Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giáo dục nghề nghiệp- câu chuyện nói mãi vẫn không cũ
Chủ nhật: 23:00 ngày 07/06/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), thu hút học sinh vào trường dạy nghề là một câu chuyện không mới nhưng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra.

Học viên Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh thực hành ở xưởng.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Giáo dục nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS), thu hút học sinh vào trường dạy nghề là một câu chuyện không mới nhưng vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra. Mục tiêu lớn nhất, trọng tâm nhất của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật có tay nghề.

HỌC CAO ĐẲNG NGHỀ, DỄ TÌM VIỆC LÀM

Thông tin tại hội nghị cho biết, công tác tuyển sinh, kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2019 có sự thay đổi so với những năm trước. Năm 2019, tổng chỉ tiêu đăng ký vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt gần 10 ngàn người, bao gồm các loại hình đạo tạo chính quy và sơ cấp.

Kết quả tuyển sinh cho thấy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển được hơn 7 ngàn người. Cụ thể, bậc cao đẳng tuyển được 418 chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu được giao gần 170% (kể cả hai ngành đào tạo ngoài sư phạm của Trường CĐSP Tây Ninh). Bậc trung cấp tuyển được 1.655 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ trên 70%.

Hơn 5.300 người còn lại thuộc loại hình đào tạo sơ cấp, giáo dục thường xuyên, trong đó, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 có hơn 4.200 người theo học. Sau khi được công nhận tốt nghiệp (có văn bằng hoặc chứng chỉ), phần lớn số sinh viên, học viên đã tìm được việc làm. Theo số liệu do Sở LĐ-TB&XH công bố, tỷ lệ người người sau đào tạo tìm được việc làm đạt hơn 84%, trong đó sinh viên cao đẳng tỷ lệ có việc làm đạt 100%.

Lãnh đạo Sở đánh giá, công tác đào tạo nghề ngày càng nhận được sự quan tâm với những động thái tích cực của các cấp chính quyền. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tích cực, chủ động hơn trong khâu tuyển sinh, đào tạo và giới thiệu việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được quan tâm triển khai, nhờ đó, nhận thức, cách nhìn của người dân về học nghề đang có những chuyển biến.

Tuy vậy, khó khăn, bất cập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng còn nhiều. Trước hết, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp vừa thiếu vừa lạc hậu về công nghệ.

Đội ngũ giáo viên đào tạo nghề còn thiếu về số lượng, một bộ phận giáo viên chưa đạt chuẩn về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng sư phạm, tin học, ngoại ngữ theo quy định. Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh trong trường THCS, THPT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao.

Tâm lý chung của phụ huynh và học sinh, sau khi học xong phổ thông vẫn muốn tiếp tục học lên cao, không muốn học nghề. Trong khi đó, trường đại học lại được phép tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển, thời gian tuyển sinh kéo dài, chỉ tiêu tuyển sinh tăng, điểm chuẩn thấp đã thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học.

Do vậy, việc tuyển sinh vào trường nghề đã và đang gặp nhiều thách thức. Theo số liệu ghi nhận được, học sinh, học viên học ngành quản lý đất đai và những người theo học các lớp dạy nghề ngắn hạn (dưới 3 tháng) khó tìm được việc làm trong doanh nghiệp, nếu tìm được việc, thu nhập cũng không cao. Sự hợp tác giữa nhà doanh nghiệp với nhà trường cũng còn không ít hạn chế.

Để tháo gỡ phần nào những khó khăn, tồn tại nêu trên, lãnh đạo Sở kiến nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH xem xét giảm chỉ tiêu đào tạo giáo dục nghề nghiệp trong các trường đại học. Qua đó, tạo điều kiện cho trường nghề ở địa phương có nguồn tuyển sinh; đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đầu tư kinh phí cho trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp để sửa chữa, mua mới thiết bị đào tạo nghề.

ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH

Theo kế hoạch, năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 12.000 người. Con số này bao gồm đủ mọi trình độ, loại hình đào tạo từ sinh viên cao đẳng, học viên trung cấp, sơ cấp, giáo dục thường xuyên.

Làm thế nào để tuyển sinh được số chỉ tiêu nêu trên? Lãnh đạo Sở cho biết, trước mắt, tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp để người dân, học sinh phổ thông hiểu thêm rằng, học nghề là một lựa chọn đúng.

Cùng với đó, Sở phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Để nâng cao chất lượng đào tạo, tới đây, cơ sở vật chất dạy nghề cũng được cải tạo, nâng cấp, trang bị “đồ nghề” để đáp ứng nhu cầu đào tạo. Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp - nơi sử dụng nguồn nhân lực do trường nghề đào tạo cũng được tăng cường theo hướng thực chất, hiệu quả hơn.

