BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám sát việc giải quyết khiếu nại các quyết định hành chính về đất đai tại Tây Ninh

Cập nhật ngày: 10/08/2012 - 11:47

BTN - Vừa qua, Đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do đồng chí Nguyễn Văn Giàu - Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh. Nội dung giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Làm việc với Đoàn giám sát về phía tỉnh Tây Ninh có các đồng chí Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Lâm Tấn Đông - Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thành Tâm Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Thuỷ phát biểu tại buổi giám sát.

 Báo cáo với Đoàn giám sát, UBND tỉnh cho biết, từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành 1.496 quyết định hành chính về đất đai gồm quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất. Tỉnh đã giao 12.958,27 ha đất; cho thuê 19.447,2 ha đất; chuyển mục đích sử dụng 122,34 ha đất. UBND các huyện, thị trong tỉnh đã ban hành 36.239 quyết định hành chính về đất đai, chủ yếu là thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Qua kiểm tra, rà soát cho thấy hầu hết các quyết định được ban hành của UBND tỉnh và UBND các huyện, thị đều hợp hiến, hợp pháp, đúng thẩm quyền, thể thức, chỉ có một số ít vụ việc do nhầm lẫn giữa thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng. Các quyết định có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân cũng như nghĩa vụ của người dân đang sử dụng đất được người dân thực hiện tốt, có hiệu quả, nhất là các quyết định về thu hồi đất, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức triển khai thực hiện các dự án.

Trong 8 năm qua, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị đã tập trung mọi nỗ lực để giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo của người dân có liên quan đến các quyết định về đất đai được đa số người dân đồng tình. Trong tổng số 1.823 vụ thuộc thẩm quyền cấp huyện, thị đã giải quyết 1.823 vụ, trong đó có 15 vụ tố cáo đã giải quyết xong cả 15 vụ. Sau khi cấp huyện giải quyết người dân tiếp tục khiếu nại lên cấp tỉnh 453 vụ, đã giải quyết dứt điểm 67,86% số vụ, số còn lại giao cho Sở Tài nguyên & Môi trường phúc tra. Trong tổng số 883 vụ thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, hầu hết đã được cấp huyện, thị đã giải quyết lần đầu; trong đó có 254 vụ khiếu nại về quyết định hành chính về đất đai, 2 quyết định về xử phạt vi phạm hành chính về đất đai, 435 vụ khiếu nại về quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai. Sau khi cấp tỉnh giải quyết còn 279 vụ tiếp tục khiếu nại, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh phúc tra 182 vụ, hiện còn 35 vụ mặc dù mặc dù đã được các cấp, các ngành kể cả Trung ương xử lý, giải quyết nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Về tố cáo thuộc thẩm quyền cấp tỉnh giải quyết có 10 vụ, đã giải quyết xong 10 vụ.

UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Trung ương cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật thống nhất về đất đai; Việc bồi thường giá đất nên theo giá thị trường và các địa phương lân cận nên có khung giá bồi thường chung (một giá), để người dân không so sánh, làm khó khăn cho việc giải toả, đền bù khi cần thu hồi đất thực hiện các dự án. Quy định tại Nghị định 69 về khung giá đền bù từ 1,5 đến 5 lần rất khó cho việc tổ chức triển khai ở hai tỉnh giáp ranh.

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát đã chất vấn một số vấn đề và đã được UBND tỉnh giải trình cụ thể. Kết luận buổi làm việc Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Giàu thống nhất các nội dung báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh, ghi nhận những kiến nghị của tỉnh về các vấn đề có liên quan đến đất đai và thẩm quyền của Trung ương. Tuy nhiên Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH góp ý UBND tỉnh cần phân tích làm rõ từng vấn đề, từng vụ việc cụ thể, đánh giá rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan; làm rõ việc người dân khiếu nại đúng bao nhiêu việc, đúng ở góc độ nào, sai bao nhiêu việc, sai ở chỗ nào; đồng thời cần nghiên cứu sâu có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai; làm rõ việc sai phạm của cán bộ và nội dung, hình thức xử lý.

Được biết mục đích đợt giám sát lần này nhằm giúp cho Quốc hội xem xét để ban hành Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới. Tây Ninh là tỉnh thứ 5 Đoàn giám sát đến làm việc. Buổi chiều cùng ngày Đoàn giám sát làm việc với UBND huyện Châu Thành.

Khắc Luân