Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch ưa thích mạo hiểm đến tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa của các dân tộc nơi đây.
Gần 8 năm trước, Cao nguyên đá Đồng Văn thuộc bốn huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, trong đó Mèo Vạc là vùng lõi, đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Đây là cú huých cho du lịch Mèo Vạc, song quan trọng hơn là quá trình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây để phát triển bền vững.
Múa khèn Mông ở chợ tình Khâu Vai. Ảnh: Việt Dũng
Tạo tác thiên nhiên hòa quyện kỳ tích của con người
Đường lên Cao nguyên đá Đồng Văn xuyên qua những rừng đá tai mèo. Có những núi đá mang hình thù kỳ dị có giá trị trưng bày địa chất lộ thiên. Quốc lộ 4C (con đường được đặt tên là Hạnh Phúc) cheo leo trên vách đá, trên sườn núi dốc đứng vắt qua đỉnh đèo Mã Pì Lèng. Dừng chân ở đỉnh đèo Mã Pì Lèng, chúng tôi được mở rộng tầm mắt tới những khoảng không bao la, núi non hùng vĩ.
Từ đây nhìn xuống, dòng sông Nho Quế quanh co ẩn hiện dưới vực sâu cách mặt đường gần nghìn thước, trông như một dải lụa mầu lục nhạt vắt hờ hững trên eo thon thắt đáy lưng ong của thiếu nữ ngày khai hội! Đôi chỗ dòng Nho Quế đi qua những hẻm vực, hai bên bờ là vách đá dốc đứng mà “cổng trời” Mã Pì Lèng là hẻm vực sâu và hoành tráng nhất.
Thật ngạc nhiên là giữa nơi hoang dại, heo hút với cái tên rất vùng cao Mã Pì Lèng lại có một dòng sông vắt mình vào sườn núi và vực sâu mang cái tên rất thơ mộng: Nho Quế (gợi nghĩa mầu xanh lục nhạt và mềm mại). Vực sông Nho Quế là hẻm vực sâu và hùng vĩ nhất Đông - Nam Á.
Hẻm vực sâu thẳng đứng hơn 800 m khiến người ta lần trèo từ đỉnh đèo xuống mặt sông phải mất nửa ngày. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, đứt gãy địa chất này được hình thành vào kỷ Kai-nô-zoi theo cơ chế trượt bằng trái. Và sau đó, đứt gãy lại hoạt động theo cơ chế trượt bằng phải, tạo nên hẻm vực này.
Chóp núi đá hùng vĩ ở Mã Pì Lèng là nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim và nghiên cứu khoa học. Nhìn từ nơi này, mây và nắng dường như huyền bí hơn trên đỉnh mỗi ngọn núi cao nguyên đá… Mã Pì Lèng trong tiếng Mông có nghĩa là “sống mũi ngựa”. Đồng bào Mông gọi như thế bởi đây là đỉnh đèo hiểm trở đến mức ngựa đi qua cũng phải “bạt vía, lạc hơi”.
Lên Mèo Vạc vào cuối mùa đông, cái lạnh khắc nghiệt của vùng cao làm cho miền đá trơ ra, xám xịt. May thay, còn có hoa bạc hà tím làm mềm thân núi. Cây bạc hà mỗi năm mọc và nở một lần hoa rồi lại ẩn mình vào đá cho tới năm sau. Hoa bạc hà được ong mật hút lấy nhụy, quyện hơi sương núi để “chắt” thành vị ngọt. Cho nên, đi khắp nơi không ở đâu có thứ mật vàng ươm, tinh khiết, thơm mát, tốt và quý như ở cao nguyên đá...
Việc bị quyến rũ, yêu, rồi trở lại cao nguyên đá nhiều lần để khám phá, để giữ trọn vẹn cảm xúc với miền đá xám mỗi lúc vào đông đối với không ít người còn vì sự mê mẩn loài hoa tam giác mạch. Người Mông ở Mèo Vạc đã gieo hạt tam giác mạch trên những dải, những mom đá được xếp quây để giữ đất, từ đó thành các triền hoa hút hồn du khách. Hoa vẫn mọc lên từ đá và sự sống vẫn cứ sinh sôi!.
Cũng giống như đá núi biên cương, con người ở đây sống chất phác, kiên gan chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, làm ra hạt lúa, hạt ngô, hạt tam giác mạch và bền chí giữ vững, dựng xây phên giậu của Tổ quốc.
Đọc tấm bia đá mòn dấu thời gian trên đỉnh Mã Pì Lèng thấy tri ân thật sâu sắc lớp cha anh đi trước. Con đường qua đèo hôm nay là kỳ tích lao động quên mình của hàng chục nghìn thanh niên xung phong đến từ tám tỉnh miền bắc. Hơn 58 năm trước, công trường làm đường phá đá vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam, chinh phục cao nguyên cao nhất Việt Nam - Cao nguyên đá Đồng Văn - bắt đầu được khai mở.
Hai triệu ngày công của hàng chục nghìn lượt người trong bảy năm ròng (từ ngày 10-9-1959 đến 15-6-1965) với tay búa tay choòng, đã phá đá bằng cách thủ công nhất, trong thời gian lâu nhất, để mở gần hai trăm cây số đường ô-tô từ thị xã Hà Giang (nay là TP Hà Giang) lên Đồng Văn, Mèo Vạc, nơi hoang sơ nhất miền cực bắc Tổ quốc mà từ buổi hồng hoang đến năm 1965 chỉ có lối mòn cho ngựa thồ và người đi bộ. Riêng đoạn đèo Mã Pì Lèng, công nhân phải treo mình để chinh phục đá.
Do quá hiểm trở, chỉ có thể đục từng xăng-ti-mét vách đá để đặt nửa bàn chân vào tìm chỗ đứng, mỗi ngày có vài chục công nhân được làm “lễ truy điệu sống” rồi treo mình trên dây thừng dòng từ cây cổ thụ xuống, công việc đó diễn ra suốt 11 tháng trời. Cung đường hình thành vòng vèo quanh lưng núi, một bên là vách đá dựng đứng một bên là hẻm vực sông Nho Quế. Nay thì đỉnh đèo Mã Pì Lèng trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách mỗi khi tham quan, khám phá Cao nguyên đá Đồng Văn!
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Cư dân chủ yếu ở Mèo Vạc là đồng bào dân tộc Mông (chiếm hơn 78% số dân) với bản sắc văn hóa độc đáo và hầu như còn giữ được nét nguyên sơ. Cùng với đó, địa bàn huyện cũng là nơi sinh sống lâu đời của 17 dân tộc anh em với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống như người Lô Lô, người Dao, người Giáy…
Nơi đây nổi tiếng là vùng đất có lịch sử đấu tranh hào hùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc và cũng là điểm sáng về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Phát triển du lịch được xác định là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của huyện miền cao nguyên đá, ngành du lịch tỉnh Hà Giang và các cấp chính quyền cơ sở đã duy trì và khôi phục nhiều lễ hội và chợ phiên vùng cao của đồng bào các dân tộc như: Chợ tình Khâu Vai, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, lễ hội Cầu mưa của dân tộc Lô Lô, lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, lễ Mừng năm mới của dân tộc Giáy;
Rồi xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi), Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Giáy thôn Tát Ngà (xã Tát Ngà), cùng với thắng cảnh quốc gia đèo Mã Pì Lèng, rừng hoa đá tại Lũng Pù - Khâu Vai... đang tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu của con người và thiên nhiên Mèo Vạc trên Công viên địa chất toàn cầu. Đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, lại giữ gìn được sự đa dạng văn hóa các dân tộc cùng cơ sở hạ tầng được cải thiện, năm 2017 vừa qua, Mèo Vạc đã đón hơn 41 nghìn lượt du khách.
Theo lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc, cần phải lấy văn hóa để phát triển du lịch và từ du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa. Chợ phiên vùng cao của Mèo Vạc là thí dụ điển hình cho phương châm này khi trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn du khách.
Tiêu biểu nhất phải kể đến Chợ tình Khâu Vai - một nét đẹp văn hóa truyền thống mang ý nghĩa nhân văn, một điểm đến hấp dẫn. Dẫu chỉ đến một lần, du khách vẫn có những cảm xúc mới lạ bởi những phút giây mơ màng thi vị, để lại dư âm đặc biệt.
Đây chẳng phải phiên chợ bình thường mà là chợ tình! Mỗi năm một lần, nhằm ngày 27-3 (âm lịch) phiên chợ trở lại như một nốt nhạc rộn ràng, reo vui trên mảnh đất Mèo Vạc hoa nở trên đá ấy. Truyền thuyết về sự tích hình thành Chợ tình Khâu Vai thật đẹp, đó là mối tình thắm thiết nhưng không thành giữa nàng Út và chàng Ba của hai dân tộc Giáy và Nùng.
Đôi lứa đau đớn chia lìa với lời thề nguyền kiếp sau sẽ trở thành vợ chồng và hẹn nhau hằng năm cùng trở lại núi Khâu Vai vào đúng ngày chia tay ấy (ngày 27-3 âm lịch) để gặp gỡ. Từ đó, ngày này được cư dân bản địa lấy làm ngày họp chợ hằng năm. Và từ gần 100 năm nay, Chợ tình Khâu Vai mỗi năm vẫn họp một lần trên ngọn đồi thôn Khâu Vai, xã Khâu Vai.
