Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gieo chữ giữa biển trời của Tổ quốc
Thứ tư: 15:44 ngày 20/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tấm bảng nhỏ đặt dọc lớp học sẽ là nơi các em nhỏ lớp 1, lớp 2 rèn chữ, làm quen với bảng chữ cái. 15 năm nay, thầy Phục “cân” hết các lớp học.

Nơi hải đảo xa xôi quanh năm sóng gió tứ bề, khí hậu khắc nghiệt nhưng những giáo viên vẫn ngày đêm bền bỉ, tận tuỵ gieo từng con chữ cho trẻ em trên đảo. Họ là những người cận kề tuổi hưu, có người là quân nhân chuyên nghiệp nặng lòng với tương lai của các em nhỏ đã bằng tất cả sự trách nhiệm, tận tâm của mình để mang con chữ đến với các em thơ.

Chúng tôi đến với lớp học của Thiếu tá Trần Bình Phục khi thầy trò đang say sưa học bài trong lớp học nằm lưng chừng núi trên đảo Hòn Chuối (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

Lớp học được các em ví von là lớp học độc nhất vô nhị với 3 tấm bảng. Mỗi tấm dành cho một cấp học khác nhau từ lớp 1 đến lớp 7. Tấm bảng to nhất được ngăn làm đôi dành cho các em lớn hơn.

Tấm bảng nhỏ đặt dọc lớp học sẽ là nơi các em nhỏ lớp 1, lớp 2 rèn chữ, làm quen với bảng chữ cái. 15 năm nay, thầy Phục “cân” hết các lớp học. 

Thiếu tá Trần Bình Phục tâm sự, đưa được lũ trẻ này đến lớp đã là một điều hạnh phúc. Từ nhỏ chúng đã quen với cuộc sống cheo leo bên những vách đá với căn nhà tạm. Cuộc sống dặt dẹo, thiếu trước hụt sau nên cả người lớn và trẻ nhỏ ít ai nghĩ đến việc học chữ.

Nhưng nếu cứ như thế mãi thì tương lai của chúng rồi cũng sẽ là vòng quay lặp lại trong sự thiếu thốn, khó khăn. Giờ thì lũ trẻ đã biết đọc, biết viết, đặc biệt là những bài học đầu đời để chúng trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Thiếu tá Trần Bình Phục đang giảng bài cho các em học sinh trên lớp học tình thương đảo Hòn Chuối.

15 năm trước, khi đến nhận công tác theo sự phân công của cấp trên tại hòn đảo tiền tiêu này, quân nhân chuyên nghiệp Trần Bình Phục thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã đau đáu với những ánh mắt thơ ngây, trong trẻo của lũ trẻ nhưng thất học.

Khi hoàn thành thời gian công tác, năm 2003, anh quay trở lại đây và đi đến quyết định sẽ gắn bó với hòn đảo này, đúng hơn là gắn với những đứa trẻ nơi này bằng việc viết đơn tình nguyện công tác lâu dài. Cấp trên không duyệt, anh viết tận mấy lần.

Tiếp đó là những tháng ngày gian nan với người cán bộ trẻ khi đi đến tận từng gia đình, ra tận từng bè cá để thuyết phục phụ huynh “nhả” con em để anh đưa đến lớp.

Khi phụ huynh xiêu lòng, lại tới lượt “năn nỉ” các em cắp sách đến trường. Từ dưới gềnh, con đường đến trường của đám trẻ cũng gian nan, trắc trở. Con đường dốc từ dưới gềnh lên tới lớp học áng chừng gần 400 bậc thang.

Đứa lớn thì thầy động viên chúng tự đi, đứa nhỏ thầy xuống tận nhà dắt lên, đứa nào mè nheo thầy cõng luôn vào lớp. 

Nhớ lại quãng thời gian đó, Thiếu tá Trần Bình Phục tâm sự: “Bao nhiêu tâm huyết tôi dành vào đó cả. Với sự hỗ trợ của đồng đội, người dân, tôi đã có một lớp học có khi sĩ số tới hơn 20 em. Hạnh phúc của tôi cũng chỉ cần chừng đó.

Nhìn các em bi bô, cộng cộng trừ trừ mỗi sáng đến lớp lòng vui đến lạ. Lâu lâu có em “đào ngũ”, tôi lại mua gói bánh, cây kẹo đến tận nhà “làm công tác tư tưởng”.

Chừng đó thời gian, nhiều lứa học trò đã lớn và trưởng thành, có mấy đứa đậu đại học, có việc làm ổn định. So với ngày trước, lớp học giờ được đầu tư khang trang, tiện nghi hơn rất nhiều.

Lũ học trò của thầy Phục ngày ngày quây quần bên lớp học với những tiếng cười hạnh phúc. Riêng thầy, lúc nào cũng mong các em sẽ được tạo điều kiện để học lên cao nữa, thay vì chỉ dừng lại như lớp 7 bây giờ.

