BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi nhận qua hội nghị trực tuyến của Chính phủ

Giảm nghèo chưa bền vững

Cập nhật ngày: 09/02/2015 - 08:31

Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương (phải) khảo sát thực tế tại một hộ nghèo.

Thông tin, số liệu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, hiện nay người nghèo trong cả nước đang thụ hưởng nhiều chính sách. Cụ thể, đối với chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, năm 2014, cả nước đã bố trí ngân sách khoảng 12.822 tỷ đồng để mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi và người cận nghèo, học sinh sinh viên.

Về chính sách hỗ trợ trong giáo dục - đào tạo, năm 2014, ngân sách Trung ương bố trí hơn 7.085 tỷ đồng để miễn giảm học phí cho học sinh nghèo, trợ cấp học bổng cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú và trường dân tộc bán trú. Mỗi năm có hơn 2 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí, được hỗ trợ điều kiện học tập và trợ cấp tiền ăn theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP (nay là Nghị định số 74/2013/NĐ-CP). Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng lên.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhìn chung các chính sách giáo dục - đào tạo đối với học sinh nghèo tương đối hệ thống, toàn diện, tuy nhiên còn thiếu đồng bộ, do một số địa phương thực hiện chưa tốt nên hiệu quả chưa cao. Về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (theo Quyết định 1592 và Quyết định 755) năm 2014, ngân sách bố trí khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện chính sách này.

Trong năm 2014, cả nước có khoảng 60.000 lao động nghèo được đào tạo nghề miễn phí gắn với tạo việc làm. Tính đến thời điểm này đã có hơn 1.888 lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề, giáo dục định hướng và đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2014, các địa phương trong cả nước đã bố trí 60 tỷ đồng để hỗ trợ chương trình xuất khẩu lao động.

Về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, tính đến cuối năm 2013, đã có hơn 530.000 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và 700 hộ nghèo được hỗ trợ nhà phòng tránh lũ theo Quyết định 716/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đánh giá, do chính sách hợp lý, huy động được các nguồn hỗ trợ nên quy mô, chất lượng nhà ở được bảo đảm, giúp hộ nghèo có cuộc sống ổn định hơn.

Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung (năm 2014 đã bố trí 100 tỷ đồng để thực hiện hoạt động này), đồng thời Bộ cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (Chương trình nhà 167 giai đoạn 2).

Về chính sách tín dụng ưu đãi, trong năm 2014, cả nước đã có 433.192 lượt hộ nghèo được vay vốn với con số gần 10.000 tỷ đồng. Gần 20.000 lượt người nghèo được trợ giúp pháp lý miễn phí với các hình thức hỗ trợ đa dạng như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, cấp phát miễn phí tờ rơi, băng đĩa pháp luật. Thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ cho hơn 1,7 triệu hộ nghèo với kinh phí khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Ngoài các chính sách giảm nghèo chung như kể trên, Nhà nước còn ban hành chính sách giảm nghèo có tính đặc thù dành cho miền núi và một số lĩnh vực khác.

Năm 2014, ngân sách Trung ương đã bố trí 6.242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó Chương trình 135 3.129,8 tỷ đồng; Chương trình 30a (huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo) là 3.060,2 tỷ đồng; Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo 32 tỷ đồng;

Dự án nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát đánh giá 20 tỷ đồng. Với kinh phí được bố trí từ ngân sách Trung ương, các tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện các dự án về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các huyện nghèo, xã nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả.

Tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong năm qua khoảng 34,7 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30,8 ngàn tỷ đồng, vốn huy động 3,8 ngàn tỷ đồng.

Tại hội nghị trực tuyến, lãnh đạo UBND nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã phát biểu ý kiến xung quanh chủ trương giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020. Theo đại diện tỉnh Sơn La, cần cho rà soát lại toàn bộ chính sách giảm nghèo, chính sách nào hợp lý, hiệu quả thì giữ lại, còn không thì bỏ hoặc thay thế.

