Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục giá trị- trách nhiệm không chỉ của nhà trường
Chủ nhật: 22:24 ngày 27/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một cộng đồng có lòng tự trọng sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy một hoặc nhiều người đốt pháo sáng trong sân vận động. Học sinh, sinh viên biết tự trọng sẽ không bao giờ quay cóp trong thi cử, không xin điểm, thậm chí không chấp nhận người lớn đứng ra sửa, nâng điểm cho các em.

Thanh niên, học sinh Tây Ninh trong lần viếng nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 16.1 vừa qua, Báo Tây Ninh có đăng bài viết về giáo dục giá trị trong nhà trường. Nhận thấy đây là một vấn đề bổ ích, rất cần cho những người đang làm trong ngành Giáo dục, vì thế, chúng tôi thông tin thêm một số góc nhìn của các nhà nghiên cứu, nhà giáo với hy vọng, giáo viên, cán bộ quản lý sẽ dần có những điều chỉnh thích hợp với nghề dạy học hiện nay.

GIÁ TRỊ HIỆN NAY KHÁC TRƯỚC

Bằng cách so sánh giáo dục giá trị trong thời phong kiến với thời đại ngày nay, trong bài tham luận của mình, hai tác giả GS - TS Nguyễn Xuân Kinh và Thạc sĩ Trần Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu văn hoá) nhìn nhận, xã hội Việt Nam đang chuyển đổi từ xã hội truyền thống (xã hội của cư dân nông nghiệp) sang xã hội hiện đại. Nhiều giá trị cũ hoặc không còn phù hợp hoặc bị phá vỡ để hình thành giá trị mới.

Do vậy, giáo dục trong nhà trường hiện nay cũng khác trước. Hai tác giả nêu: “Chúng ta không phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và bộ chủ quản cùng đội ngũ đông đảo các nhà giáo. Song, mấy năm gần đây, từ mẫu giáo, tiểu học, trung học cho đến đại học bộc lộ những bất cập, những hiện tượng không bình thường”, và “Nguyên nhân chủ yếu tạo nên những hiện tượng đó chính là sự thao túng của đồng tiền”.

Vậy nên, giáo dục cho thanh thiếu niên những giá trị chủ yếu nào? Hai tác giả cho rằng, có hai nội dung chính mà nhà trường cần giáo dục cho học sinh đến nơi đến chốn, bài bản, đó là lòng yêu nước và sự tự trọng. Từ ngàn xưa đến nay, lòng yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử dân tộc cũng như suy nghĩ và hành động của đại đa số người dân đất Việt. Nhờ đó, dân tộc ta, đất nước ta mới trường tồn đến ngày hôm nay.

Tuy nhiên, nếu chỉ yêu nước thôi thì chưa đủ. Giá trị tiếp theo mà nhà trường nên tập trung dạy cho học sinh là lòng tự trọng. Một quốc gia biết tự trọng là một quốc gia biết nhìn thẳng vào những thiếu sót, hạn chế, thậm chí là sai lầm để đứng dậy. Một cộng đồng có lòng tự trọng sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy một hoặc nhiều người đốt pháo sáng trong sân vận động.

Học sinh, sinh viên biết tự trọng sẽ không bao giờ quay cóp trong thi cử, không xin điểm, thậm chí không chấp nhận người lớn đứng ra sửa, nâng điểm cho các em. “Để giáo dục giá trị có hiệu quả, một mình nhà trường không thể làm được, đó là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và xã hội”- hai tác giả nêu.

Trong khi đó, GS - TS Lê Ngọc Trà (Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, xét theo phương diện triết học, có thể chia sự chiếm hữu của con người về thế giới thành ba kiểu: tích tụ kỹ năng, tích tụ kiến thức và tích tụ giá trị. Giáo dục giá trị trong nhà trường là một trong những con đường hình thành ý thức giá trị cho học sinh, một quá trình có ý thức, hướng tới những mục tiêu nhất định, trong đó, việc giúp cho học sinh có được một hệ giá trị mong muốn là nhiệm vụ cốt lõi.

Theo GS - TS Lê Ngọc Trà, một trong những điểm yếu của nền giáo dục nước ta hiện nay là chưa làm rõ nét một cách có cơ sở khoa học về triết lý giáo dục, nhiều khái niệm chưa được luận giải đầy đủ dẫn tới chỗ mục tiêu giáo dục cũng chưa được xác định rõ ràng. Nghị quyết Trung ương 8 và báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII đều ghi nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục nước ta hiện nay là “chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, “coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học”.

GS - TS Lê Ngọc Trà lưu ý, các khái niệm phẩm chất, năng lực đều có thể gây ra những cách hiểu khác nhau, rất dễ lẫn lộn. Theo tác giả, để đánh giá cá nhân về phương diện giá trị một cách đầy đủ, cần xét đến ba quan hệ sau: cá nhân với cá nhân mình (trung thực, tự trọng); cá nhân với cá nhân khác (nhân ái, hợp tác); cá nhân với cộng đồng, xã hội, môi trường (yêu nước, tôn trọng pháp luật, thân thiện môi trường…). Nhấn mạnh một quan hệ này mà coi nhẹ hoặc bỏ qua một quan hệ khác sẽ dẫn đến sự khiếm khuyết trong nhân cách giá trị của trẻ em, như thực tế giáo dục nước ta thời gian qua cho thấy.

Theo nhà giáo Lê Ngọc Trà, với sự chuyển mình của giáo dục trong những năm sắp tới, việc xác lập bảng giá trị cá nhân có ý nghĩa thiết thực. Vì điều này liên quan trực tiếp đến xây dựng nội dung chương trình, xác lập các môn học, biên soạn sách giáo khoa. Chương trình phổ thông cần thêm môn gì, bớt môn gì, sách giáo khoa cần lựa chọn chủ điểm nào…

Tất cả những vấn đề đó đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến nội dung bảng giá trị như mục tiêu quan trọng của phát triển nhân cách học sinh. GS - TS Lê Ngọc Trà kết luận: “Do thực trạng và những bức xúc về sự xuống cấp đạo đức, văn hoá trong xã hội hiện nay, chủ trương đề cao giáo dục giá trị trong nhà trường phổ thông là cần thiết, dù vấn đề này không hoàn toàn mới.

Vấn đề đặt ra là, quan niệm về giáo dục bảng giá trị hay hệ giá trị và phương pháp giáo dục. Giáo dục giá trị tuy hết sức quan trọng nhưng không phải là mục tiêu duy nhất của nhiệm vụ hình thành nhân cách trong hệ thống giáo dục phổ thông. Bên cạnh giáo dục giá trị, việc nâng cao trình độ, phát triển kỹ năng đều là mục tiêu giáo dục của nhà trường. Kỹ năng đang là khâu yếu nhất trong giáo dục phổ thông ở nước ta hiện nay”.

GIÁO DỤC QUYỀN CON NGƯỜI ĐỂ BẢO ĐẢM CÔNG BẰNG

Theo PGS -TS Phan Minh Tiền (Đại học Sư phạm Huế), giáo dục trong nhà trường cần tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất. Theo tác giả, trước hết nên dạy cho học sinh về hoà bình, dân chủ, chủ nghĩa xã hội và an ninh đất nước. Cụ thể là cần giúp thế hệ trẻ có ý thức bảo vệ cuộc sống hoà bình, giữ ổn định chính trị xã hội và an ninh của Tổ quốc. Kế tiếp, giáo dục cho học sinh về độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Đây là những giá trị vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Thế hệ trẻ hôm nay cần có ý thức, ý chí và hành vi sẵn sàng bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc, cảnh giác, tỉnh táo với những âm mưu phá hoại.

Một giá trị nữa cần giáo dục cho học sinh, đó là giáo dục về lòng nhân đạo, sống có nghĩa có tình. Những giá trị đó là sức mạnh, là nét đẹp độc đáo của nhân dân ta từ bao đời nay. Đối với giáo dục giá trị nghề nghệp, PGS - TS Phan Minh Tiền nhìn nhận, đã lao động là phải có tay nghề cao. Việc không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, phẩm chất nghề nghiệp của bản thân trở thành một giá trị quan trọng đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Đối với thanh niên, tình yêu và cuộc sống gia đình là những giá trị liên quan mật thiết với nhau và có ý nghĩa to lớn. Những kiến thức, thái độ, hành vi ứng xử trong mối quan hệ tế nhị và phức tạp đó hiện chưa được giáo dục đầy đủ ở gia đình và nhà trường. Ngoài các giá trị nêu trên, PGS - TS Phan Minh Tiền đề nghị nhà trường nên dạy cho học sinh về nếp sống văn minh. Nếp sống đó thể hiện qua các nội dung như khoa học, tiết kiệm, hợp lý, tránh lối sống xa hoa, đua đòi.

