Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Góc nhìn
Giảm hồ sơ, sổ sách cho giáo viên- món quà xuân của Bộ trưởng Giáo dục
Chủ nhật: 13:22 ngày 17/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 18.1.2019, Bộ GD&ĐT ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường. Đây là động thái của Bộ trưởng sau các chuyến đi thực tế ở một số địa phương, chứng kiến những áp lực mà giáo viên phải gánh chịu.

Chỉ thị này được xem là một tín hiệu tích cực và đã “chạm” vào một số vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua, là sự hiện thực hoá chỉ đạo của Bộ trưởng về giảm áp lực cho giáo viên, là một món quà xuân có ý nghĩa, đem lại niềm vui cho cán bộ quản lý và giáo viên.

Năm 2018, do nhiều nguyên nhân, ngành Giáo dục có nhiều sự kiện không hay khiến dư luận xã hội bức xúc. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vì chịu quá nhiều áp lực cho nên một số giáo viên đã suy nghĩ, hành xử phi giáo dục, gây hậu quả đáng tiếc.

Bộ trưởng đã từng nêu ra những áp lực đối với giáo viên như môi trường làm việc có sự giám sát thường xuyên, đôi khi quá nghiêm khắc... của phụ huynh; học sinh thời nay đa dạng hơn; cơ chế đãi ngộ giáo viên chưa được cải thiện nên đời sống gặp nhiều khó khăn; các phương tiện truyền thông đa dạng, nhanh nhạy có mặt mọi nơi, mọi lúc... Và đặc biệt là áp lực của bệnh thành tích, trong đó có liên quan đến tiêu chí đánh giá điểm hồ sơ, sổ sách.

Có lẽ không ngành nào mà hồ sơ, sổ sách của công chức, viên chức “đa dạng, phong phú và nhiêu khê” như viên chức (giáo viên) ngành Giáo dục. Mỗi năm học, ngoài kế hoạch cá nhân của cả năm học mà trong đó có hàng chục mục lớn, mục nhỏ, bảng dài bảng ngắn liệt kê nhiều nội dung, nhiều công việc dài đến 4, 5 trang giấy A4 còn có: giáo án, sổ điểm cá nhân, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ đầu bài, sổ dự giờ, sổ sinh hoạt chuyên môn, sổ hội họp, sổ chủ nhiệm, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ đăng ký mượn đồ dùng dạy học, sổ bồi dưỡng thường xuyên...

Nói về hồ sơ, sổ sách, nhiều trường “rất sáng tạo”. Có trường yêu cầu giáo án viết tay (vì sợ tải trên mạng xuống), có trường vừa yêu cầu có giáo án điện tử vừa có giáo án in... Giáo án bài nào cũng phải có đầy đủ tất cả các mục như mục tiêu bài học, phương pháp dạy học, phương tiện, đồ dùng, thiết bị, kiểm tra bài cũ, nội dung giảng dạy, củng cố dặn dò, rút kinh nghiệm… Giáo viên dạy nhiều khối lớp thì càng nhiều giáo án.

Người viết bài này rất nhiều lần từng kiểm tra hồ sơ không đạt điểm tối đa vì giáo án, sổ dự giờ không ghi phần rút kinh nghiệm. Sổ điểm cá nhân thì không được tẩy, xoá (vì sợ sửa điểm) cho nên nếu lỡ viết sai một trường hợp nào đó thì phải làm mới. Sổ chủ nhiệm thì còn gian nan hơn, phải có kế hoạch cả năm, hằng tháng, tuần, có danh sách lớp, tổ, phụ huynh, chỉ tiêu phấn đấu, theo dõi thi đua, chất lượng học tập, giáo dục học sinh cá biệt... 

Có trường yêu cầu phải có sổ họp Chi bộ, Công  đoàn, sổ họp cơ quan, sổ họp tổ chuyên môn riêng. Cả một “rừng” hồ sơ, sổ sách để “xuân thu nhị kỳ”, tổ chuyên môn, trường kiểm tra mỗi học kỳ một lần, đó là chưa kể đến việc cấp trên, thanh tra về kiểm tra đột xuất. Những người đăng ký giáo viên giỏi thì phải đầu tư, chăm chút kỹ hơn. 

Hồ sơ, sổ sách làm giáo viên mất ăn mất ngủ, tiêu hao biết bao nhiêu công sức, khiến họ không có thời gian đầu tư cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Rốt cuộc chỉ mang tính đối phó, hình thức, sao chép lẫn nhau; thậm chí có giáo viên còn nhờ người làm hộ, không chú ý đến chất lượng, hiệu quả. Áp lực hồ sơ, sổ sách vô tình đẩy nhiều giáo viên trở thành dối trá, thiếu trung thực. Nhiều trường lạm dụng hồ sơ, sổ sách để nâng ai lên, hạ ai xuống khi bình xét danh hiệu thi đua. Người làm nhiều, hoạt động nhiều, cống hiến nhiều... nhưng hồ sơ, sổ sách không “đẹp” không được đánh giá cao, không được xếp danh hiệu này nọ.

Từ lâu, lạm dụng hồ sơ, sổ sách là một “căn bệnh” của ngành. Năm 2014, Bộ cũng đã nhắc nhở các địa phương về quy định hồ sơ, sổ sách của giáo viên nhưng không có chuyển biến đáng kể. Vì thế, chỉ thị lần này yêu cầu: “Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng giáo dục và đào tạo, Hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài những loại hồ sơ, sổ sách theo quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành”.

Đông đảo giáo viên không giấu được niềm vui khi tiếp nhận thông tin này. Thầy giáo L.V.T, dạy môn Vật lý ở  một trường THCS Tân Châu chia sẻ: “Năm nay thì mọi chuyện đã rồi, từ năm tới chắc dễ thở hơn!”. Cô giáo T.T.T.Tr, dạy Ngữ văn ở một trường THPT hồ hởi: “Vòng kim cô của hồ sơ, sổ sách sẽ trở thành quá khứ, không còn nỗi ám ảnh trong mỗi đêm khi trở mình, tỉnh giấc...”.

Nhưng có lẽ niềm vui chưa trọn vẹn bởi nhiều giáo viên cho rằng Bộ yêu cầu như vậy nhưng dưới địa phương không thực hiện thì sao? Tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “phép vua thua lệ làng” có còn tiếp diễn? Bộ có chế tài gì để “xử” khi các địa phương không nghiêm túc thực hiện? Mặt khác, chỉ thị yêu cầu đối với giám đốc sở, trưởng phòng, hiệu trưởng nhưng nhiều khi hồ sơ, sổ sách lại do các chuyên viên phụ trách chuyên môn của sở, phòng và hiệu phó phụ trách chuyên môn đặt ra? Theo ý kiến nhiều giáo viên, cần có quy định cụ thể về số lượng các loại hồ sơ, sổ sách ở mức tối thiểu, hợp lý. Nên chăng chỉ cần giáo án và sổ điểm cá nhân theo hướng tinh, gọn, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa nạn giấy tờ, sổ sách.

Giảm áp lực hồ sơ, sổ sách giúp giáo viên giảm bớt gánh nặng, để chuyên tâm vào chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, để chỉ thị đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, cần có sự thống nhất nhận thức từ trên xuống dưới, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, duy trì kỷ cương, nề nếp trong quản lý, tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động chuyên môn, đưa việc dạy học đi vào thực chất, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục và văn hoá. Giảm áp lực hồ sơ, sổ sách là “phát súng mở đầu” hiện thực hoá cam kết của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2019, năm giảm áp lực cho giáo viên. Giáo viên có quyền chờ đợi và hy vọng!

DIỆU MAI

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục