Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Dự thảo Luật giáo dục (sửa đổi)
Giáo viên phổ thông phải có bằng đại học
Thứ tư: 11:26 ngày 14/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi, sau đây gọi tắt là Dự thảo) năm 2018 đang được đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua trong kỳ họp thứ 7, tức vào giữa năm 2019. So với quy định hiện hành, Dự thảo có nhiều thay đổi, trong đó có quy định về văn bằng của giáo viên và chính sách miễn học phí đối với học sinh.

Các em học sinh trong giờ học tại Trường mầm non Hoa Mai (xã Thạnh Tân).

ÐƯA DẠY THÊM, HỌC THÊM VÀO LUẬT

Dự thảo luật khẳng định, nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà nước có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Dự thảo quy định nhà giáo phải có bốn tiêu chuẩn, gồm phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt; đạt trình độ chuẩn được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và chuẩn nghề nghiệp theo quy định; đủ sức khoẻ theo yêu cầu nghề nghiệp và lý lịch bản thân rõ ràng.

Dự thảo quy định các hành vi nhà giáo không được làm, gồm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học; xuyên tạc nội dung giáo dục và ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.

Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau: có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học cơ sở; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên trung học phổ thông; có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, hướng dẫn luận án tiến sĩ. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương theo thẩm quyền quy định về việc bồi dưỡng, sử dụng nhà giáo chưa đạt trình độ chuẩn.

So với Luật Giáo dục hiện hành, Dự thảo trong phần quy định về giáo viên như vừa nêu trên có một số thay đổi đáng kể. Hiện tại, giáo viên mầm non và tiểu học chỉ cần có bằng tốt nghiệp trung học sư phạm trở lên, còn giáo viên trung học cơ sở chỉ cần có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Nếu quy định như trong dự thảo được thông qua, văn bằng thấp nhất của giáo viên là cao đẳng (đối với giáo viên mầm non), còn lại giáo viên ở bậc học phổ thông gồm ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông phải có bằng đại học.

 Sự thay đổi về tiêu chuẩn bằng cấp này được giải thích nhằm nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ giáo viên. Thế nhưng, sẽ có những vấn đề phát sinh. Một trong những vấn đề đó là, hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên và đặc biệt, hệ thống trường cao đẳng sư phạm sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa. Lý do, các trường này chỉ có chức năng, nhiệm vụ đào tạo và cấp bằng từ cao đẳng trở xuống. Nếu muốn có bằng đại học, sau khi học xong, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng bắt buộc phải học liên thông để lấy bằng đại học.

Như vậy, việc học liên thông sẽ chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Cũng có ý kiến bình luận, quy định giáo viên phổ thông phải có bằng đại học nằm trong kế hoạch cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống trường cao đẳng sư phạm. Vì thời gian qua, rất nhiều trường cao đẳng sư phạm lâm vào cảnh “chợ chiều” do tuyển sinh không được. Thậm chí có tỉnh đã cho sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường cao đẳng cộng đồng để tránh lãng phí về con người và tài chính.

 Ðối với đội ngũ giáo viên đang công tác, dù phần lớn trong số đó đã “lên đời” cho tấm bằng của mình, nhưng vẫn còn một bộ phận giáo viên chỉ có bằng trung cấp, cao đẳng ở bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Vẫn liên quan đến giáo viên, lần đầu tiên, chuyện học thêm, dạy thêm đã được đưa vào luật khi dự thảo luật quy định rõ “giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm để thu tiền”. Trước hình hình dạy thêm, học thêm bị biến tướng nghiêm trọng, năm 2012, Bộ GD-ÐT đã ban hành Thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, những quy định ấy gần như không có hiệu lực trong thực tế. Dạy thêm, học thêm là một câu chuyện không có hồi kết.

Ðối với quy định về bốn tiêu chuẩn để trở thành giáo viên, theo dự thảo luật, giáo viên phải có “phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt”. Ðây là một quy định có phần cảm tính, không thể đo lường. Mặc dù phần hạnh kiểm, đạo đức của học sinh được ghi trong học bạ nhưng làm thế nào để biết một học sinh hoặc sinh viên có “phẩm chất, đạo đức, tư tưởng tốt”, và như thế nào là tốt? Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, hàng chục năm qua, nguồn tuyển đầu vào của các trường sư phạm rất thấp.

HỌC SINH MẦM NON, TRUNG HỌC CƠ SỞ KHÔNG PHẢI ÐÓNG HỌC PHÍ

Một nội dung khác được dư luận quan tâm là chuyện học phí. Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: “Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập không phải nộp học phí. Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở công lập được Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động để thực hiện phổ cập giáo dục.

Trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tương đương mức ngân sách cấp chi thường xuyên tính bình quân trên một học sinh của cơ sở giáo dục công lập cùng cấp trên địa bàn.

Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc không thu học phí đối với trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, học sinh tiểu học, trung học cơ sở trường tư thục”.

Như vậy, sau nhiều tranh cãi chuyện bỏ hay tiếp tục thu học phí, cuối cùng chính sách học phí đã được đưa vào dự thảo luật để Quốc hội xem xét. Cần nhắc lại, chính sách học phí đã được bàn luận rất nhiều ở cả cấp Chính phủ và chính quyền địa phương. Trong các lần trước, Bộ GD-ÐT đã đưa nội dung bỏ thu học phí đối với học sinh mầm non, trung học cơ sở vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nhưng sau đó lại rút nội dung này ra, vì một số bộ, ngành ở Trung ương không tán thành với lý do ngân sách chưa bao cấp được.

Học sinh THCS sẽ được miễn học phí.

 Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 do Bộ GD-ÐT tổ chức bằng hình thức trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Ðức Ðam đã nói rõ, sẽ tiến tới bỏ thu học phí đối với học sinh mầm non và trung học cơ sở, vì bậc học mầm non và cấp trung học cơ sở đã được phổ cập giáo dục.

Theo nguyên tắc chung, nếu đã thực hiện chính sách cưỡng giáo dục thì không thể thu học phí của người học. Thế nhưng từ đó đến nay, việc có miễn học phí cho học sinh hay không vẫn chưa được quyết định chính thức. Trong một phiên họp cách nay chưa lâu, Chính phủ đã ban hành nghị quyết bỏ thu học phí, tuy nhiên, như có lần đã đề cập, muốn làm điều đó, phải sửa Luật Giáo dục.

Nếu quy định như trong dự thảo luật được thông qua trong năm 2019, phải đến năm học 2020-2021, học sinh mầm non, trung học cơ sở mới được miễn học phí. Theo các con số được công khai, tổng số tiền thu học phí ở cấp trung học cơ sở trong cả nước được khoảng hai ngàn tỷ đồng mỗi năm. Riêng nội dung hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, trung học cơ sở theo học ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập, có ý kiến nhìn nhận, điều này không nên và không cần thiết. Vì thực tế hầu hết nhóm đối tượng này thuộc con em gia đình khá giả, còn con em công nhân ở khu công nghiệp đã hoặc sẽ có chính sách riêng.

VIỆT ÐÔNG

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục