BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám đốc Sở NN&PTNT: Hạn chế đến mức thấp nhất sai sót trong thi công hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng

Cập nhật ngày: 15/12/2009 - 06:18

 

Giám đốc Sở NN-PTNT trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh.

Dự án “Hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng” trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có vốn đầu tư lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Để quản lý dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thành lập 3 Ban quản lý, trong đó Ban quản lý thuộc tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là PMU Tây Ninh) được giao quản lý thi công từ kênh cấp 1 trở xuống. Do triển khai thi công chậm hơn dự kiến đến hơn 5 năm nên việc thi công diễn ra cập rập và không tránh khỏi sai sót (Báo Tây Ninh đã phản ánh tình trạng này trong các số báo cuối tháng 11.2009). Tại kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khoá VII, Thường trực HĐND tỉnh đã chất vấn lãnh đạo Sở NN&PTNT Tây Ninh nội dung trên và đề nghị cho biết giải pháp để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.

Trả lời chất vấn chung quanh việc sai sót trong thi công hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng, ông Vương Quốc Thới- Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết tổng vốn đầu tư nâng cấp hệ thống thuỷ lợi từ kênh cấp 1 trở xuống do tỉnh làm chủ đầu tư là gần 500 tỷ đồng, nâng cấp trên 200 tuyến kênh có tổng chiều dài hơn 300 km, với tổng khối lượng bê tông hoá đến hơn 11.000 m3. Chưa bao giờ Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư một công trình có quy mô lớn đến như vậy, nhưng lại chỉ triển khai thi công có 8 tháng trong hai mùa mưa năm 2009- 2010 và tất cả đơn vị trúng thầu thi công đều là các đơn vị ngoài tỉnh. Do đó khi triển khai thi công có nhiều khó khăn và sai sót. Tuy nhiên, về sau những sai sót dần được hạn chế.

Mùa mưa năm 2010 khối lượng thi công sẽ tăng nhiều hơn mùa mưa năm nay do có đến hơn 40 gói thầu thi công đồng loạt. Áp lực bởi khối lượng thi công quá lớn trong khi thời gian thi công thì quá ngắn, giải pháp nào để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình? Ông Vương Quốc Thới cho biết để đảm bảo tiến độ thi công trước tiên Ban quản lý yêu cầu đơn vị thi công phải có kế hoạch thi công chi tiết để thực hiện đúng tiến độ, trong đó có nêu cụ thể về thiết bị xe máy, nhân lực, tổ, đội thi công trong từng tuần lễ thi công. Ban quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra, nếu đơn vị nào không đảm bảo tiến độ đúng kế hoạch hàng tuần thì buộc phải tăng cường lực lượng thi công, nếu không đảm bảo 2 tuần liên tiếp thì sẽ bị xử phạt theo quy định- 0,1% giá trị hợp đồng trên mỗi ngày trễ hạn, nếu không đảm bảo tiến độ liên tiếp 3 tuần thì có thể bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hàng tuần, Ban quản lý tổ chức họp giao ban tại hiện trường để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thi công, kiểm tra tiến độ và chất lượng công trình. Ngoài ra, trong mùa khô sẽ có một số tuyến kênh tiếp tục thi công bằng cách đắp đập dẫn dòng từng đoạn để vừa thi công vừa đảm bảo nước tưới cho đồng ruộng. Bằng cách này có thể đẩy nhanh hơn tiến độ thi công so với dự kiến ban đầu là chỉ thi công trong mùa mưa.

Về chất lượng công trình, để đảm bảo trước tiên Ban quản lý tăng cường lực lượng giám sát thi công bằng cách hợp đồng thêm các đơn vị tư vấn giám sát thuộc Bộ NN&PTNT, TP.HCM và một số đơn vị trong tỉnh. Lực lượng giám sát thi công phải thường xuyên có mặt tại hiện trường, kiểm tra quy trình thực hiện công tác làm đất, kiểm tra vật liệu đầu vào (cát, đá, sắt thép, xi măng…) của công tác bê tông, quản lý lấy mẫu thí nghiệm đất và bê tông theo quy định. Đồng thời giám sát thi công thường xuyên kiểm tra hiện trường về cấp phối bê tông khi trộn và sử dụng súng bật nẩy để kiểm tra nhanh chất lượng bê tông khi đủ ngày tuổi để chấn chỉnh ngay chất lượng bê tông. Song song đó, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy chế giám sát cộng đồng và kiên quyết xử lý vi phạm về chất lượng đúng theo quy định.

Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng với những giải pháp như vậy có thể đảm bảo tiến độ thi công, đồng thời sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những sản phẩm không đạt chất lượng trong quá trình hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng.

Một tuyến kênh đang thi công bê tông hoá.

Sơn Trần