Một nội dung khác được quan tâm là việc thực hiện Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập áp dụng từ năm 2015 đến năm 2021.

Tại Tây Ninh, căn cứ các quy định của Chính phủ và UBND tỉnh, các trường nghề đã thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho người học. Cụ thể, từ năm 2015-2019, Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, Trường trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đã miễn, giảm học phí theo quy định của Chính phủ cho tổng cộng hơn 6.100 học sinh, sinh viên với số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Năm 2020, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục miễn, giảm học phí cho hơn 1.800 người học, với tổng số tiền khoảng hơn 7 tỷ đồng. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập, năm học 2018 - 2019, Trường trung cấp Á Châu miễn phí cho 399 người học, tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Cũng tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp này, năm 2020, gần 500 học sinh, học viên được miễn học phí, tổng số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho người học nghề sẽ áp dụng đến hết năm 2021. Từ năm 2022 trở đi, mức thu học phí sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng, phù hợp với lộ trình thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến thời điểm đó, nếu không có chính sách mới, các trường ngoài công lập sẽ tự định ra mức thu học phí, tức nhà trường tự hạch toán.

Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Trung ương xem xét miễn toàn bộ học phí cho tất cả học sinh sau THCS đang theo học trung cấp nghề, kể cả những học sinh có gián đoạn trong thời gian 5 năm kể từ khi tốt nghiệp THCS.

Lý do của đề xuất này là, theo quy định hiện hành, chỉ những học sinh nào sau khi tốt nghiệp THCS nếu tiếp tục vào học trường nghề thì mới đươc miễn, giảm học phí. Trong khi đó, có nhiều trường hợp sau khi tốt nghiệp THCS, vì một nguyên nhân, điều kiện nào đó chưa đi học nghề ngay, phải vài năm sau mới theo học.

Theo quy định, những trường hợp này không được hỗ trợ chi phí học tập cũng như thụ hưởng chính sách miễn, giảm học phí. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý đều thống nhất rằng, quy định như trên là bất hợp lý.

Giáo dục nghề nghiệp (phân biệt với giáo dục mầm non, phổ thông, đại học) là một lĩnh vực đang được xem như một khâu đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ. Khoảng 10 năm qua và nhất là trong 5 năm trở lại đây, giáo dục nghề nghiệp được các cấp quản lý quan tâm đầu tư, từ xây dựng chính sách cho đến đầu tư cơ sở vật chất.

Thậm chí giáo dục nghề nghiệp còn được xây dựng thành một bộ luật riêng (Luật Giáo dục nghề nghiệp) đã được Quốc hội thông qua. Những người được đào tạo bài bản trong trường nghề, nhất là trường cao đẳng nghề hầu như không trường hợp nào thất nghiệp. Thế nhưng giáo dục nghề nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trong đó, khâu tuyển sinh đặc biệt khó khăn.

Tại Tây Ninh, trừ Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hầu như không năm nào tuyển đủ chỉ tiêu. Hàng loạt nguyên nhân đã được liệt kê để giải thích cho thực trạng vừa nêu. Do chất lượng đào tạo, giáo trình đào tạo, máy móc thiết bị lạc hậu, do mức lương sau khi học thấp...

Để tạo ra sự xoay chuyển rõ nét cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là không hề đơn giản. Đây là sự khác biệt giữa giáo dục nghề nghiệp ở nước ta với nhiều quốc gia khác. Một trong những nguyên nhân mà hầu hết những người trong cuộc đã kiến nghị nhưng chậm được khắc phục, đó là sự bất hợp lý trong chính sách phát triển giáo dục.

Lấy lý do tỷ lệ sinh viên đại học của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực, người ta gần như đã “mở cửa tự do” cho học sinh phổ thông vào đại học. Cơ chế, chính sách tuyển sinh, cộng với số lượng trường đại học quá lớn, hầu như học sinh nào sau khi tốt nghiệp THPT cũng đều có thể vào học đại học, nếu muốn.

Một thời gian dài, trường đại học còn được phép tuyển sinh cả hệ trung cấp, cao đẳng khiến cho hệ thống trường nghề rất khó tuyển sinh, tồn tại trong trạng thái thoi thóp, thậm chí phải giải thể. Thực ra, học trường nào, hệ nào, ngành nghề nào không quá quan trọng. Quan trọng là hiệu quả sau đào tạo, nói  cách khác, học xong có tìm được việc làm hay không mới là điều đáng quan tâm nhất.

VIỆT ĐÔNG

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục