Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Huyện đang lúng túng khi chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 về xử lý đất bao chiếm trên diện tích 185 ha đất bán ngập (từ mực nước 14,4m trở xuống) ở TK 63.

Ngày 27.1.2010, UBND huyện Dương Minh Châu (DMC) ban hành Kế hoạch giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn huyện. Đồng thời xã có rừng (xã Suối Đá) xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn xã và đưa ra phương án giải quyết các hộ lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện chủ trương giải quyết bao chiếm đất lâm nghiệp, đã có nhiều hộ vi phạm tự nguyện chấp hành. Thế nhưng hiện tại Ban chỉ đạo huyện đang gặp vấn đề khó khăn.
Huyện DMC có 2 tiểu khu phải giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích theo Quyết định 875 của UBND tỉnh, nhưng chủ yếu là ở Tiểu khu (TK) 63 thuộc địa bàn xã Suối Đá (diện tích là 440 ha). Trong đó có khoảng 225 ha đất không ngập ở cao trình trên 24,4m và diện tích đất bán ngập là khoảng 185 ha dưới cao trình 24,4m. Theo kế hoạch của huyện thì giai đoạn đầu tiến hành xử lý diện tích đất không ngập trước để tiến hành trồng rừng theo quy định, giai đoạn sau sẽ xử lý đến đất bán ngập.
Theo bà Bùi Thị Hải Đường, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện DMC thì giai đoạn 1 đến nay đã giải quyết xong phần lớn diện tích đất không ngập trong TK 63. Qua kê khai của người dân và khảo sát thực tế, huyện đã thống kê lập danh sách được 93 hộ (238 ha) trong đó diện tích trồng cao su là 73,9 ha, mía 118 ha, còn lại 46,1 ha trồng các loại cây khác. Tuy nhiên, sau khi rà soát, tổng diện tích đất bao chiếm phải xử lý để chuyển sang trồng rừng ở TK 63 chỉ có 161,8 ha. Trong quá trình giải quyết, đã có 25 hộ dân vi phạm tự nguyện chặt bỏ cây trồng không đúng mục đích (diện tích 61,5 ha) để thiết kế trồng rừng. Đối với các hộ không chấp hành chủ trương, cố tình kéo dài, Ban chỉ đạo đã áp dụng các biện pháp kiên quyết trong xử lý.
![]() |
Đất bán ngập trong hồ Dầu Tiếng |
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định 875 của UBND tỉnh, đến nay trên diện tích đất không ngập ở TK 63 đã có 196,8 ha xử lý và thiết kế đưa vào trồng rừng. Số diện tích gần 20 ha còn lại đang được Ban chỉ đạo tiếp tục theo dõi và vận động các hộ đã có quyết định phạt hành chính, nếu không chấp hành sẽ kiên quyết xử lý cưỡng chế.
Như vậy, giai đoạn 1 giải quyết tình trạng bao chiếm ở huyện DMC đang tiến hành tốt, kết quả đạt được tương đối khá và diện tích phải trồng rừng đã đạt khá cao. Tuy nhiên, hiện tại thường trực Ban chỉ đạo huyện đang lúng túng khi chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 về xử lý đất bao chiếm trên diện tích 185 ha đất bán ngập (từ mực nước 14,4m trở xuống) ở TK 63. Lúng túng trước tiên là hiện tại vẫn còn một số diện tích đất bán ngập chưa xác định được “chủ”. Trong thời gian qua, Ban chỉ đạo huyện đã áp dụng nhiều cách như thông báo tại địa phương, trên phương tiện thông tin đại chúng, trên pa nô… nhưng vẫn còn một số hộ không đăng ký kê khai. Do chưa xác định được hộ bao chiếm nên việc xử lý bị ngưng trệ. Theo Ban chỉ đạo thì vấn đề này huyện đã tham khảo với cơ quan chức năng tỉnh và được hướng dẫn trình tự xử lý- cưỡng chế. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn trình tự, thủ tục tiến hành xử lý những trường hợp này nên huyện chưa mạnh dạn áp dụng. Lúng túng kế đến là việc trồng rừng. Theo quy định, sau khi tiến hành xử lý tình trạng bao chiếm là phải tiến hành trồng rừng. Thế nhưng đối với đất bán ngập, hiện nay chưa có mô hình trồng rừng chuẩn, chưa có danh mục cây trồng trên đất bán ngập hiệu quả. Do đó, nếu đất xử lý đất bán ngập bị bao chiếm xong mà không kịp thời tiến hành trồng rừng thì có nguy cơ bị tái bao chiếm. Còn nếu phải trồng rừng thì chẳng biết phải trồng loại cây gì cho phù hợp với đất bán ngập. Trong nhiều năm qua cũng đã có nhiều dự án trồng rừng trên đất bán ngập nhưng chưa có mô hình nào thực sự an toàn, hiệu quả.
Chủ trương giải quyết tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích của tỉnh là cố gắng kết thúc vào cuối năm nay. Thế nhưng lúng túng ở huyện Dương Minh Châu khi triển khai giải quyết trên đất bán ngập đến nay vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ. Nếu như tình trạng lúng túng còn tiếp tục kéo dài thì tiến độ giải quyết bao chiếm đất lâm nghiệp vào cuối năm nay ở huyện Dương Minh Châu khó có thể đảm bảo kết thúc được vào cuối năm nay.
Sơn TrẦn