mâu thuẫn vợ chồng và nghiêm trọng hơn khi cả hai bên đều không có tiếng nói chung, không có can đảm để bộc lộ những suy nghĩ, khổ tâm trong lòng mỗi người. Vì cái tôi cá nhân, vì sĩ diện, nhiều người vẫn chọn ly hôn để giải thoát thay vì cùng ngồi lại để chia sẻ, giải quyết triệt để các mâu thuẫn, tìm hướng đi tốt đẹp cho hôn nhân.

Ðại diện TAND tỉnh, ông Thinh nêu giải pháp cần khuyến khích các cặp vợ chồng muốn ly hôn thực hiện hoà giải ly hôn ở cơ sở. Xem đây là thủ tục bắt buộc trước khi đưa đơn lên toà án giải quyết. Hoà giải viên là những người thường xuyên gắn bó, gần gũi với các cặp vợ chồng ở nơi sinh sống. Từ đó đưa ra những lời khuyên đúng đắn và cần thiết cho người trong cuộc. Hoà giải ly hôn ở cơ sở diễn ra nhanh chóng, hạn chế mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng hơn hoặc những mâu thuẫn nhỏ sẽ được giải quyết ngay, tạo điều kiện hàn gắn mối quan hệ gia đình cao.

Tại hội thảo, đại diện UBMTTQ Việt Nam tỉnh cũng đóng góp tham luận với chủ đề “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác hoà giải mâu thuẫn gia đình”. Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình, trong thời gian tới, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện hoạt động hoà giải cơ sở lồng ghép vào xây dựng và thực hiện quy ước khu dân cư; động viên người có trình độ, uy tín, am hiểu pháp luật tham gia làm hoà giải viên cơ sở ở các địa phương; tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư.

Lê Thuỳ