Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong tình hình chung cả nước, đội ngũ bác sĩ làm công tác chuyên môn tại các cơ sở y tế hiện nay còn thiếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân…
Trong tình hình chung cả nước, đội ngũ bác sĩ làm công tác chuyên môn tại các cơ sở y tế hiện nay còn thiếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân…
|
Ông Trần Văn Bé - Giám đốc Sở Y tế đang trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 6 |
(BTN) - Tại kỳ họp thứ 6 – HĐND tỉnh, bác sĩ Trần Văn Bé - Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn của đại biểu về chất lượng công tác khám, chữa bệnh; tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, người dân phải mua bên ngoài và bệnh viện xem bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT) là “bệnh nhân loại 2”. Bác sĩ Trần Văn Bé cho biết, trong năm qua, ngành Y tế Tây Ninh có những bước phát triển tốt. Công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ các bệnh viện tuyến huyện đến các trung tâm y tế, các trạm y tế xã đều được nâng cao chất lượng công tác về các mặt, chuyên môn, trang thiết bị, cơ sở vật chất... Trong tình hình chung cả nước, đội ngũ bác sĩ làm công tác chuyên môn tại các cơ sở y tế hiện nay còn thiếu so với nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân; nhưng các cơ sở y tế trong toàn tỉnh đều hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Có ý kiến cho rằng chất lượng công tác khám chữa bệnh của ngành Y tế Tây Ninh yếu kém là chưa thật sự cảm nhận được sự phấn đấu phát triển của ngành trong thời gian qua. Tuy nhiên, có lúc, có nơi trong công tác chuyên môn có sai sót dù không lớn, nhưng làm cho người bệnh cảm thấy chưa yên tâm điều trị.
Về ý kiến cho rằng bệnh viện thiếu thuốc, người dân phải mua ngoài, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay các loại thuốc, hoá chất, vật tư y tế phục vụ bệnh nhân trong hệ thống y tế công lập của tỉnh đều được tổ chức đấu thầu và mua theo kết quả trúng thầu. Do phải đấu thầu nên có thể có một số ít mặt hàng đấu thầu không thành công. Ngành Y tế khắc phục bằng cách mua theo các hình thức chào giá cạnh tranh, mua trực tiếp trong khuôn khổ qua các quy định hiện hành để đảm bảo thuốc men phục vụ người bệnh. Ý kiến phản ánh thuốc thường xuyên thiếu phải mua bên ngoài là chưa đúng với tình hình cung cấp thuốc của các bệnh viện. Nếu có xảy ra thì chỉ là một vài trường hợp đơn lẻ khi thuốc chưa cung ứng về tới bệnh viện kịp thời. Về việc này các bệnh viện, trung tâm y tế luôn kiểm tra nhắc nhở và khắc phục khó khăn để tránh không cho bệnh nhân phải mua thuốc bên ngoài.
Về ý kiến cho là bệnh viện xem bệnh nhân BHYT là “bệnh nhân loại 2”, Bác sĩ Trần Văn Bé cho biết, hoạt động khám và chữa bệnh BHYT đã mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân được hưởng các quyền lợi do Luật BHYT quy định, nhất là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và diện chính sách. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều bất cập gây không ít phiền hà cho người bệnh. Trong công tác khám chữa bệnh BHYT, theo Luật BHYT và các thông tư hướng dẫn, các văn bản quy định của Bảo hiểm xã hội đòi hỏi phải có những thủ tục hành chính. Dựa vào những quy định này, bệnh nhân đi khám bệnh phải trải qua một chuỗi thủ tục rất mất thời gian như: xếp hàng, lấy số thứ tự, vào kiểm tra thẻ BHYT, chứng minh nhân dân, giấy chuyển viện, phiếu hẹn, nhập dữ liệu vào mạng vi tính. Khi vào khám bệnh, y bác sĩ phải lập bảng phiếu chứng từ. Khám bệnh xong bệnh nhân phải nộp một phần viện phí cùng chi trả, ký tên, lãnh thuốc. Một số bệnh nhân phải làm thủ tục chuyển tuyến trên, hoặc được cấp giấy hẹn tái khám. Số bệnh nhân có thẻ BHYT ngày càng đông thì thời gian chờ đợi của bệnh nhân ngày càng dài ra. Nhưng đây là các thủ tục cần thiết phải có khi thanh quyết toán với quỹ BHYT. Việc quản lý công tác khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYTcòn phải tuân thủ các quy định về tài chính, không phải do ý muốn chủ quan của ngành Y tế đặt ra. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ cố gắng khắc phục những điểm còn thiếu sót, những mặt tồn tại để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
DH