Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sáng 25.5, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh tổ chức giám sát công tác quản lý nhà nước về chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Tham dự có ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Giai đoạn 2020-2022, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai được đẩy mạnh, qua đó rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục, nâng cao tính minh bạch, công khai thời gian giải quyết các giao dịch về đất đai, chỉnh lý biến động đất đai. Cơ cấu tổ chức, nhân sự làm công tác chỉnh lý biến động đất đai từng bước được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác chỉnh lý biến động đất đai cũng được quan tâm đầu tư.
Công tác chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, phần lớn các hồ sơ đăng ký chỉnh lý biến động đất đai được giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, trong đó đã hoàn thành cơ bản công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Công tác thống kê đất đai được thực hiện hằng năm theo quy định, việc cập nhật, chỉnh lý biến động được thực hiện thường xuyên, bảo đảm thông tin hồ sơ địa chính lưu trữ được thống nhất giữa các cấp quản lý. Ngoài ra, việc thực hiện số hoá cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, 9/9 huyện, thị xã, thành phố đang trong quá trình thực hiện xây dựng và từng bước hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai trên phần mềm quản lý VBDLIS, VNPT-ILIS, Vilis 2.0.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát
Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai có lúc còn chậm, số hồ sơ trễ hạn còn nhiều, còn hồ sơ chưa giải quyết. Việc triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4) qua môi trường mạng trong việc tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hồ sơ đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai còn hạn chế, quy trình, các bước thực hiện còn phức tạp, chưa đồng bộ nên người dân đa số muốn nộp hồ sơ trực tiếp. Mặt khác, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn thiếu đồng bộ; các phần mềm chưa liên thông (phần mềm Một cửa điện tử, phần mềm dịch vụ công tỉnh, phần mềm cơ quan Thuế, các phần mềm cơ sở dữ liệu đất đai), đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, sử dụng, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai hiệu quả chưa cao.
Ông Nguyễn Trọng Tấn- Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh phát biểu
Tại buổi làm việc, các đại biểu đặt các vấn đề về khó khăn, hạn chế trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, các phần mềm quản lý có liên quan; giải pháp khắc phục đối với tình trạng giải quyết hồ sợ chậm, trễ hẹn; việc cập nhật sổ mục kê; hiệu quả việc nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ công tác quản lý nhà nước về chỉnh lý biến động đất đai... Lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đã giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Yến Mai- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự trong hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kịp thời để đáp ứng nhu cầu, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Bà Nguyễn Thị Chi- Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, thường xuyên theo dõi công tác quản lý nhà nước về chỉnh lý biến động đất đai để kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện; tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hoá trong quản lý đất đai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Trúc Ly