Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục địa phương: Bồi dưỡng tình yêu quê hương cho học sinh
Thứ sáu: 09:02 ngày 19/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giáo dục địa phương là một môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 từ lớp 1 đến lớp 12 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra.

Trên chuyến đi thực tế, nhóm của bạn Tường Vy ghé vào tìm hiểu và chụp ảnh tại Khu di tích lịch sử Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.

Để triển khai thực hiện, ngày 14.5.2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 989 về biên soạn và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông.

Hiện nay, giáo trình đã được Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn dựa trên tình hình thực tế của địa phương và đưa vào giảng dạy các khối lớp. Riêng khối 5, 9 và 12 sẽ bắt đầu học vào năm học 2024-2025.

Giáo dục địa phương hiện nay là môn tổng hợp của nhiều bộ môn gồm Ngữ văn, Giáo dục công dân, Mỹ thuật, Nhạc, Địa lý, Lịch sử… Ở mỗi môn học, sẽ có sự lồng ghép các bài giảng tìm hiểu về địa danh, danh nhân, các nét văn hoá, làng nghề truyền thống, những tác giả, tác phẩm Tây Ninh…

Theo cô Dương Thị Như Nguyệt- giáo viên môn Giáo dục công dân (GDCD) Trường THCS Lý Tự Trọng (thị xã Hoà Thành), chương trình Giáo dục địa phương giúp các em nâng cao kiến thức tổng quát về Tây Ninh. Cụ thể, ở chương trình Giáo dục địa phương lớp 7, các em được học qua 5 chủ đề: Địa giới hành chính tỉnh Tây Ninh qua các thời kỳ, đô thị hoá tỉnh Tây Ninh; Ca dao tỉnh Tây Ninh; Nhạc cụ truyền thống; Nghề thủ công truyền thống ở Tây Ninh; Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá địa phương.

Cùng tìm hiểu cách làm nhang.

Ở mỗi chủ đề, các em sẽ được tiếp cận những thông tin quý giá, hữu ích. Có thể nói, mỗi chương trình như một chuyến du lịch khám phá để các em tiếp cận, biết nhiều hơn về Tây Ninh. Các em sẽ được biết đến nghề chằm nón ở phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh; hay nghề đan lát phát triển mạnh ở thị xã Hoà Thành; nghề làm nhang ở phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành…

Rồi các em được tìm hiểu về những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Tây Ninh, như điệu múa trống Chhay-dăm, nghệ thuật chế biến các món ăn chay, nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng… được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.

“Trước đây, chúng ta tập trung giáo dục các em ý thức về bảo vệ, gìn giữ các di sản. Nhưng trong chương trình lớp 7 còn đưa vào những quy định về bảo vệ di sản văn hoá, như cấm chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hoá; cấm huỷ hoại di sản; lợi dụng di sản làm những việc trái pháp luật… Điều này cũng cho các em ý thức được rằng, giữ gìn, bảo quản di sản trách nhiệm của mỗi chúng ta”- cô Nguyệt nói.

Để giúp các em tiếp cận với di sản, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, Trường THCS Lý Tự Trọng tổ chức các chuyến tham quan thực tế, hay những buổi giao lưu tìm hiểu về di sản tại Bảo tàng tỉnh.

“Năm học này, trong chương trình hướng nghiệp, trường đã tổ chức cho các em đến với Vườn quốc gia Lò Gò-Xa Mát để các em tìm hiểu về công việc của những người kiểm lâm, về bảo tồn động vật ở vườn, sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây. Cũng trong chuyến đi, các em được đến thăm và thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ở xã Tân Bình, huyện Tân Biên”, thầy Nguyễn Phú Quý- Tổng phụ trách trường cho biết.

Tại Trường THPT Tây Ninh (thành phố Tây Ninh), trong học kỳ I, các em học sinh khối 10 được học về văn học dân gian Tây Ninh; chân dung các nhạc sĩ tiêu biểu của tỉnh; tìm hiểu về sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Cô Ngô Thị Thơ- giáo viên môn GDCD phụ trách dạy môn Kinh tế - Pháp luật trong chương trình Giáo dục địa phương của trường, cho biết, theo giáo trình của Sở đưa ra, cô giới thiệu về tổng quát nền kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, để giúp các em hiểu rõ hơn về tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh cũng như có những trải nghiệm thực tế, cô không chỉ dạy lý thuyết mà còn ra bài tập thực hành cho học sinh.

Trải nghiệm se nhang.

“Trong bài kiểm tra cuối cùng của môn, thay vì cho các em làm bài tập tại lớp, tôi đã yêu cầu các em làm clip giới thiệu về một làng nghề truyền thống, những điểm du lịch của tỉnh hoặc công việc mua bán của tiểu thương ở các chợ. Tại các nơi, các em sẽ tìm hiểu về quy trình, cách thức làm việc, cảm nhận công việc vất vả như thế nào, nguồn lợi kinh tế từ công việc mang lại cho gia đình ra sao…

Từ đó giúp các em hiểu hơn tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh, biết trân trọng giá trị văn hoá, giá trị di sản ở địa phương. Đây cũng là cách để các em có một cái nhìn mới về một công việc, từ đó giúp định hướng nghề nghiệp cho các em sau này”- cô Ngô Thị Thơ chia sẻ.

Từ đề bài cô đưa ra, các học sinh chia nhóm thực hiện. Có nhóm tìm hiểu về nghề làm muối ớt, nghề làm nón lá, nghề làm bánh tráng…

Nhóm bạn Nguyễn Tiến Đạt (lớp 10A10) chọn tìm hiểu về nghề làm nhang. Cả nhóm tìm đến cơ sở làm nhang, cùng tìm hiểu nguyên liệu, trải nghiệm cách làm nhang, phơi nhang và đóng gói.

“Chúng em vừa trải nghiệm, vừa quay hình làm clip. Qua chuyến đi, giúp chúng em hiểu rõ hơn về nghề làm nhang truyền thống của người dân Tây Ninh mình. Em thấy những buổi học vừa có lý thuyết vừa có trải nghiệm như thế này rất thích, vì chúng em có dịp tìm hiểu nhiều hơn về văn hoá, kinh tế, con người của Tây Ninh mình”- em Nguyễn Tiến Đạt nói.

Nhóm bạn Tường Vy tại tháp canh lửa Tà Nốt, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Còn nhóm của bạn Trần Thị Tường Vy chọn đến với Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò - Xa Mát tại huyện Tân Biên. Tường Vy cho biết, do đi xa, thời gian hạn hẹp, nên nhóm không có nhiều trải nghiệm về vườn. Tuy nhiên, các em đã tận mắt nhìn được rừng xanh, được hít thở không khí trong lành của VQG; được leo lên tháp Tà Nốt - tháp canh lửa của lực lượng kiểm lâm để nhìn thấy biên giới Campuchia cạnh bên và được biết VQG Lò Gò - Xa Mát là 1 trong 12 Vườn di sản ASEAN của cả nước. Trên đường đi, cả nhóm của Tường Vy còn ghé vào tháp Chóp Mạt ở xã Tân Phong để tìm hiểu, chụp ảnh.

“Đây là chuyến đi xa đầu tiên chúng em tự lên kế hoạch, mọi người đều rất háo hức. Em thấy chương trình dạy môn Giáo dục địa phương có cho đi thực tế, trải nghiệm giúp chúng em mở mang nhiều kiến thức lắm. Ví dụ như qua clip các bạn làm, chúng em sẽ biết hơn về chùa Gò Kén, về nghề làm bánh tráng, muối ớt, về chợ Long Hoa, nghề làm nón… Từ đó, giúp chúng em hiểu và yêu quê hương nhiều hơn”- bạn Tường Vy chia sẻ.

Ngọc Diêu

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục