BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám sát “một cửa liên thông” tại Trảng Bàng: Cần điều chỉnh một số quy định cho phù hợp thực tế

Cập nhật ngày: 18/09/2011 - 07:26

Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Trảng Bàng

Báo cáo tại buổi giám sát ngày 16.9.2011, UBND thị trấn Trảng Bàng cho biết, việc thành lập bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã làm cho bộ máy tinh gọn hơn, giải quyết công việc theo hướng công khai minh bạch rõ ràng. Cán bộ lãnh đạo và công chức  tập trung nhiều thời gian vào công việc của mình. Sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các đơn vị có liên quan ngày càng nhịp nhàng hơn, hạn chế được việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Thị trấn Trảng Bàng đã có bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính, giúp cho cán bộ địa chính thuận lợi trong việc đăng ký cấp giấy chứng nhận QSDĐ đến từng thửa đất cho chủ sử dụng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong lĩnh vực đất đai, thị trấn Trảng Bàng còn những khó khăn hạn chế: Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hành chính Nhà nước chưa chặt chẽ. Hiện nay UBND Thị trấn chỉ tổ chức liên thông được quy trình cấp giấy CNQSDĐ lần đầu cho công dân (cấp mới). Đa phần hồ sơ cấp mới giấy CNQSDĐ tại Thị trấn có nguồn gốc phức tạp, trải qua thời gian từ 60 đến 70 năm chưa phân định rõ ràng nên việc tranh chấp đất tông chi còn xảy ra, từ đó dẫn đến tiến độ cấp giấy CNQSDĐ cho dân còn chậm. Do ảnh hưởng của việc nộp nghĩa vụ tài chính cao, nên một số hộ chưa đủ điều kiện để nộp thuế, từ đó làm cho các bước tiếp theo của việc cấp giấy CNQSDĐ chưa thực hiện được.

Báo cáo của Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Trảng Bàng cho biết, việc thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa, một cửa liên thông” nâng cao hiệu quả công tác, giờ giấc làm việc được bảo đảm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ tốt hơn trước đây. Qua thực hiện cơ chế một cửa, chất lượng, trình độ cán bộ, viên chức được nâng lên một bước; khắc phục được việc đùn đẩy trách nhiệm, nhân dân yên tâm và từng bước tin tưởng vào sự phục vụ của cơ quan công quyền. Theo đánh giá chủ quan của Văn phòng đăng ký QSDĐ, mức độ hài lòng của công dân đạt trên 95%.

Tuy nhiên cũng còn những tồn tại đáng lưu ý: Việc áp dụng công nghệ thông tin trong liên thông của đơn vị chưa thực hiện được; việc ghi chép trong hồ sơ thủ tục ban đầu còn nhiều trường hợp ghi chưa đầy đủ, thiếu chính xác; hồ sơ khi tiếp nhận, kiểm tra thủ tục chưa kỹ, quá trình xử lý phải yêu cầu bổ sung, gây phiền hà cho công dân; việc liên thông giữa các cá nhân, đơn vị có nơi, có lúc chưa thực hiện tốt, dẫn đến một số hồ sơ giải quyết còn chậm so với quy trình.

Ngoài ra ở Trảng Bàng cũng còn những khó khăn vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cần được khắc phục như: Trảng Bàng hiện có 3 loại bản đồ, hồ sơ địa chính. Trong quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 1993 đến nay cũng thay đổi 3 lần, rất khó khăn cho việc đối soát, kiểm tra hồ sơ để chỉnh lý các loại biến động về đất đai, về chủ sử dụng, mục đích sử dụng…

Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện Trảng Bàng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 31/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho phù hợp với thực tế nhu cầu sử dụng đất của nhân dân, của tổ chức sử dụng đất; điều chỉnh, bổ sung Quyết định 35/2010/QĐ-UBND cho phù hợp với thực tế hơn. Cụ thể: quy định thêm phần trách nhiệm người sử dụng đất, quy định cơ quan thực hiện việc đo vẽ sơ đồ nhà ở thời điểm trước 1.7.2006 và sau thời điểm trên, nhưng không thuộc trường hợp phải cấp phép xây dựng; kiến nghị sửa đổi bổ sung Quyết định 999/2005/QĐ-UBND, ngày 26.9.2005 về hạn mức giao đất ở và hạn mức công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; giao kinh phí cho ngành Thuế in ấn mẫu các tờ khai về nghĩa vụ tài chính cấp cho Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện để phát cho dân theo quy định; củng cố Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện, giao biên chế sự nghiệp cho Văn phòng từ 23 đến 25 người mới đảm đương hết chức năng nhiệm vụ được giao; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác tài nguyên và môi trường, nhất là công tác lưu trữ và cung cấp thông tin địa chính, quản lý hồ sơ địa chính theo 3 cấp chính quyền…  

D.H