Đêm chợ truyền thống đầy nhân văn của cư dân bản địa, đến để trao nhau những yêu thương qua một đêm, để rồi sáng ra khi tan phiên chợ, họ lại trở về cuộc sống thường nhật, không hề có sự hờn ghen hay trách móc. Những người ở xa, cách đến vài quả núi vẫn không quản ngại tìm về “bến yêu thương”, cùng mời nhau bát rượu ngô, ăn cơm nắm, cơm lam hay các loại bánh trái và tâm tình bên nhau.
Một góc chợ tình Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Ảnh: Đỗ Bình (TTXVN)
Để khai thác hiệu quả lợi thế trong phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần cho nhân dân, lãnh đạo huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo giúp đỡ các làng, bản phát triển những hội nghệ nhân dân gian, đội nghệ thuật bán chuyên nghiệp,... Huyện cũng là đơn vị đi đầu của tỉnh Hà Giang trong việc triển khai đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào giảng dạy trong trường học.
Thôn Sảng Pả A của người Lô Lô, thuộc thị trấn Mèo Vạc được công nhận là Làng văn hóa du lịch dân tộc của huyện Mèo Vạc từ năm 2007. Người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện rất rõ trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ.
Với sự đầu tư của huyện, nhà văn hóa thôn đã được xây dựng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Tại đây, đội văn nghệ dân gian của thôn thường xuyên tổ chức biểu diễn các điệu múa, làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lô Lô, nhờ đó vừa bảo tồn được vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm... Thôn còn thành lập Nhóm thêu thổ cẩm Lô Lô với hơn 20 thành viên.
Theo Trưởng nhóm Lùng Thị Minh, phụ nữ Lô Lô phải học thêu thùa may vá từ tấm bé, để lúc trưởng thành có thể tự làm cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Trang phục của phụ nữ Lô Lô được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn tinh xảo, không dùng khung mà chỉ cầm miếng vải để thêu, đường kim mũi chỉ được xử lý một cách khéo léo và tinh tế... Nhóm thêu không những bảo ban, giúp nhau trong công việc mà cả trong đời sống sinh hoạt thường nhật, vận động nhân dân trong thôn cùng nhau chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc.
Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc Hầu Minh Lợi cho biết: Xác định người dân chính là chủ thể của văn hóa và là người bảo tồn các di sản văn hóa một cách bền vững nhất, Huyện ủy Mèo Vạc đã chỉ đạo các đơn vị vận động những người cao tuổi có hiểu biết về văn hóa dân tộc, dân ca Lô Lô để mở các lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Cùng với đó, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ, Tết, sự kiện quan trọng. Các thể loại dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, nghi lễ truyền thống, truyện cổ, ca dao, câu đố... được các nghệ nhân lớn tuổi truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Gần đây, Mèo Vạc đã khôi phục thành công Lễ hội “vỗ mông” của đồng bào Mông và duy trì lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số khác cùng hoạt động của hội nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn.
Tôi rời Mèo Vạc trong sự ám ảnh bởi một giai điệu và lời hát truyền thống của phụ nữ Mông. Một giai điệu Mông đích thực, vừa như tự sự vừa như than thở, lại vừa như ước vọng nói với trời và đá, rất quen thuộc trên môi người phụ nữ Mông mỗi khi rời nhà lên nương trên núi đá.
May mắn cho tôi bởi ngay sau đó, Hùng Kim Diệu Lan - cô hướng dẫn viên trẻ của Trung tâm Thông tin du lịch huyện Mèo Vạc, một người Mông đích thực sinh ra và lớn lên ở miền đá xám này, lại là cháu nội của nhà nghiên cứu dân tộc, nhà thơ người Mông, Hùng Đình Quý - đã truyền đạt cho tôi đầy đủ lời bài hát đã được ông nội cô dịch ra tiếng phổ thông:
Quê ta Mèo Vạc/ chỉ có đá chất chồng lên đá/ Đá lởm chởm nhọn sắc/ Gần mặt trời mà thiếu nắng quanh năm/ Giữa ngút ngàn vách đá cheo leo/ Cây ngô mọc lên từ hốc đá/ Đá kè nỗi khắc khoải người Mông…/ Giọt mồ hôi phấp phỏng mùa ngô/ Phấp phỏng buồn vui…/ Nhiều lúc trắng tay, lắm phen cơ cực/ Nương ngô xanh là ước vọng ngàn đời.
Nguồn nhandan.com.vn