Trong khả năng hạn hữu, cơ sở vật chất, giáo trình chưa cho phép, tất cả những điều có thể, sự tận tuỵ, thương yêu, thầy Phục đã mang hết cho học trò của mình.

Nằm cách đất liền hàng trăm hải lý, trường Tiểu học xã Sinh Tồn (xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà) nằm bình yên giữa những gốc bàng vuông, bóng cây cổ thụ.

Nơi quanh năm sóng vỗ tứ bề, lớp học này đã ra đời để tạo điều kiện cho trẻ em ở đây được đến trường như bao trẻ em ở đất liền dù còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Đến với Sinh Tồn lần này, chúng tôi có dịp trò chuyện với người giáo già Phan Quang Tuấn. Quê ở tỉnh Khánh Hoà, ở tuổi 57, lẽ ra thầy có thể nghĩ đến việc dưỡng già sau 37 năm công tác trong ngành Giáo dục.

Thầy cũng có cuộc sống ổn định về mọi mặt, các con đã lớn và trưởng thành. Thế nhưng, trong sự tâm huyết của mình, thay vì nghỉ ngơi, thầy giáo Phan Quang Tuấn lại viết đơn tình nguyện ra Sinh Tồn dạy học.

Lớp học nhỏ này có tổng cộng 8 em, đủ các lứa trong cấp tiểu học. Cũng như lớp học của Thiếu tá Trần Bình Phục trên đảo Hòn Chuối, thầy Tuấn cũng “bao show” việc dạy các em.

Thầy Tuấn chia sẻ, ở đất liền, điều kiện đủ đầy hơn nên khi mới ra đây, có nhiều điều cần thay đổi. Với tâm thế đã xác định từ đầu, giờ tôi đã yêu mến hòn đảo này hơn bao giờ hết.

Ngày ngày được nghe tiếng bi bô của các em giữa bao la trùng khơi là một điều rất tuyệt vời rồi.

Thầy Phan Quang Tuấn và những học trò nhỏ của mình trên đảo Sinh Tồn.

Hơn một năm qua, ngày ngày trên lớp học thân thương này, người thấy giáo già với dáng người nhỏ nhắn, khắc khổ đã rèn cho các em nhỏ từng nét chữ, chỉ cho các em từng phép toán đơn giản.

Sau giờ học, thầy trò lại quây quần bên những gốc bàng vuông cổ thụ chơi trò đuổi bắt, làm nhà cát. Lũ trẻ thấm mệt, thầy lại kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích ngày xưa.

Chị Bùi Thị Kim Ngọc, hộ dân sinh sống trên đảo chia sẻ, thầy Tuấn với lũ trẻ không chỉ là người thầy dạy chữ, thầy còn như một người cha tinh thần của lũ trẻ đảo Sinh Tồn.

Nhiều hôm, các con về khoe được thầy chỉ dạy nhiều điều hay lẽ phải, những lời hay ý đẹp trong cuộc sống. Từ những điều bình dị như thế, chúng tôi cũng sẽ luôn cố gắng để tạo cho các con một môi trường tốt nhất để phát triển thành người.

Gắn bó với các em trên đảo, tình yêu thầy dành cho mảnh đất này ngày càng lớn, những người lính bộ đội Cụ Hồ trên đảo cũng dành những tình yêu, sự tôn kính với sự nghiệp trồng người đối với thầy.

Tình quân dân trên đảo ngày càng gắn kết, bền chặt là điều mà tôi rõ nhất dù chỉ mới ra đảo được hơn một năm nay, thầy Tuấn đúc kết.

Giờ tôi chỉ mong mình duy trì sức khoẻ thật tốt, có thêm các phương tiện, dụng cụ để truyền dạy cho các em kiến thức tốt hơn là vui lắm rồi.

Trên quần đảo Trường Sa, còn có lớp học của thầy Lê Xuân Hạnh, người giáo viên sau 37 năm công tác ở đất liền cũng tình nguyện ra đảo Trường Sa lớn đứng lớp; lớp học của thầy Lưu Quốc Thịnh, người giáo viên thâm niên 20 năm trong nghề muốn được cống hiến, trách nhiệm hơn với các em nhỏ trên đảo.

Họ đang ngày đêm âm thầm cống hiến với việc gieo chữ nơi đảo xa, mong những mầm xanh tương lai của đất nước sẽ lớn lên trong sự kiên trung, bao bọc của những người lính đảo, những người dân ưu tú giữa biển trời Tổ quốc.

Đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau nằm cách đất liền gần 32km về phía Tây, diện tích khoảng 7km2, điểm cao nhất so với mực nước biển gần 170m. Hòn Chuối là một trong những đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc.

Đảo có địa hình phức tạp, độ dốc cao, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mưa ít, nắng nhiều nên cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Đảo Hòn Chuối chưa có trạm y tế, chưa có hệ thống trường học quốc gia. Hiện lớp học tình thương do Đồn Biên phòng Hòn Chuối quản lý đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

 Hà An

 

 

Tin cùng chuyên mục