PGS - TS Trần Hoài Anh, Trường đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Giáo dục con người là một quá trình dài lâu nhưng không phải không cần những bước nhảy vọt, có tính đột phá. Trước thách thức của xã hội hiện đại, nếu như nền giáo dục vẫn “lối cũ ta về” thì chắc chắn không thể đạt được hiệu quả tốt đẹp…”. 

Một vấn đề khác có liên quan đến giáo dục các giá trị trong nhà trường, đó là giáo dục về quyền con người. “Ngày 5.9.2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là cơ sở pháp lý cơ bản thể hiện nhiệm vụ chính trị của Chính phủ trong việc giáo dục giá trị cốt lõi về quyền con người trong thời đại ngày nay ở nước ta”, PGS - TS Hồ Xuân Thắng (Trường đại học Sài Gòn) lưu ý.

Theo tác giả, xét trên phương diện quốc tế, lịch sử phát triển loài người cho thấy ở bất kỳ nơi đâu, giai đoạn lịch sử nào thì tri thức nói chung, tri thức về quyền con người cũng thật sự là nền tảng cho sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Một cách bao quát, tri thức, sự hiểu biết về quyền con người có giá trị làm tiền đề cho hoà bình, thịnh vượng và công bằng cho toàn thể nhân loại. Tuy nhiên, có một thực tế lịch sử không chối bỏ được, đó là có hàng triệu người sinh ra rồi chết đi mà không hề biết rằng chính họ là chủ thể của các quyền con người.

Giáo dục giá trị trong nhà trường, dù không mới nhưng lại đang được xem là “vấn đề hôm nay” của nhà trường (thực ra không chỉ riêng của nhà trường). Ngày 21.1.2019, một số tờ báo chính thống đăng bài phỏng vấn PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về một số nội dung liên quan đến giá trị.

Trả lời câu hỏi của phóng viên “ông nhận định thế nào về thực trạng đạo đức xã hội Việt Nam hiện nay”? Theo ông Bùi Hoài Sơn: “Thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp là có thật và chúng ta cần phải thừa nhận điều đó. Dẫn chứng tiêu biểu, nếu tra cụm từ “đạo đức xã hội xuống cấp” thì chỉ trong 0,62s đã có 17 triệu kết quả. Con số này là chỉ báo cho thấy tình hình đã rất nghiêm trọng và được nhiều người đề cập trên mạng.

Hằng ngày, nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thầy cô đánh học sinh, học sinh đánh nhau, đánh lại cả thầy cô; những vụ án giết người chỉ vì một vài lý do nhỏ nhặt đến khó tin... Đạo đức xuống cấp còn thể hiện ở sự vô cảm ngày càng phổ biến. Người ta thấy điều xấu không lên án, thấy điều tốt không tôn vinh; thậm chí có những người sẵn sàng làm điều xấu, bất thường, đi ngược lại các giá trị đạo đức nhưng lại cho đó là bình thường.

Xã hội đang có những biểu hiện rối loạn trong nhiều lĩnh vực và theo tôi đạo đức xuống cấp nhanh từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới. Đời sống kinh tế, vật chất tốt hơn, nhưng nhiều giá trị đạo đức, văn hoá cũng bắt đầu lu mờ. Tất nhiên không phải xã hội trước đây hoàn toàn tốt đẹp như nhiều người vẫn ao ước. Đơn cử lĩnh vực y tế, trước đây vì phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, trình độ y, bác sĩ chưa được như bây giờ nên sự cố xảy ra khá nhiều. Tuy nhiên vì truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển nên mọi người ít biết. Ngược lại, bây giờ y học tân tiến, ít sự cố hơn song khi có sự cố thì hàng triệu người sẽ biết và lên án…”.  

VIỆT ĐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục