Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giải pháp tình thế và chuẩn mực sư phạm
Thứ sáu: 09:08 ngày 10/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Mới đây, ngày 3-3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) yêu cầu các địa phương dừng ngay việc điều chuyển giáo viên phổ thông dôi dư xuống dạy bậc học mầm non khi chưa qua đào tạo. Có thể nói, dù đây là quyết định tình thế, nhưng đúng và phù hợp.

Theo thống kê của Bộ GD và ĐT, tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương và có ở tất cả các cấp học. Tổng số giáo viên công lập ở một số môn, lĩnh vực dôi dư là 26.750 người (trong đó, tiểu học 3.194 người, THCS 21.005 người, THPT 2.551 người), tổng số giáo viên công lập ở một số môn học, lĩnh vực hoạt động còn thiếu là 45.058 người (trong đó, mầm non 32.641 người, tiểu học 7.824 người, THCS 2.799 người, THPT 1.794 người). 

Nguyên nhân tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ là do các địa phương ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên chưa đúng quy định; còn nhiều bất hợp lý trong việc luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm... Trước tình trạng nêu trên, nhiều địa phương đã vội vã đưa giáo viên đang dạy THCS, THPT thuộc diện dôi dư xuống dạy bậc học mầm non, tiểu học, gây ra nhiều hệ lụy. Trước hết, việc làm này gây ra nhiều khó khăn với giáo viên dạy THCS, THPT trong diện điều chuyển. Giáo dục mầm non là bậc học đặc thù, không những đòi hỏi giáo viên phải được đào tạo bài bản, đáp ứng được những kiến thức, kỹ năng chuyên biệt để có thể chăm sóc, giáo dục trẻ tốt nhất, mà còn đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm thì mới mang lại hiệu quả trong việc giảng dạy. Giáo viên mầm non phải hiểu rõ tâm, sinh lý của trẻ, có kỹ năng sư phạm tốt để không chỉ “dạy” mà còn “dỗ”, nhất là các cô giáo phải có năng khiếu âm nhạc, hội họa, múa hát, đọc thơ, kể chuyện và có khả năng tổ chức các hoạt động để cuốn hút trẻ tham gia. Do đó, không phải cứ bằng cấp cao hơn, cứ dạy được cấp học cao hơn là có thể dạy tốt ở cấp dưới. 

Về học sinh, trẻ ở lứa tuổi mầm non thường rất hiếu động và tâm, sinh lý thay đổi thất thường, nhiều trẻ còn chưa biết cách bày tỏ mong muốn của mình bằng ngôn ngữ một cách rõ ràng như học sinh THCS, THPT, điều đó đòi hỏi giáo viên mầm non phải có sự kiên nhẫn và khả năng kiềm chế tốt thì mới đảm đương được nhiệm vụ. Toàn bộ kiến thức và kỹ năng đứng lớp được trang bị cho giáo viên mầm non là theo một chuẩn mực sư phạm riêng, không thể tùy tiện thay đổi. Vì vậy, việc bố trí giáo viên dôi dư ở bậc THCS, THPT xuống dạy mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bởi đặc thù công việc và môi trường làm việc của hai cấp học hoàn toàn khác nhau. 

Để tăng cường đội ngũ giáo viên mầm non có chất lượng cho các địa phương, trong bối cảnh nguồn cung vừa thừa vừa thiếu như hiện nay, giải pháp tình thế có thể là đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non cho những người đã tốt nghiệp chương trình đào tạo sư phạm bậc phổ thông. Bộ GD và ĐT đã giao Trường đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì, phối hợp với các trường sư phạm khác nghiên cứu, khảo sát kỹ để xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn của chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non, báo cáo Bộ GD và ĐT trước khi triển khai. 

Song, về định hướng, quy hoạch sự phát triển lâu dài của ngành học mầm non không thể tách rời những nghiên cứu, dự báo phát triển tổng thể của ngành giáo dục cũng như tình hình xã hội mỗi địa phương, cả nước. Chất lượng giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục. Do vậy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào, kiên quyết không tuyển sinh những người học không đáp ứng yêu cầu cơ bản của giáo viên bậc học mầm non. Quá trình đào tạo phải được tổ chức trực tiếp theo hướng tăng thời lượng thực hành và kiểm soát chặt chẽ đầu ra. Ngành giáo dục và ngành nội vụ phải chủ động phối hợp chặt chẽ trong chỉ tiêu đào tạo và phân bổ, luân chuyển giáo viên ra trường, đào tạo sát nhu cầu, không để bị rối loạn nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, Bộ GD và ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình triển khai chương trình đào tạo văn bằng 2 sư phạm mầm non để bảo đảm người học sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. 

Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục