BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân: Muốn khôi phục, phát triển cây mía, sản xuất phải có tổ chức

Cập nhật ngày: 21/04/2009 - 07:56

GS.TS Võ Tòng Xuân

Đầu năm 2008, khi diện tích mía vụ 2008-2009 giảm sút nghiêm trọng, Công ty CP Bourbon Tây Ninh (SBT) đã mời nhóm nghiên cứu do Giáo sư Tiến sĩ (GS.TS) Võ Tòng Xuân làm cố vấn đến vùng nguyên liệu SBT khảo sát, nghiên cứu, phân tích nguyên nhân và đề ra những giải pháp nhằm khôi phục vùng nguyên liệu mía của SBT nói riêng và của tỉnh Tây Ninh nói chung.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, có 3 yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định trong sản xuất mía. Yếu tố được đánh giá quan trọng trước tiên là năng suất cây mía ở Tây Ninh còn rất thấp. Niên vụ chế biến vừa qua, năng suất bình quân trên diện tích do Công ty SBT đầu tư chỉ đạt 47 tấn/ha. Năng suất mía thấp là yếu tố đầu tiên ảnh hưởng đến sự bất ổn trong sản xuất mía ở Tây Ninh. Nguyên nhân cơ bản làm cho năng suất mía Tây Ninh thấp là do đầu tư thấp, mía vùng thấp bị ngập trong thời gian dài do không có hệ thống kênh tiêu vào mùa mưa, giống mía đang ngày càng bị thoái hoá. Yếu tố cơ bản thứ hai là do chi phí sản xuất quá cao. Nguyên nhân là do giá cả vật tư nông nghiệp tăng, giá công thu hoạch cũng tăng cao do thiếu nhân công khi thu hoạch đông ken. Yếu tố thứ ba là giá thu mua mía thấp. Theo phân tích của nhóm nghiên cứu thì điều này do “ý muốn chủ quan của lãnh đạo nhà máy”. Đồng thời, đối với việc đo chữ đường của các nhà máy chế biến, người sản xuất mía cho là “độc quyền” và “không minh bạch”.

Những phân tích của nhóm nghiên cứu do GS.TS Võ Tòng Xuân làm cố vấn đã được các nhà máy đặc biệt quan tâm. Trong vụ sản xuất và chế biến mía đường vừa qua, các nhà máy đã tăng mức đầu tư, tăng cường giống mới và giá thu mua mía cũng được cải thiện khá hơn. Tuy nhiên, thống kê lại năng suất thì thực tế tuy có tăng nhưng vẫn chưa tăng được nhiều. Cụ thể như ở SBT năng suất mía vụ thu hoạch vừa qua chỉ đạt khoảng 52 tấn/ha. Vì sao vậy?

Trao đổi với báo chí trong dịp tổng kết vụ thu hoạch của SBT mới đây, GS.TS Võ Tòng Xuân đánh giá nguyên nhân cơ bản khiến diện tích mía ở Tây Ninh giảm sút mạnh là do lợi tức từ trồng mía không hấp dẫn người nông dân. Mà nguyên nhân quan trọng nhất làm hạn chế lợi tức của người trồng mía là năng suất mía vẫn còn quá thấp. Vụ sản xuất vừa qua, tuy các nhà máy có tăng cường đầu tư cho cây mía, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất mía. Cụ thể như có nhiều khu vực mía bị lấy cắp, bị trâu bò phá hoại, hoặc bị cháy với diện tích khá lớn nhưng việc ngăn chặn không có kết quả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nông dân chưa được tổ chức chặt chẽ trong việc sản xuất, bảo vệ mía. Hiện nay ở Tây Ninh hầu như nông dân sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, “mạnh ai nấy bảo vệ” tài sản của mình. Chính quyền nhiều địa phương cũng chưa có tổ chức chặt chẽ trong việc hỗ trợ nông dân chăm sóc và bảo vệ mía. Về phía các nhà khoa học cũng chưa được tổ chức tập trung khảo sát, nghiên cứu, tìm giải pháp canh tác phù hợp từng khu vực đất để nâng cao năng suất mía một cách tối ưu và tổ chức hướng dẫn cho nông dân. Hiện nay, rất nhiều nông dân vẫn còn bón phân cho cây mía theo kiểu truyền thống từ trước đến nay, hoặc là học hỏi lẫn nhau mà thôi. Cách làm “cổ truyền” này khó mà đạt.

Mía cháy- nỗi lo lớn của nông dân trồng mía

Phải làm gì để khôi phục cây mía Tây Ninh? GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng khả năng phát triển cây mía ở Tây Ninh không thua Thái Lan bởi vì điều kiện thổ nhưỡng của Tây Ninh rất phù hợp với cây mía. Tây Ninh đúng là “thiên đường” của cây mía. Tuy trong thời gian qua do nhiều yếu tố tác động khiến diện tích giảm, Tây Ninh vẫn còn nhiều khả năng khôi phục cây mía. Tuy nhiên, muốn khôi phục và phát triển cây mía đúng với tiềm năng thì trong hoạt động sản xuất phải có tổ chức hẳn hoi. Trước tiên là trong nông dân. Ở các nước khác không hề xảy ra tình trạng mía bị phá hoại hay bị cháy hàng loạt, nhờ nông dân có tổ chức bảo vệ chặt chẽ. Ở Tây Ninh, trước tiên nên xây dựng và phát triển hợp tác hoá ngành trồng mía ở từng khu vực để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Song song đó là tổ chức hiệp hội những người trồng mía- có thể từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh để bảo vệ người trồng mía. Có tổ chức chặt chẽ, cùng nhau sản xuất, cùng nhau bảo vệ thì chắc chắn hiệu quả sẽ tăng. Đồng thời, tỉnh cần vận dụng tốt nhất chính sách “tam nông” để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật đủ năng lực, đào tạo những nông dân trồng mía chuyên nghiệp, trang bị máy móc thiết bị hiện đại. Riêng lĩnh vực khoa học thì cần thiết phải tập trung nghiên cứu quy trình canh tác cây mía phù hợp nhất để hướng dẫn nông dân trồng mía đạt hiệu quả cao nhất.

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, ông đã nhận lời làm cố vấn nông nghiệp cho SBT và ông đang nghiên cứu để xác lập quy trình canh tác cây mía phù hợp nhất đối với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tây Ninh.

SƠN TRẦN