Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt ra những yêu cầu bức thiết trong công tác bảo vệ môi trường. Để góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp phép.
Khai thác khoáng sản vật liệu san lấp.
Ngày 31.3.2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành rà soát các mỏ đã được cấp giấy phép khai thác và các khu vực được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản; thực hiện thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức công khai các khu vực được khoanh định không đấu giá và khu vực bắt buộc phải tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Bảo đảm nguồn cung ứng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tỉnh, nhất là phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông và các dự án, công trình của tỉnh theo hướng bền vững.
Theo đó, nhu cầu sử dụng và dự kiến các khu vực, điểm mỏ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với cát xây dựng các loại là 18 triệu m3; cát xây dựng nguồn gốc sông, sông-hồ 14 triệu m3; đất sét làm gạch ngói 2 triệu m3; vật liệu san lấp 61 triệu m3; than bùn 700m3.
Dự kiến các khu vực, điểm mỏ cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đối với cát xây dựng nguồn gốc sông, sông -hồ là 17 điểm; đất sét làm gạch ngói 3 điểm; vật liệu san lấp 73 điểm.
Khi được cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân bảo đảm các điều kiện như: phải có kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định và phương án cải tạo, phục hồi môi trường của dự án đầu tư khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; khi chấm dứt hoạt động khoáng sản, chủ giấy phép phục hồi môi trường theo quy định, hoặc trả lại mặt bằng, cảnh quan theo phương án cải tạo phục hồi môi trường; tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khai thác khoáng sản.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành chức năng và các địa phương có liên quan phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất sau cấp phép khai thác khoáng sản để bảo đảm kịp thời phát hiện chấn chỉnh những sai sót và xử lý nghiêm những vi phạm trong công tác này; bảo đảm an toàn trong khai thác, phòng chống sự cố; tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường; thu hồi giấy phép khai thác hoặc không tiếp tục cấp phép khai thác đối với những trường hợp tái vi phạm, không khắc phục tồn tại theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến hiện đại trong quản lý giám sát các hoạt động khoáng sản.
Nhằm bảo đảm khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản nói chung và khoáng sản làm vật liệu xây dựng nói riêng, thời gian qua, Sở TN&MT đã đẩy mạnh công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Theo Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 185 khu vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 khu vực đá xây dựng, 39 khu vực cát xây dựng, 9 khu vực khoáng sản đất sét làm gạch ngói, 126 khu vực vật liệu san lấp, 5 khu vực khoáng sản than bùn, 3 khu vực khoáng sản cuội sỏi.
Trong quá trình cấp phép khai thác, Sở TN&MT đặc biệt chú trọng đến việc đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động khai thác và công tác phục hồi môi trường sau quá trình khai thác.
Từ năm 2014 đến năm 2019, Sở TN&MT đã thẩm định, phê duyệt 26 phương án cải tạo phục hồi môi trường; thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 94 phương án cải tạo phục hồi môi trường của các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó gồm: 10 dự án khai thác cát, 1 dự án khai thác đá, 109 dự án khai thác vật liệu san lấp và sét gạch ngói.
Các dự án khai thác khoáng sản này đều đã được UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành 64 Quyết định phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh và 39 Quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản.
Theo TN&MT, công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản được tăng cường, chú trọng. UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành các quy định về quản lý khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, công tác ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản được thực hiện đầy đủ, bảo đảm việc hoàn thổ sau này.
Qua đó, ý thức từ việc bảo vệ, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác của đại đa số các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản được nâng lên; việc phục hồi, cải thiện môi trường trong và sau hoạt động khai thác đã được quan tâm chỉ đạo và thực hiện, đem lại kết quả tích cực nhất định. Tính từ năm 2011 đến nay, những vụ việc vi phạm Luật, số vụ khiếu nại, tố cáo về hoạt động khoáng sản giảm mạnh; tình trạng cấp phép khai thác tràn lan cơ bản đã được khắc phục.
Trong thời gian tới Sở TN&MT tiếp tục hướng dẫn và yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, khoáng sản làm vật liệu xây dựng chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện ký quỹ để cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản và đóng cửa mỏ sau khi giấy phép khai thác hết hạn; thực hiện quan trắc môi trường; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác nhằm hạn chế, giảm thiểu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Ngoài ra, Sở tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biển, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Nhi Trần