Đồng thời cần nghiên cứu lại quy định về tiêu chí giữ hộ nghèo và hộ cận nghèo, bởi sự chênh lệch về thu nhập giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo không đáng kể nhưng quyền lợi được hưởng thì chênh nhau khá lớn. Theo đại diện tỉnh Quảng Bình, chính sách giảm nghèo còn manh mún, chồng chéo; một số đề án, nghị quyết dành cho chương trình giảm nghèo chưa phát huy hiệu quả. Vị này cho rằng giảm nghèo bền vững không hề đơn giản, vì chỉ cần một rủi ro, biến cố trong cuộc sống là người vừa thoát nghèo lại rơi vào tình trạng tái nghèo.

Đại diện tỉnh Quảng Bình đề nghị giảm chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với người nghèo, vì cách hỗ trợ này đạt hiệu quả thấp, dễ tạo ra tâm lý ỷ lại. Còn theo vị lãnh đạo của tỉnh Trà Vinh, các chính sách giảm nghèo hiện nay chỉ có tính chất trước mắt, nên giảm chính sách cho không và tăng chính sách cho vay.

Trong khi đó, vị lãnh đạo của tỉnh Thanh Hoá có ý kiến rằng: cần sắp xếp, bố trí lại các khu dân cư để không lãng phí trong đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là đường giao thông và điện. Trước ý kiến đề nghị cho người nghèo vay vốn với lãi suất bằng không, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội không đồng tình, vì cho rằng nếu cho vay không lãi suất, người nghèo sẽ ỷ lại.

Tham gia phát biểu tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong những năm qua, Tây Ninh đã nỗ lực rất cao để giảm hộ nghèo, trong đó có chính sách lập khu dân cư ở biên giới để tạo điều kiện cho người nghèo có đất sản xuất. Ông đề nghị Chính phủ cần rà soát lại chính sách đối với người nghèo vì hiện có những chính sách không còn phù hợp và cần tách một số nhóm đối tượng không thể thoát nghèo ra khỏi chính sách dành cho người nghèo. Thay vào đó, nên đưa các nhóm đối tượng quá khó khăn vào diện bảo trợ xã hội.

Trong phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: công tác giảm nghèo trong thời gian qua có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của đất nước. Kết quả giảm nghèo củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng cho rằng, tình trạng tái nghèo còn lớn, nghĩa là giảm nghèo nhưng chưa bền vững. Ông đặc biệt lưu ý số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn rất cao, điều này có lý do khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan. Theo Thủ tướng, hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho giảm nghèo chưa cao. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại về nhận thức chưa cao của một số cán bộ lãnh đạo xung quanh công tác giảm nghèo.

Vì thế, năm 2015, lãnh đạo ở Trung ương và cả địa phương phải nghiêm túc quán triệt nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác giảm nghèo. “Giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cũng là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Do vậy, phải xem nhiệm vụ giảm nghèo là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm” - Thủ tướng nói. Về việc rà soát chính sách đối với người nghèo, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng nhanh chóng rà soát, bỏ hoặc điều chỉnh ngay những chính sách không còn phù hợp nữa. Chính phủ sẽ ban hành nghị định giao rừng (khoảng 4 triệu ha từ các lâm trường) cho người dân, xem đó như một trong ba giải pháp hỗ trợ sản xuất dành cho người nghèo (gồm trồng cây lương thực, nuôi gia súc và phát triển rừng).

VIỆT ĐÔNG

Ngày 16.12.2014, UNBD tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 2874/QĐ-UBND phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh năm 2014. Kết quả cụ thể như sau:

Tổng số hộ gia đình toàn tỉnh là 287.661. Số hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn Trung ương trên địa bàn tỉnh là 6.838 hộ/18.000 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ 2,38% so với tổng số hộ gia đình. Trong đó, số hộ nghèo là 3.513 hộ/7.924 nhân khẩu, số hộ cận nghèo là 3.325 hộ/10.076 nhân khẩu. Số hộ theo chuẩn nghèo của tỉnh (có thu nhập từ 131% đến 150% chuẩn nghèo Trung ương) là 2.553 hộ/8.264 nhân khẩu.