Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn
Thứ hai: 17:43 ngày 03/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Yếu tố con người và máy móc thiết bị là vấn đề mà các cơ sở đào tạo GDNN đang thiếu, hạn chế.

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, đóng góp có hiệu quả vào nền kinh tế của từng địa phương. Với mục tiêu đến năm 2030, hiệu quả GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc gia, trong đó, một số nghề tiếp cận trình độ các nước, Tây Ninh cần phải có nhiều giải pháp cũng như sự chung tay của nhiều lực lượng.

Đào tạo công nghệ thông tin tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh.

Kết quả liên kết đào tạo giai đoạn 2016-2023

Hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN của tỉnh có 17 cơ sở: 11 cơ sở công lập và 6 cơ sở ngoài công lập. Theo đánh giá của UBND tỉnh, ở cơ sở công lập, thời gian qua, Trường cao đẳng nghề Tây Ninh và Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh cung cấp nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp nhiều nhất với chỉ tiêu mỗi năm tuyển sinh, đào tạo trên 1.500 học sinh - sinh viên (HSSV).

Trường trung cấp Y tế Tây Ninh đang đào tạo chương trình hệ trung cấp các ngành Điều dưỡng, Dược, Hộ sinh, mỗi năm khoảng 100 chỉ tiêu và 2 ngành hệ trung cấp vừa làm vừa học: Dược, Y sĩ, mỗi năm tuyển sinh 80 chỉ tiêu. Trung tâm Dịch vụ việc làm - GDNN tỉnh Tây Ninh hiện đào tạo trình độ sơ cấp nghề lái xe ô tô các hạng, mỗi năm tuyển sinh, đào tạo khoảng 1.000 học viên.

Các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cấp huyện hiện nay không có giáo viên cơ hữu dạy nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, thiếu cơ sở vật chất, thiếu thiết bị đào tạo nên chức năng đào tạo nghề không thực hiện được.

Bên cạnh đào tạo chính quy tại cơ sở đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng nghề Tây Ninh, cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh đã phối hợp liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng trong cả nước tuyển sinh, đào tạo trình độ từ trung cấp đến đại học theo hình thức vừa làm vừa học. Kết quả, giai đoạn 2016-2023 đã tuyển sinh được 6.869 người (trong đó, trung cấp 123, cao đẳng 924, đại học 5.822); số học viên đã tốt nghiệp là 4.657 người (trong đó, trung cấp 112, cao đẳng 729, đại học 3.816 người).

Ở các cơ sở tư thục, hiệu quả đào tạo còn nhiều hạn chế. Trong đó, Trường trung cấp Tân Bách Khoa nhiều năm không tuyển sinh đủ số lượng 1 lớp để tổ chức đào tạo; diện tích đất không bảo đảm theo quy định; cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị đào tạo lạc hậu; cán bộ quản lý các phòng, khoa và đội ngũ giáo viên cơ hữu thiếu, chủ yếu liên kết đào tạo với các trường cao đẳng, đại học để tuyển sinh, đào tạo hình thức vừa làm vừa học trình độ cao đẳng, đại học, nhưng số lượng không đáng kể. 

Trường trung cấp Á Châu (gồm 2 cơ sở) đào tạo hệ trung cấp, sơ cấp, quy mô tuyển sinh hằng năm khoảng 500 học sinh nhưng hiện nay diện tích sử dụng chưa bảo đảm theo quy định, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo được quan tâm đầu tư nhưng vẫn còn lạc hậu; cán bộ quản lý, đội ngũ nhà giáo còn thiếu so với yêu cầu.

Trung tâm GDNN 3T-Tây Ninh, chức năng đào tạo trình độ sơ cấp nghề, kể từ khi thành lập cho đến nay không tuyển sinh, đào tạo được, cơ sở vật chất phải đi thuê. Công ty cổ phần đầu tư phát triển và giáo dục TPA đăng ký hoạt động đào tạo nghề trình độ sơ cấp, quy mô tuyển sinh, đào tạo hằng năm 130 người; trụ sở phải đi thuê; cán bộ quản lý thiếu chuyên nghiệp, giáo viên cơ hữu thiếu, chủ yếu hợp đồng giáo viên thỉnh giảng; hằng năm công ty có tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt và Trung tâm đào tạo lái xe ô tô Tây Ninh có số lượng học viên đào tạo nhiều (bình quân 3.000 học viên/đơn vị), nhưng lực lượng này phần lớn đã có việc làm ổn định (trừ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an), do đó không đóng góp nhiều cho doanh nghiệp.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Ngày 31.1.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 263/QĐ-UBND ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển GDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Đề án). Một trong những mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo các ngành, nghề trình độ từ cao đẳng trở lên cho khoảng 500 người/năm; phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng.

Tuy nhiên, theo những người làm công tác quản lý, việc này còn nhiều khó khăn. Trong đó, yếu tố con người và máy móc thiết bị là vấn đề mà các cơ sở đào tạo GDNN đang thiếu, hạn chế.

Theo ông Châu Thành Trọng- Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, cái khó đầu tiên là kinh phí. Ông cho biết: “Hiện nay, kinh phí chưa có nhưng máy móc thiết bị đang lạc hậu. Nhà trường đã thực hiện từ nguồn thu của nhà trường nhưng như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, giáo viên”.

Còn ông Nguyễn Văn Thả- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Châu cho rằng, hiện nay, các trung tâm ở huyện chủ yếu chỉ có giáo viên làm công tác GDTX. “Để làm tốt được lĩnh vực GDNN, ít nhất các trung tâm GDNN-GDTX phải có cán bộ quản lý hiểu về GDNN. Nhưng hiện nay, các trung tâm cấp huyện không có thì làm sao chức năng này thực hiện được?”- ông Nguyễn Văn Thả nêu ý kiến.

Công tác phân luồng học sinh cũng là một vấn đề. Theo số liệu 3 năm gần nhất, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp trung cấp nghề đạt 14,66%; số học sinh tốt nghiệp THPT vào học các ngành hệ trung cấp, hệ cao đẳng nghề trong tỉnh đạt 5,78%.

Ông Phạm Văn Vinh- Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh cho rằng, con số 45% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở GDNN và 50% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng khó đạt được nếu không có lộ trình thực hiện. Ông nói: “Chúng ta cần đặt chỉ tiêu từng năm. Ví dụ như năm 2023 là 16,6%, năm 2024 là 20% và năm 2025 sẽ là 25%. Phải có lộ trình để công tác phối hợp phân luồng giữa Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giữa các trường với địa phương diễn ra suôn sẻ, có như vậy mới có thể đạt chỉ tiêu như Đề án đưa ra”.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Châu Nguyễn Văn Thả, để thực hiện được các chỉ tiêu về GDNN, một việc cần chú trọng là phải tuyên truyền rộng rãi đến người dân. “Trung tâm chúng tôi đã phối hợp với Trường trung cấp Á Châu thực hiện tuyển sinh mấy năm nay rồi. Chúng tôi đến các trường THCS gặp gỡ học sinh, trao đổi với các em qua các giờ sinh hoạt dưới cờ; Trường trung cấp Á Châu phát tờ rơi giới thiệu các ngành nghề.

Nhưng quan trọng vẫn là nhận thức của phụ huynh. Bởi vì tâm lý các gia đình luôn mong muốn con họ vào trường THPT công lập, để rồi vào đại học, chứ không muốn học trung cấp. Do đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị cùng vận động, tuyên truyền, nếu chỉ những người làm công tác GDNN là chưa đủ”.

Khải Tường

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục